| Hotline: 0983.970.780

SXKD thuốc BVTV ở Đồng Nai: Lộ diện hàng loạt DN vi phạm

Thứ Hai 25/10/2010 , 10:05 (GMT+7)

Tình trạng DN SXKD thuốc BVTV lợi dụng sự yếu kém của cơ quan quản lý để làm ăn gian dối, trí trá, đánh lừa nông dân đang tới mức báo động. Đồng Nai là một ví dụ.

Bên cạnh việc nông dân chủ động sử dụng thuốc BVTV một cách bừa bãi, tùy tiện vì mục đích lợi nhuận (NNVN đã có loạt bài "Hạ độc" bằng rau), một vấn đề khác không thể không đề cập đến đó là tình trạng các DN SXKD thuốc BVTV đang lợi dụng sự yếu kém của cơ quan quản lý để làm ăn gian dối,  trí trá, đánh lừa nông dân. Đồng Nai là một ví dụ.

>> “Hạ độc” bằng rau
>> ''Kích phọt'' bằng mọi cách

Thật, giả lẫn lộn

Chúng tôi về xã Gia Tân 2, Thống Nhất (Đồng Nai), nông dân Nguyễn Văn Thuận làm nghề trồng rau cho biết, hiện nay thị trường thuốc BVTV thật giả lẫn lộn không biết đường nào mà lần. Cùng một loại thuốc phòng trừ sâu hại rau cải xanh, mồng tơi nhưng khi ra đại lý giới thiệu cho cả chục loại thuốc chỉ khác nhau mỗi bao bì mà cuối cùng sau khi dùng thì rau vẫn không khỏi bệnh.

Cũng là thuốc trừ rầy nhưng có cả chục loại khác nhau

Đáng nói, hiện có rất nhiều loại thuốc trừ rầy nhãn mác na ná nhau, có loại thuốc còn quảng cáo trị được “tất cả các loại rầy” trên hoa màu. Trong khi đó, hiện nay người nông dân phun thuốc trừ sâu chủ yếu là theo kinh nghiệm nên không biết đâu là loại thuốc tốt - xấu. Khi được hỏi về thị trường thuốc BVTV hiện nay, ông Hoàng Văn Thái ấp Ruộng Hời, xã Bảo Vinh, thị xã Long Khánh thốt lên: “Thuốc BVTV hiện nay bát nháo quá”. Nhà tôi trồng 8 sào cây ăn trái, mỗi năm dùng hết cả chục triệu tiền thuốc, thế nhưng lạ thay năm sau vườn cây bị bệnh nhiều hơn năm trước".

Nhiều người dân mà chúng tôi gặp ở thị xã Long Khánh, các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu đều cho biết họ rất lo ngại về chất lượng BVTV nhưng không biết làm sao để kiểm chứng. Cây trồng bị bệnh chẳng lẽ không đi mua thuốc? Do đó người dân cứ nghe ai đồn thuốc tốt là chạy đi mua ngay còn chất lượng ra sao thì mù tịt. Chính tình trạng này khiến cho người nông dân bị “móc túi” ngày càng nhiều vì mua nhầm thuốc BVTV rởm, kém chất lượng cũng như có nhãn mác quảng cáo “nổ”.

Hàng loạt DN, đại lý vi phạm.

Đồng Nai là địa bàn có hoạt động SXNN đa dạng, với diện tích hàng đầu cả nước do đó có tới trên 70 DN trong và ngoài tỉnh, 426 đại lý tham gia kinh doanh buôn bán thuốc BVTV. Tuy nhiên, theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được, từ đầu năm đến nay Chi cục BVTV Đồng Nai mới chỉ tiến hành thanh tra 2 đợt (Đợt 1: thanh tra đột xuất ở các vùng trồng rau từ ngày 28/1-6/2; Đợt 2: thanh tra định kỳ từ ngày 5/8-1/9) tổng cộng là 55/426 đại lý (không thanh tra công ty BVTV nào). 

