| Hotline: 0983.970.780

Những bước đi bền vững trong xây dựng nông thôn mới ở Ninh Thuận

Thứ Tư 19/04/2023 , 07:35 (GMT+7)

Xây dựng nông thôn mới ở Ninh Thuận không chỉ làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn, mà còn làm cho đời sống người dân ngày càng khởi sắc.

Bắt đầu từ chuyện nhỏ

Xác định xây dựng nông thôn mới cũng như xây nhà, phải vững chắc từ những viên gạch đầu tiên thì căn nhà mới bền vững, do đó, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Ninh Thuận đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và người dân tham gia thực hiện thông qua các cuộc vận động, phong trào và các mô hình như:

Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau, xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, phong trào dân vận khéo, mô hình phụ nữ xách giỏ đi chợ, ngày chủ nhật xanh, mô hình thắp sáng đường quê, mô hình camera an ninh...

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp làng quê Ninh Thuận đổi mới từng ngày. Ảnh: M.P.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp làng quê Ninh Thuận đổi mới từng ngày. Ảnh: M.P.

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số về những nội dung cơ bản của Chương trình, trọng tâm là vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, trong năm 2022, Ninh Thuận đã huy động được trên 707 tỷ đồng để thực hiện các nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Trong đó, ngoài nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ 89 tỷ đồng và ngân sách địa phương 49,574 tỷ đồng, vốn lồng ghép 242 tỷ đồng, vốn tín dụng 289,908 tỷ đồng; Ninh Thuận còn huy động vốn từ doanh nghiệp được 17,134 tỷ đồng, cộng đồng dân cư đóng góp và vốn khác 19,324 tỷ đồng.

Trong năm 2022, các địa phương trên địa bàn Ninh Thuận đã đầu tư 51 công trình, gồm: 32 công trình giao thông với tổng vốn 45,275 tỷ đồng; 4 công trình thủy lợi với tổng vốn 4,158 tỷ đồng; 3 công trình điện có tổng vốn 4,720 tỷ đồng; 4 công trình trường học với tổng vốn 6,350 tỷ đồng; 5 công trình văn hóa với tổng vốn 5,795 tỷ đồng và 3 công trình chợ nông thôn có tổng vốn 3 tỷ đồng.

Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn Ninh Thuận còn sử dụng ngân sách địa phương, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Giao thông nông thôn, thủy lợi, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa… góp phần nâng mức đạt tiêu chí cho các xã.

Trường mầm non được xây mới phục vụ các cháu học tập, vui chơi được tốt hơn. Ảnh: M.P.

Trường mầm non được xây mới phục vụ các cháu học tập, vui chơi được tốt hơn. Ảnh: M.P.

“Đánh giá theo Bộ tiêu chí mới của các địa phương, đến hết năm 2022, toàn tỉnh Ninh Thuận đạt 755 tiêu chí, bình quân đạt 16,06 tiêu chí/xã. Trong đó có 18 xã đã đạt chuẩn theo yêu cầu Bộ tiêu chí cũ nhưng không còn đạt chuẩn theo yêu cầu bộ tiêu chí mới. Nguyên nhân do Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025 có yêu cầu cao hơn và có nhiều nội dung mới. Văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các tiêu chí chậm ban hành, các địa phương chưa chủ động trong triển khai thực hiện ở một số nội dung theo yêu cầu bộ tiêu chí mới”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho hay.

Nâng cao đời sống người dân

Trong xây dựng nông thôn mới, Ninh Thuận chú tâm phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong năm 2022, các địa phương đã thực hiện chuyển đổi cây trồng với diện tích 1.337 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng tiết kiệm nước, đặc biệt là các loại cây trồng cạn.

Triển khai thực hiện 31 cánh đồng lớn với diện tích 4.242 ha. Thực hiện được 57 liên kết theo chuỗi giá trị; trong đó, có 43 liên kết thông qua HTX và 14 liên kết do doanh nghiệp liên kết trực tiếp với nông dân với tổng diện tích 14.267 ha.

Ninh Thuận không ngừng đưa các giống nho mới có chất lượng tốt vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ảnh: M.H.

Ninh Thuận không ngừng đưa các giống nho mới có chất lượng tốt vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ảnh: M.H.

Về phát triển kinh tế tập thể, trong năm 2022 ngành nông nghiệp Ninh Thuận đã phối hợp cùng các địa phương tổ chức 14 lớp tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã; đồng thời tư vấn hỗ trợ tổ chức hội nghị thành lập mới 5 HTX, nâng tổng số HTX Nông nghiệp trên địa bàn Ninh Thuận lện 91 HTX.

Tuy nhiên, trên địa bàn Ninh Thuận hiện nay vẫn còn 5 xã chưa có HTX và một số xã tuy có HTX nhưng hoạt động chưa hiệu quả hoặc mới thành lập, chưa đáp ứng yêu cầu của tiêu chí.

Trong năm 2022, ngành nông nghiệp Ninh Thuận cũng đã tổ chức 14 lớp tập huấn, đào tạo cho cán bộ thực hiện Chương trình OCOP các cấp, cá nhân tham gia Chương trình OCOP; hỗ trợ xúc tiến thương mại và sản phẩm OCOP đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử Voso 11 sản phẩm và đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart 17 sản phẩm.

Qua đánh giá, phân loại  năm 2022, tỉnh Ninh Thuận có 65 sản phẩm OCOP của 37 chủ thể được công nhận đạt chuẩn từ 3-4 sao; trong đó có 9 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 56 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho hay, những nỗ lực trong phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đã mang lại hiệu quả thiết thực ở địa phương.

Trong năm 2022, khu vực nông thôn ở Ninh Thuận đã có 3.150 hộ thoát nghèo. Tính đến cuối năm 2022, khu vực nông thôn toàn tỉnh có 9.700 hộ nghèo /119.315 hộ, chiếm tỷ lệ 8,13% và 6.920 hộ cận nghèo/119.315 hộ, chiếm tỷ lệ 5,8%”.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.