| Hotline: 0983.970.780

Sức bật mới trên rẻo cao: [Bài 3] Con đường của ý Đảng, lòng dân

Thứ Tư 11/12/2024 , 05:57 (GMT+7)

Bắc Kạn Trên đỉnh núi quanh năm sương mù bao phủ, con đường mới uốn lượn như dải lụa đã hình thành, học sinh không còn cảnh lội bùn đi học, dân bản vơi bớt nhọc nhằn.

Những bản làng nhiều không

Thượng Quan là xã vùng cao của huyện Ngân Sơn, đây là địa phương có nhiều thôn, bản khó khăn nhất của huyện, người dân chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp, hạ tầng giao thông còn rất hạn chế.

Chia sẻ với phóng viên, ông Chu Văn Hướng, Chủ tịch UBND xã Thượng Quan cho biết, trước đây xã có nhiều thôn "3 không" (không điện, không đường, không sóng điện thoại). Muốn tới những thôn như Pác Đa, Cốc Lùng, Slam Cóc phải đi bộ cả buổi mới đến nơi.

Đường lên thôn Pác Đa (xã Thượng Quan) trước khi được đầu tư. Ảnh: Người dân cung cấp.

Đường lên thôn Pác Đa (xã Thượng Quan) trước khi được đầu tư. Ảnh: Người dân cung cấp.

Trước đây, thôn Pác Đa như ngôi làng biệt lập, cách trung tâm xã hơn 10km, con đường mòn đến bản ngoằn ngoèo qua những dãy núi, mùa mưa lầy lội đi bộ cũng còn khó khăn. Pác Đa là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Dao, người dân chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp tự cung tự cấp, đời sống gặp rất nhiều khó khăn.

Thôn Pác Đa có 36 hộ, tất cả đều là hộ nghèo, dân bản muốn ra ngoài phải vượt hàng chục km đường đất với những con dốc cao dựng đứng. Không có đường, người dân Pác Đa cũng khó phát triển kinh tế, lối sống tự cung tự cấp đã theo người dân bao đời nay. Là bản trên núi cao, khí hậu khắc nghiệt, trồng lúa, trồng ngô cũng lắm gian nan vì năng suất thấp, mỗi vụ thu chả được bao nhiêu.

Gia đình chị Triệu Thị Luyến có 4 nhân khẩu, nhà ít ruộng, cuộc sống quẩn quanh trong đói nghèo. Chị Luyến chia sẻ, trước đây chưa có đường, có bao gạo, bao ngô cũng không mang đi bán được, muốn mua bao phân về bón ruộng cũng khó mà chở vào bản vì mùa mưa đường lầy lội đi bộ còn khó chứ nói gì đến chở đồ. Không có đường đã khổ, Pác Đa cũng không có điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại. Cứ như vậy, cuộc sống người dân nơi đây luẩn quẩn trôi qua hết năm này đến năm khác.

Dẫn chúng tôi đi thăm bản, anh Bàn Hồng Sơn, trưởng thôn Pác Đa chỉ lên đỉnh núi, muốn gọi điện thoại, anh phải đi bộ vượt mấy ngọn núi mới có sóng. Pác Đa bị cô lập thông tin với bên ngoài, việc bản, việc nhà muốn thông báo cho ai cũng không thể.

Thôn như một ốc đảo, tách biệt với thế giới bên ngoài, muốn đọc báo xem thông tin cũng không thể tiếp cận, muốn báo việc gì đó lên xã phải vượt hơn chục km đường núi, vất vả vô cùng. Khó khăn nhất là vào mùa mưa bão, có việc đột xuất cần báo cấp trên cũng khó mà làm được ngay, anh Sơn chia sẻ.

“Không có thôn tin, bà con cũng không tiếp cận được khoa học kỹ thuật, không biết diễn biến thị trường, không biết nên trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp, chính vì thế người dân Pác Đa luẩn quẩn trong vòng xoáy đói nghèo”, anh Sơn tâm sự.

Đường lên thôn Pác Đa hôm nay. Ảnh: Ngọc Tú. 

Đường lên thôn Pác Đa hôm nay. Ảnh: Ngọc Tú. 