Thuốc BVTV bát nháo đồng nghĩa với việc nông dân còn bị móc túi

Đáng chú ý, với trên 70 DN đang kinh doanh trên địa bàn trong đó có không ít DN “bé tí” làm ăn kiểu chụp giựt, nhưng Chi cục BVTV Đồng Nai chỉ lấy 1 mẫu thuốc BVTV của 1 DN được xem là “đại gia” có uy tín về chất lượng là Cty CP Tập đoàn Điện Bàn (Quảng Nam), và dĩ nhiên là chất lượng đảm bảo. Hỏi về nguyên nhân thanh, kiểm tra quá ít như vậy, chúng được biết, đơn vị này rất bận rộn, hầu hết cán bộ bận đi học.

Thế nhưng, dù thanh tra chỉ 55 đại lý nhưng có tới 24 đại lý và DN liên quan sai phạm. Theo tìm hiểu của NNVN hầu hết các sai phạm của DN là sai nhãn mác, kinh doanh thuốc có nhãn vượt đối tượng, thậm chí có trường hợp không đủ điều kiện để kinh doanh.

Có thể "điểm mặt” các DN vi phạm đã bị thanh tra phát hiện như: 1 - Cty Thái Nông sản phẩm Agiup 480, loại 5lít- nhãn sai quy định; 2 – Cty Hoà Bình sản phẩm Pertox 5EC loại 480ml sản xuất ngày 9/12/2009 nhãn sai quy định; 3 – Cty Đồng Xanh sản phẩm Cithala 75WP loại 100g nhãn sai quy định; 4 – Cty Viễn Khang (Thành Phú, Vĩnh Cửu, Đồng Nai) sản phẩm VK-Super Low 25WP nhãn sai với nội dung được cho phép; 5- Cty Asiatex Agricultural (đường Lê Lợi, Q. 1. TP. Hồ Chí Minh) sản phẩm kinh doanh sai nhãn mác; 6 - Cty Việt Thắng (đường phường Ngô Quyền, Bắc Giang) sản phẩm Daconil 75 WP loại 100g nhãn sai quy định; 7 – Cty TNHH Kiên Nam (đường Thống Nhất, quận Gò Vấp) có sản phẩm Appencarb Super 50FL loại 500ml ngày SX 10/8/2009 có nhãn mác “nổ” vượt cả đối tượng đăng ký; 8 – Cty TNHH Được Mùa (TPHCM) vi phạm về nhãn mác, thông tin quá so với đăng ký; 9- Đáng chú ý là Cty An Hưng Phát (đường Hồng Bàng, quận 11, TP.HCM) sản phẩm Heroga 6.4SL loại 480ml ngày SX 21/3/2009 có nhãn sai quy định, quảng cáo vượt đối tượng và tái phạm nhiều lần; 10- Cty Sinh học ứng dụng (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q. 3, TP.HCM) sản phẩm Exin 4.5có nhãn sai quy định cho phép; 11 – Cty TNHH Hoàng Nông cũng vi phạm về nhãn mác…

Giám đốc kỹ thuật một DN BVTV lớn cho biết, việc thanh tra trong lĩnh vực BVTV hiện nay là quá mỏng. Bên cạnh đó, với chế tài, xử phạt quá thấp trong khi lợi nhuận từ ngành hàng này là rất lớn là không đủ sức răn đe. Đơn cử như ở Đồng Nai, cả gần năm trời, hàng chục DN vi phạm như thế mà chỉ phạt được hơn 18 triệu thì chỉ đủ sức “gãi ngứa”, chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận từ việc làm ăn trái pháp luật. Vì vậy không khó lí giải khi nhiều DN, và các đại lý làm ăn chụp giựt vẫn có cơ hội tồn tại, sống...khoẻ!

"Các DN nhập nhèm ghi sai nhãn mác là hành vi lừa người nông dân. Việc hướng dẫn vượt quá đối tượng cho phép rất nguy hiểm vì nó "xúi" người sử dụng dùng quá liều lượng, dẫn tới hiệu quả phòng ngừa sâu bệnh thấp, tiền mất mà bệnh vẫn mang".

Xem thêm
Chất lượng quặng apatit phục vụ sản xuất phân bón suy giảm mức báo động

Sự thiếu hụt nguồn cung, cùng chất lượng quặng apatit suy giảm đã gây tác động lớn đến các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất trong nước.

Quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi đang chồng chéo, xung đột

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi đang xung đột giữa các quy định hiện hành và mang nặng tính hình thức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?