Sầu riêng là loại cây trồng có thể giúp mang lại hiệu quả kinh tế, tạo điều kiện nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. Tuy nhiên, để cây sầu riêng “ăn bền lâu” và cho trái đạt chất lượng và năng suất tốt không phải là chuyện dễ mà đòi hỏi người trồng phải quan tâm cung cấp dinh dưỡng cho cây một cách phù hợp; chú ý áp dụng các giải pháp kỹ thuật như tăng cường sử dụng phân thuốc hữu cơ sinh học để giúp phục hồi sức khỏe của cây sầu riêng sau những mùa thu hoạch trái.
Điển hình như vườn trồng giống sầu riêng Ri 6 của anh Nguyễn Văn Kiệt ở ấp Nhơn Thọ 2, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ hiện đã hơn 10 năm tuổi và có thể cho trái đạt từ 2,5 - 3 tấn/công/năm. Sầu riêng tại vườn anh Kiệt cho trái khá to và trái có màu sắc đẹp, bắt mắt. Mỗi trái sầu riêng có thể nặng từ 3 - 3,5kg, thậm chí 4 kg/trái. Để vườn sầu riêng phát triển bền vững, những năm qua anh đã quan tâm tăng cường áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Đặc biệt, chú trọng sử dụng các loại phân bón hữu cơ như phân bò, các loại phân bón hữu cơ dạng viên nén và chất cải tạo đất SEA do Cty Nguyễn Thanh Hải sản xuất.
Anh Kiệt cho biết, nhờ tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và chất cải tạo đất SEA nên chi phí sản xuất sầu riêng của vườn nhà anh Kiệt đã giảm chi phí từ 30 - 40% so với trước đây khi còn sử dụng 100% phân thuốc hóa học và đặc biệt hơn nữa năng suất, chất lượng trái sầu riêng lại được cải thiện rõ nét, cây sầu riêng cho trái to, sáng tròn đều và trái sai hơn gấp đôi so với trước đây.
“Qua nhiều năm tôi sử dụng chất cải tạo đất SEA và kết hợp phân bón hữu cơ nên vườn cây sầu riêng của tôi luôn tươi tốt, lá xanh dày, ít bị sâu bệnh tấn công, ít có dấu hiệu suy kiệt sau các mùa thu trái. Tuy gần 5 năm nay sử dụng chất cải tạo đất SEA của Cty Nguyễn Thanh Hải, vườn sầu riêng không xuất hiện bệnh xì mủ ở thân cây và bệnh chết cây sầu riêng…trong khi đó các vườn sầu riêng ở gần đó sử dụng phân thuốc hóa học năng suất ngày càng giảm dần và thường xuất hiện nhiều các nấm bệnh, như xì mủ ở thân cây và vàng lá”, anh Kiệt nói.
Còn ông Mai Thành Luân ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai trồng 1 ha sầu riêng giống Ri 6, chuẩn bị thu hoạch trái bán cho thương lái phấn khởi chia sẻ: Những năm gần đây thời tiết bất lợi, việc xử lý sầu riêng ra trái đạt theo yêu ý muốn là rất khó, nhưng hơn chục năm nay ông Luân mạnh dạn sử dụng phân bón hữu cơ và chất cải tạo đất SEA nên hạn chế được sâu bệnh, chi phí thấp, trái tròn đều và bán giá cao hơn thị trường từ 5.000 - 8.000 đồng/kg khi lái đến vườn bỏ tiền cọc.
Theo ông Luân, bình quân vườn sầu riêng trồng 25 - 30 cây/công đối với cây 10 năm tuổi trở lên có sử dụng 100% phân thuốc hữu cơ sinh học ước cho năng suất từ 2,5 - 3 tấn, sau khi trừ hết chi phí cho lợi nhuận từ 60 - 80 triệu đồng/công.
Bà Biện Thị Bích Chi, Phó trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Phong Điền cho biết: Huyện hiện có hơn 8.500ha trồng cây ăn trái, trong đó có hơn 2.000ha sầu riêng, chiếm khoảng 25% tổng diện tích cây ăn trái của huyện. Thời gian qua, bên cạnh việc hỗ trợ nông dân trồng sầu riêng theo hướng VietGAP và hữu cơ, huyện cũng đã tích cực hướng dẫn, khuyến khích nông dân tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ sinh học và giảm dần sử dụng phân bón hóa học nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là trong bối cảnh giá nhiều loại phân bón vô cơ đang tăng cao như hiện nay. Việc tăng sử dụng phân bón hữu cơ và chất cải tạo đất SEA không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần giúp cây sầu riêng lâu bị già cỗi và cho trái đạt năng suất, chất lượng tốt, cũng như an toàn cho người sử dụng.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ cho biết: Hiện toàn TP có hơn 23.500ha cây ăn trái các loại, trong đó có khoảng 2.500 ha trồng sầu riêng, tập trung nhiều tại các quận, huyện Phong Điền, Thới Lai, Ô Môn và Thốt Nốt. Các loại sầu riêng được trồng trên địa bàn hiện chủ yếu là sầu riêng hạt lép Ri 6 và Monthong...
Để vườn sầu riêng “ăn bền” và cho trái đạt chất lượng, năng suất và sản lượng tốt, nông dân đang tích cực tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và chú trọng sản xuất theo hướng an toàn, bền vững. Nhờ vậy, đã góp phần giúp sầu riêng có màu sắc sáng đẹp, chất lượng trái thơm ngon, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Với giá bán sầu riêng đang ở mức khá cao từ 50.000 - 800.000 đồng/kg (tùy loại trái), hiện nông dân trồng sầu riêng có thể đạt lợi nhuận từ 70 - 100 triệu đồng/công, tùy theo năng suất trái.