| Hotline: 0983.970.780

Sửa Luật Thủ đô: Hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững

Thứ Ba 05/12/2023 , 14:39 (GMT+7)

Luật Thủ đô (sửa đổi) với những quy định được coi là ‘mở khóa’ cho những vướng mắc trong phát triển nông nghiệp Thủ đô hiện nay.

Sau gần 10 năm thực hiện Luật Thủ đô 2012, Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, trong đó có vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trong những năm dịch Covid-19 bùng nổ, tác động lớn đến mọi mặt kinh tế thì nền kinh tế nông nghiệp Thủ đô vẫn duy trì tăng trưởng dương, bảo đảm lương thực cho người dân trong mọi tình huống.

Tuy nhiên, với xu thế hội nhập hiện nay, nông nghiệp Thủ đô cần sự chuyển mình, đổi mới rõ nét. Nằm trong lòng Thủ đô, nông nghiệp cần có bản sắc và hướng đi riêng. Khắc phục hạn chế, tạo đột phá cho nông nghiệp phát triển, Luật Thủ đô (sửa đổi) với những quy định mới đang “mở khoá” cho nông nghiệp Thủ đô.

Các giải pháp nổi trội, đặc thù trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân… được quy định tập trung tại Điều 33 và nhiều điều, khoản khác trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). 

Hướng đến nông nghiệp Thủ đô bền vững, thông minh

Nổi bật đó là các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tập trung vào công nghệ sản xuất giống cây, đặc sản bản địa có giá trị cao; công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến sâu, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi tuần hoàn, tạo chuỗi giá trị nông sản chủ lực của Thủ đô, mở rộng và phát triển thị trường công nghệ nông nghiệp (Điều 33, khoản 2, điểm a,b,c); phát triển các khu công nghệ cao, bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng cao của Thủ đô, qua đó thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động ươm tạo, đổi mới công nghệ trong nông nghiệp (Điều 26, Khoản 1).

Hà Nội hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Thảo Phương.

Hà Nội hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Thảo Phương.

Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) Đặng Kim Sơn từng nhấn mạnh, Hà Nội cần tận dụng lợi thế là trung tâm của các viện, đơn vị nghiên cứu khoa học, từ đó thuận lợi cho ứng dụng vào phát triển nông nghiệp. Ngoài ra, nông nghiệp Thủ đô cần có đặc thù riêng, phát triển trong lòng đô thị.

Hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế nông thôn

Cùng với những giải pháp cụ thể về nông nghiệp, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đề cập rõ những giải pháp hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế nông thôn (hợp tác xã kiểu mới, kinh tế trang trại, gia trại...) liên kết với phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với tiêu thụ sản phẩm làng nghề, làng có nghề giàu bản sắc văn hoá Thủ đô.

Điển hình là các giải pháp thu hút, khai thác, phát huy các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân: Ưu đãi đầu tư thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dự án phát triển làng nghề truyền thống; ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược cho các dự án khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học; liên kết vùng Thủ đô ưu tiên phát triển nông nghiệp sinh thái theo chuỗi giá trị; quản lý và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh) Hà Văn Tám chia sẻ, với những chính sách thu hút đầu tư như trên thì doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ có nhiều điều kiện mở rộng sản xuất, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hướng tới xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Thủ đô đến thị trường thế giới.

Nâng cao đời sống nông dân

Điểm nổi bật được Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa vào là các điều khoản như giải pháp khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn lực từ đất đai cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, mở ra cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Nội bước chuyển mình mới.

Dự thảo Luật giao chính quyền thành phố được quyết định chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và hoạt động sản xuất nông nghiệp khác; việc góp quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong các trường hợp tập trung đất nông nghiệp để thực hiện sản xuất nông nghiệp; sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp ở bãi sông để sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm; cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp các công trình phụ trợ bán kiên cố phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung…

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên cho rằng, với những điều khoản quy định rõ ràng như vậy sẽ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã tháo gỡ những nút thắt trong đầu tư trong nông nghiệp. Muốn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cần quy mô lớn, nguồn vốn mạnh, đầu tư hệ thống nhà xưởng, các công trình phụ trợ… Những điều khoản mới sẽ tháo gỡ nhiều tồn tại về quỹ đất, vốn, công nghệ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đưa ra những giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao đời sống nông dân, người lao động tại các tổ chức kinh tế nông nghiệp. Thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề của thành phố cho lao động nông thôn theo nhu cầu từng đối tượng, hình thành và phát triển đội ngũ “công nhân nông nghiệp”; thành phố hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô…

Đặc biệt, việc hỗ trợ đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo làm nghề nông, lâm nghiệp, không có hoặc thiếu từ 50% đất sản xuất trở lên. Trường hợp không bố trí được đất sản xuất thì hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm việc làm; xem xét, quyết định giao đất để làm nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống tại xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của thành phố chưa có đất ở; trường hợp người dân đã có đất ở nhưng chưa có nhà hoặc nhà bị dột nát thì hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà phù hợp điều kiện, tập quán địa phương…

Xem thêm
Trưởng ban Nội chính Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre

Bến Tre Đến nay, có 8/17 chỉ tiêu đạt trên 80% so với mục tiêu Nghị quyết, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 4,97%, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,8 triệu người/năm.

Lễ hội quế lớn nhất nước giới thiệu hơn 50 sản phẩm từ quế

Yên Bái Ngày 5/1, huyện Văn Yên tổ chức Lễ hội quế lần thứ 5 với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc nhằm quảng bá, giới thiệu vùng quế lớn nhất cả nước.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Về xứ Tuyên ở nhà trên núi

Nông thôn xứ Tuyên đang dần tìm lại bóng dáng làng xưa với niềm tự hào kiêu hãnh, cũng bởi lẽ đó nhiều khách phương xa muốn tìm về!