Con đường của tương lai

Hôm nay, trở lại xã Thượng Quan, diện mạo nông thôn đã thay đổi, từ tuyến tỉnh lộ đi qua xã, một con đường mới đã mở đến thôn Pác Đa. Nhận được tin chúng tôi đến, trưởng thôn Bàn Hồng Sơn đã chờ ở đầu tuyến đường vào bản. Vừa gặp, anh Sơn đã hồ hỏi nói, bây giờ các anh lên bản không phải đi bộ nữa, xe máy, ô tô có thể đến tận nơi.

Con đường mới đến Pác Đa được đổ bê tông rộng 3m uốn lượn theo chân núi, dọc đường nhiều ngôi nhà mới đã mọc lên. Tuyến đường dài hơn 13km nối từ trung tâm xã Thượng Quan đến các thôn Pác Đa, Cốc Lùng, Pù Poót nằm trong dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Đây là một hạng mục trong dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở một số thôn, bản đặc biệt khó khăn nhằm ổn định dân cư tại chỗ giúp đồng bào ổn định cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Ô tô có thể đến thôn Pác Đa, người dân đã đi lại dễ dàng hơn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ô tô có thể đến thôn Pác Đa, người dân đã đi lại dễ dàng hơn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Chở tôi trên chiếc xe máy mới mua, anh Sơn nói, tuyến đường đã giúp Pác Đa không còn là bản biệt lập nữa, trẻ con đi học không phải lội bùn vượt hơn 10km đường đất, cảnh vừa đi vừa dắt xe chỉ còn trong ký ức bà con.

Dọc đường vào bản, chúng tôi gặp anh Bàn Tiến Thanh đang chở bao ngô xuôi về trung tâm xã. Trên chiếc xe máy cũ kỹ, dường như đã theo anh vượt đèo, vượt núi suốt nhiều năm đường đất lầy lội, anh Thanh chia sẻ, hôm nay chở bao ngô ra bản bán lấy ít tiền mua thức ăn và đồ dùng sinh hoạt.

Chưa trò chuyện được bao câu thì anh Thanh vội vã lướt đi trên còn đường hun hút giữa trùng điệp núi non. Anh Sơn trưởng thôn nhắc chúng tôi, đường vào bản còn xa, các anh lên xe đi nhanh, còn nhiều điều thú vị để khám phá.

Pác Đa hôm nay đã đổi thay thật sự, tuyến đường bê tông đến tận bản, đến bản lại có thêm nhiều nhánh nhỏ đến các xóm, những ngôi nhà trước đây cách nhau cả ngọn đồi giờ đã gần nhau hơn. Đầu làng, ngay gần tuyến đường mới, một công trình nước sạch tập trung cũng còn rất mới đã hình thành.

Gia đình anh Bàn Hí Sinh trước đây vốn chỉ trồng lúa, trồng ngô, nay đã trồng thêm cây thuốc lá. “Trước đây chưa bao giờ người dân Pác Đa nghĩ sẽ trồng thuốc lá vì không có đường nên không thể chở vật liệu lên xây lò sấy. Nhưng nay đã khác, cả thôn có hàng chục hộ trồng, có đường mới bà con chở được phân bón, chở được gạch, xi măng”, anh Sinh vui vẻ nói.

Trong câu chuyện của trưởng thôn Bàn Hồng Sơn, có đường, Pác Đa giờ đã bớt đi được một cái không, giờ chỉ mong có điện lưới và sóng điện thoại nữa là xóa được bản "3 không". Nếu tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hành trình vươn lên thoát cái đói, giảm nghèo của bà con Pác Đa sẽ sớm trở thành hiện thực.

Đường mới đã đến bản, Pác Đa và một số thôn khác có điều kiện vươn lên phát triển. Ảnh: NT. 

Đường mới đã đến bản, Pác Đa và một số thôn khác có điều kiện vươn lên phát triển. Ảnh: NT. 

Thực hiện dự án 2 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Kạn đầu tư hơn 62 tỷ đồng quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở các thôn bản vùng cao, vùng bị thiên tai. Nguồn vốn này thực hiện 7 dự án trên địa bàn 6 huyện, ngoài làm đường, dự án này còn xây dựng công trình nước sạch cho người dân vùng được hưởng thụ.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tánh Linh tận dụng thế mạnh đặc sản để xây dựng sản phẩm OCOP

Huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận đã tận dụng những nông sản đặc trưng, thế mạnh như gạo, sầu riêng, yến sào…để xây dựng sản phẩm OCOP có giá trị.