| Hotline: 0983.970.780

Sử dụng năng lượng mặt trời sản xuất nước mắm

Thứ Bảy 19/10/2019 , 09:40 (GMT+7)

Thay vì ướp cá vào thùng, ủ hơn 1 năm mới cho ra sản phẩm, HTX thu mua và chế biến thủy, hải sản Phú Khương (Hà Tĩnh) áp dụng công nghệ náo đảo tự động bằng ống khép kín, hâm nóng bằng năng lượng mặt trời để sản xuất nước mắm “sạch”, tăng độ đạm nhưng vẫn giữ được hương vị truyền thống đặc trưng.

17-51-28_1
Nước mắm Phú Khương được sản xuất bằng công nghệ năng lượng mặt trời.

HTX thu mua và chế biến thủy, hải sản Phú Khương (HTX Phú Khương), thôn Tân Phú, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thành lập năm 2015, trên cơ sở tập hợp nhóm hộ cùng nghề, cùng thống nhất hợp tác. Thời gian đầu thành lập, mặt bằng chưa có nên HTX phải sản xuất trong khu dân cư, ảnh hưởng đến môi trường; sản phẩm chưa có thương hiệu, bao bì nhãn mác thô sơ, chưa có đầu ra ổn định, chủ yếu bán lẻ ở chợ và trong dân địa phương.

Cuối năm 2017, được sự giúp đỡ, hỗ trợ của các sở ngành và chính quyền địa phương, HTX Phú Khương đầu tư hơn 13 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng và lắp đặt 100 bể nước mắm bằng tấm năng lượng mặt trời. Đây là công nghệ mới tự động náo đảo bằng ống khép kín và hâm nóng bằng năng lượng mặt trời, vừa giữ được độ đạm cho nước mắm vừa giữ được hương vị truyền thống của nước mắm vùng biển Kỳ Xuân.

Bà Lê Thị Khương, Giám đốc HTX chia sẻ: “Sản xuất nước mắm bằng công nghệ mới không chỉ rút ngắn thời gian ủ cá xuống 6 tháng; giảm sức lao động vì không phải náo đảo mà còn giữ được độ đạm cho sản phẩm. Đặc biệt, để tạo màu cho nước mắm, chúng tôi rang vàng gạo, tạo thính phối trộn, kiên quyết không sử dụng chất tạo màu hóa học”.

Năm 2018, nước mắm Phú Khương được chọn là một trong 6 sản phẩm điểm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hà Tĩnh. Hiện, HTX đã hoàn thiện hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, chứng nhận an toàn thực phẩm, có mã số, mã vạch, được hỗ trợ thiết kế logo, bao bì nhãn mác, được cấp bảo hộ nhãn hiệu, hỗ trợ xây dựng trang web để quảng bá, giới thiệu.

17-51-28_nuoc_mm
Người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua mã vạch.

“Nhờ tham gia OCOP chúng tôi được hỗ trợ tập huấn, tham gia các hội chợ lớn trong nước, từ đó việc tìm kiếm thị trường của HTX bước sang trang mới. Hiện tại nước mắm Phú Khương không chỉ có mặt ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà còn được quảng bá, giới thiệu để mở rộng thị trường tiến dần hơn vào các siêu thị lớn như: VinMart, Big C, tập đoàn Hoàng Hà ở Quảng Ninh...”, bà Khương nói.

Bình quân 2 năm nay, sản lượng cá HTX thu mua để sản xuất nước mắm đạt 350 - 400 tấn/năm. Doanh thu năm 2018 đạt trên 8,5 tỷ đồng; lợi nhuận trên 2 tỷ (tăng 1,5 tỷ đồng so với năm 2017); 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu đã đạt hơn 6 tỷ đồng. Đặc biệt, sự phát triển ngày càng ổn định của HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 14 lao động, với mức thu nhập 5,5 triệu đồng/người/tháng và 20 lao động thời vụ.

Thời gian tới, HTX Phú Khương dự kiến nâng quy mô sản xuất từ 80 nghìn lít nước mắm/năm lên 200 nghìn lít/năm. Tiếp tục đầu tư công nghệ sản xuất, lắp đặt hệ thống dây chuyền chiết rót, đóng chai, phấn đấu phát triển sản phẩm đạt chuẩn 4 sao trong chương trình OCOP năm 2019.

(Kiến thức gia đình số 42)

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.