| Hotline: 0983.970.780

Tái đàn nhanh nhưng phải tránh tái dịch

Thứ Ba 07/07/2020 , 13:59 (GMT+7)

Bộ trưởng NN-PTNT đưa ra những đánh giá về công tác tái đàn, dự báo tình hình thịt lợn giai đoạn cuối năm khi thăm trang trại ở Hải Phòng.

Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra và đánh giá cao đàn lợn sau cai sữa của trang trại ông Bùi Minh Họa. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra và đánh giá cao đàn lợn sau cai sữa của trang trại ông Bùi Minh Họa. Ảnh: Tùng Đinh.

Sáng 7/7, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT và thành phố Hải Phòng đến thăm trang trại lợn giống của ông Bùi Minh Họa tại xã Mỹ Đức, huyện An Lão.

Đánh giá về tốc độ tái đàn hiện nay, Bộ trưởng cho rằng điểm mấu chốt là giữ được đàn hạt nhân gồm 120.000 lợn cụ kỵ, ông bà và 2,8 triệu lợn nái với công suất nhân đàn hiện tại có thể đáp ứng được 11 triệu con vào quý IV. Theo ông, yếu tố này sẽ đảm bảo được nguồn lợn giống phục vụ tái đàn để có thể đuổi kịp số lượng trước khi xảy ra dịch vào thời điểm cuối năm.

Chú trọng an toàn

Mặc dù vậy, vẫn có nhiều vấn đề lớn trong công tác tái đàn, đầu tiên là hầu hết đàn lợn giống đều nằm trong khu vực chăn nuôi lớn, các doanh nghiệp, trang trại lớn. Do đó, Bộ trưởng NN-PTNT cho rằng các đơn vị này cần tập trung các nhóm giải pháp kỹ thuật để hệ số sinh sản đạt cao nhất, lợn giống ra đời không chỉ đủ về số lượng mà còn có chất lượng tốt nhất.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, các doanh nghiệp, trang trại lớn cần tìm cách để đưa lợn giống nhỏ hơn ra các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ vì nếu nuôi đến lợn hậu bị thì giá sẽ cao, người dân khó mua để tái đàn được.

Về đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi, Bộ trưởng nhấn mạnh đây là yếu tố quyết định với tái đàn và phải thực hiện song song với tổ chức nhân giống. Điều đáng nói là các đơn vị chăn nuôi lớn thực hiện điều này khá tốt trong khi các nhóm quy mô nhỏ lẻ lại chưa được chú trọng, do đó, hệ thống thú y, khuyến nông... cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn bà con.

“Đi đôi với việc tăng đàn, an toàn sinh học là biện pháp số một để vừa đủ sản lượng vừa đem lại hiệu quả cho người chăn nuôi. Từ đó đáp ứng mục tiêu phát triển nhanh nhưng bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Minh Họa cho biết, trang trại của ông đang thực hiện các giải pháp an toàn theo 8 bước vệ sinh thú y và tiêu chuẩn này cũng được áp dụng cho các bạn hàng mua lợn giống.

Trước dịch, trang trại của ông Họa có 620 lợn nái đẻ và chết đến 2/3 trong dịch nhưng hiện tại đã hồi phục lên được 500 con. “Dự kiến 1 tháng nữa chúng tôi sẽ có 700 lợn nái và phấn đấu đến quý IV tăng con số này lên 950”, ông Họa chia sẻ.

Đàn lợn nái trong trang trại của ông Bùi Minh Họa ở huyện An Lão, Hải Phòng. Ảnh: Tùng Đinh.

Đàn lợn nái trong trang trại của ông Bùi Minh Họa ở huyện An Lão, Hải Phòng. Ảnh: Tùng Đinh.

Đủ thịt nhưng sẽ có mặt bằng giá mới

Lưu ý thêm về tái đàn ở khu vực nhỏ lẻ, người đứng đầu ngành nông nghiệp nêu ra một số vấn đề. Đầu tiên là về con giống, họ không đủ khả năng tự cân đối nên cần mua ngoài trong khi mức giá vẫn còn cao dù đã giảm từ 4 triệu đồng xuống 3 triệu đồng/con.

Một vấn đề quan trọng nữa là tín dụng, theo Bộ trưởng, sau khi xảy ra dịch, bà con nông dân đã bị tổn thương, thiệt hại nên gặp khó khăn trong vốn đầu tư tái đàn.

Bên cạnh đó phải cân đối được thị trường, không để xảy ra tình trạng trượt từ thiếu sang thừa và phát triển đa dạng, cân đối các nhóm sản phẩm của bà con nông dân từ đại gia súc, cho đến gia cầm, thủy sản phục vụ nhu cầu cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

Nhận định về sản lượng thịt cung cấp ra thị trường vào cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Năm nay, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu 14,5 triệu tấn thực phẩm, trong đó có 5,8 triệu tấn thịt các loại còn lại là thủy sản. Riêng mặt hàng thịt lợn, quý IV năm nay sẽ đạt số lượng bằng trước khi xảy ra dịch, khi đó sẽ trở về trạng thái cung cầu gặp nhau”.

Tuy nhiên, giá cả sẽ do nhiều yếu tố quyết định như giá lợn giống, giá thức ăn chăn nuôi và tạo một mặt bằng giá mới. Mặc dù vậy, thị trường sẽ đạt được mức cân đối để người sản xuất vẫn có lãi và người tiêu dùng vẫn chấp nhận được giá.

Như tại Hải Phòng, ông Họa cho biết hiện tại mỗi tháng bán ra khoảng 200 lợn giống với mức giá 3 triệu đồng/con. Mức giá này, theo chủ trang trại là không cao vì đây là giống ông bà, theo tiêu chuẩn Mỹ.

Từ nay đến cuối năm, dự kiến trang trại sẽ phấn đấu đạt mức xuất được 500-600 lợn giống mỗi tháng, đủ cung cấp cho nhu cầu lợn giống trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.