| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 21/09/2022 , 12:42 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 12:42 - 21/09/2022

Sự tàn phá của virus Việt Á

Công ty Việt Á nổi lên như một nhân tố ngăn chặn virus corona, nhưng vì những thủ đoạn xảo quyệt mà Công ty Việt Á bỗng trở thành một thứ virus thâm độc.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng bị khởi tố và bắt tạm giam liên quan đến Công ty Việt Á thổi giá kit xét nghiệm, thực sự khiến dư luận không tránh khỏi sửng sốt. Bởi lẽ, khi Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương Phạm Duy Tuyến vướng vòng lao lý với lời tự thú đã nhận hối lộ 27 tỷ đồng từ Công ty Việt Á, thì chính ông Phạm Xuân Thăng đã bày tỏ sự bức xúc “sai phạm của ông Phạm Duy Tuyến là rất nghiêm trọng, đi ngược lại với nỗ lực chống dịch của cả hệ thống chính trị và gây bức xúc trong cán bộ, nhân dân trong tỉnh”.

Trớ trêu thay, bây giờ ông Phạm Xuân Thăng trở thành cán bộ cao cấp tiếp theo dính líu đến Công ty Việt Á, sau ông Nguyễn Thanh Long - cựu Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Chu Ngọc Anh cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ.

Cả ba đối tượng Phạm Xuân Thăng, Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh đều là Ủy viên Trung ương Đảng với quyền uy đủ để “nói có người nghe, đe có người sợ”. Vậy mà, họ lại tự đẩy mình vào hoàn cảnh thật nghiệt ngã và bẽ bàng.

Công ty Việt Á nổi lên như một nhân tố ngăn chặn virus corona, nhưng vì những thủ đoạn xảo quyệt mà Công ty Việt Á bỗng trở thành một thứ virus thâm độc xâm hại đời sống cộng đồng. Sự tàn phá của virus Việt Á diễn ra trên diện rộng, ở nhiều địa phương, ở nhiều đơn vị. Thậm chí virus Việt Á còn khiến nhiều nhân vật lãnh đạo của Học viện Quân Y cũng thúc thủ cay đắng.

Đến nay, liên quan đến sai phạm của Công ty Việt Á, đã có gần 100 đối tượng bị khởi tố. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tiêu cực, tham nhũng đã xác định đây là một đại án phải xử lý rốt ráo, nên quá trình điều tra vẫn tiếp tục được mở rộng. Một điều rất chua chát là những Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh từng thề thốt về sự liêm chính trước cám dỗ vật chất của liên minh ma quỷ Việt Á, đều lần lượt xộ khám. Không thể nào nói khác hơn, đạo đức ngành y hoàn toàn không có sức đề kháng đối với virus Việt Á.

Câu chuyện của Công ty Việt Á chắc chắn còn nhiều tình tiết bất ngờ và lâm ly, cho đến khi đại án này được đưa ra xét xử công khai. Thế nhưng, chỉ với những gì đã có hiển thị trên hồ sơ lực lượng chức năng, thì virus Việt Á đã là một phép thử oái oăm cho bản lĩnh trong sạch của đội ngũ cán bộ. Nếu khẳng định cán bộ địa phương do chật vật kinh tế mà nao núng để Công ty Việt Á lung lạc, thì cán bộ Trung ương có phải túng thiếu đâu mà sa ngã hàng loạt như vậy? Rõ ràng, đó là hệ lụy của sự kém tu dưỡng để lòng tham đưa đường chỉ lối vào mê hồn trận suy đồi.

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến an nguy của xã hội, những ai còn chút lương tri đều cảm thấy bản thân cần dự phần can đảm và tử tế. Không có virus nào dễ dàng tấn công và đánh gục một cơ thể cường tráng. Virus Việt Á chỉ đắc thắng khi luồn lách vào những kẻ đã mang sẵn căn bệnh tha hóa.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm