| Hotline: 0983.970.780

Sức bật mới trên rẻo cao: [Bài 1] Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Hai 09/12/2024 , 07:24 (GMT+7)

Bắc Kạn Trên những bản làng vùng cao, người dân được hỗ trợ cây, con giống, được hướng dẫn kỹ thuật, sản phẩm làm ra được các doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu toàn bộ.

LTS: Bắc Kạn là tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%, những năm qua, đời sống đồng vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, tư liệu sản xuất và việc tiếp cận thông tin của bà con vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế. Những năm gần đây, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030 được triển khai như một luồng gió mới tạo đòn bẩy giúp người dân có thêm điều kiện vươn lên.

Bản vùng cao bứt tốc nhờ cây dược liệu

Dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý triển khai trên địa bàn huyện Ba Bể là một trong những dự án nông nghiệp quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong những năm gần đây.

Đây là dự án thuộc CTMTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Dự án có tổng mức đầu tư 229 tỷ đồng (gồm vốn ngân sách nhà nước và doanh nghiệp), xây dựng vùng nguyên liệu quy mô hơn 200ha và nhà máy chế biến sản phẩm tại chỗ.

Vùng trồng cây cà gai leo ở thôn Nà Sằm, xã Thượng Giáo (huyện Ba Bể). Ảnh: Sơn Lâm. 

Vùng trồng cây cà gai leo ở thôn Nà Sằm, xã Thượng Giáo (huyện Ba Bể). Ảnh: Sơn Lâm. 

Mục tiêu dự án là hình thành 70ha vùng trồng cây dược liệu tập trung ứng dụng công nghệ cao và 150ha phát triển 18 loài dược liệu có giá trị kinh tế cao đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Dự án này cũng sẽ hình thành ít nhất 10 hợp tác xã sản xuất và sơ chế dược liệu, liên kết, hỗ trợ ít nhất 1.000 người tham gia vào chuỗi sản xuất dược liệu, trong đó có 80% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dự án từ 3-5%/năm.

Những ngày cuối tháng 11/2024, người dân thôn Nà Sằm, xã Thượng Giáo (huyện Ba Bể) tất bật thu hoạch cà gai leo, đây là vụ thu hoạch thứ 2 từ khi thực hiện dự án. Trên con đường bê tông men theo những thửa ruộng bậc thang, cánh đồng trồng cây cà gai leo nhìn như mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Tay thoăn thắt cắt tỉa từng gốc cà gai leo, anh Triệu Văn Hòa hồ hởi chia sẻ, Nà Sằm là thôn vùng cao, những cánh đồng ruộng bậc thang thường xuyên thiếu nước, trước đây trồng ngô, vụ nào mưa nhiều thì được thu hoạch, năm nào ít mưa cây ngô cũng không lớn nổi.

“Từ khi trồng cây cà gai leo theo dự án liên kết với Công ty TNHH Một thành viên thương mại Đông Nam Việt (DONAVI) bà con rất phấn khởi. Vụ vừa rồi gia đình làm hơn 1.700m2 thu được hơn 10 triệu đồng. Khi cây trưởng thành mỗi năm thu được 3 vụ mang lại thu nhập khá. Hiện cả thôn có 66 hộ tham gia dự án trồng cây cà gai leo, sau khi có thu nhập từ loại cây này bà con rất phấn khởi”, anh Hòa chia sẻ.  

Vụ vừa qua, Công ty DONAVI mua cà gai leo với giá 4.000 đồng/kg, nếu thực hiện đúng kỹ thuật hướng dẫn, 1.000m2 có thể mang lại từ 7 đến 12 triệu đồng/lứa. Cây cà gai leo cho thu hoạch thân, lá, quả khoảng 3 lứa/năm và sau 4 năm mới phải trồng lại cây mới. Như vậy, 1ha trồng cà gai leo đạt năng suất cao có thể cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.  

Bà Nguyễn Thị Oanh, Giám đốc Công ty DONAVI (đơn vị chủ trì thực hiện liên kết) cho biết, cây cà gai leo được trồng trên đồng đất Nà Sằm từ đầu năm 2024, tham gia dự án, người dân được cấp giống, phân bón, chế phẩm sinh học, tập huấn khoa học kỹ thuật miễn phí.

“Hiện công ty đang thực hiện trồng 18 loại cây dược liệu tại huyện Ba Bể, hiện mới thực hiện được ở một số thôn. Năm 2025, dự kiến đơn vị sẽ phối hợp cùng bà con trồng thêm khoảng 150ha theo kế hoạch. Nhận định ban đầu cho thấy, đất đai, khí hậu ở một số vùng huyện Ba Bể phù hợp với nhiều loại cây dược liệu. Đất đai chưa bị thoái hóa do ít sử dụng thuốc, phân bón hóa học nên thuận lợi cho canh tác hữu cơ”, bà Oanh cho biết thêm.

Niềm vui người dân thôn Nà Sằm khi bán sản phẩm từ cây cà gai leo. Ảnh: Trần Quản. 

Niềm vui người dân thôn Nà Sằm khi bán sản phẩm từ cây cà gai leo. Ảnh: Trần Quản. 

Đa dạng hình thức hỗ trợ

Từ nguồn vốn của  Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2024 gia đình bà Nông Thị Hằng ở xã Cư Lễ (huyện Na Rì) được hỗ trợ 100 con gà giống. Sau ba tháng chăm sóc, đàn gà phát triển tốt, trọng lượng trung bình đạt hơn 2,5kg/con, có thể xuất bán.

Bà Hằng chia sẻ, trước đây gia đình chủ yếu bán tạp hóa, khu vườn sau nhà thường xuyên bỏ hoang. Khi được hỗ trợ nuôi gà, gia đình đã cải tạo lại vườn, dựng hàng rào, làm chuồng trại. Dự kiến gia đình sẽ dùng số ít gà để ăn Tết nguyên đán, phần còn lại sẽ bán ra thị trường, có vốn năm sau sẽ tiếp tục mở rộng chuồng trại để nuôi nhiều thêm.

Đàn gà được hỗ trợ của gia đình bà Nông Thị Hằng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Đàn gà được hỗ trợ của gia đình bà Nông Thị Hằng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ông Lý Văn Tuyên, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Na Rì cho biết, thực hiện  Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2024 huyện Na Rì hỗ trợ gà giống cho 180 hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn. Các xã được hưởng thụ chương trình gồm Cư Lễ (53 hộ), Văn Minh (55 hộ), Trần Phú (72 hộ). Hiện nay, những hộ tham gia đã được cấp 2 đợt cám, tổng khối lượng gần 61 tấn.

Dự án được thực hiện thông qua chủ trì liên kết là các hợp tác xã trên địa bàn, các hợp tác xã sẽ trực tiếp cung ứng con giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm nếu bà con có nhu cầu. Tất cả quy trình khép kín từ cung ứng con giống vật tư đến khâu tiêu thụ, bà con yên tâm không lo đầu ra.

Theo ông Tuyên, do người dân được hỗ trợ toàn bộ con giống, thức ăn nên các hộ thực hiện tốt quy trình chăn nuôi đã được hướng dẫn. Đánh giá sơ bộ cho thấy, các hộ sau khi được hỗ trợ đều tích cực chăm sóc, đàn gà phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Đây là tín hiệu tốt để tiếp tục thực hiện dự án trong những năm tới.

Tại tỉnh Bắc Kạn, Dự án 3 - Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị là 1 trong 10 dự án thuộc  Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó tiểu dự án 1 sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Riêng kế hoạch vốn của tiểu dự án này là hơn 181 tỷ đồng, nguồn vốn đã được phân cấp cho các huyện thực hiện, các huyện đã giao vốn cho UBND các xã triển khai.

Hỗ trợ con giống, cám chăn nuôi giúp nhiều hộ có thêm sinh kế phát triển sản xuất. Ảnh: Trần Quản. 

Hỗ trợ con giống, cám chăn nuôi giúp nhiều hộ có thêm sinh kế phát triển sản xuất. Ảnh: Trần Quản. 

Đối với tiểu dự án 2, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kế hoạch vốn hơn 167 tỷ đồng. Trong đó ngân sách trung ương hơn 155 tỷ đồng,  ngân sách địa phương hơn 12 tỷ đồng.  

Nguồn vốn tiểu dự án này sẽ hỗ trợ phát triển sản xuất 186 dự án, trong đó hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị 66 dự án, hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng 120 dự án. Dù gặp một số khó khăn, nhưng hiện nay các dự án thực hiện theo đúng kế hoạch góp phần giúp người dân có thêm sinh kế phát triển sản xuất, tăng thu nhập bền vững.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tánh Linh tận dụng thế mạnh đặc sản để xây dựng sản phẩm OCOP

Huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận đã tận dụng những nông sản đặc trưng, thế mạnh như gạo, sầu riêng, yến sào…để xây dựng sản phẩm OCOP có giá trị.