Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh ký văn bản công bố huyện Tam Bình đủ điều kiện đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2023.
Huyện Tam Bình nằm ở trung tâm tỉnh Vĩnh Long với diện tích tự nhiên trên 29.000ha, dân số khoảng 152.000 người, gồm 16 xã và 1 thị trấn.
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện Tam Bình, năm 2011, khi mới bắt đầu triển khai thực hiện huyện có xuất phát điểm tương đối thấp. Khi đó, số tiêu chí đạt được bình quân của huyện là 7-8 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân đầu người khoảng trên 17 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện khoảng 10%. Tỷ lệ hộ cận nghèo hơn 5,6%. Hạ tầng nông thôn còn thiếu và yếu kém.
Sau 12 năm triển khai xây dựng NTM, huyện Tam Bình đã đạt nhiều kết quả khả quan. Bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới, cảnh quan môi trường được làm mới theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn đã đảm bảo ô tô đi đến trung tâm tất cả các xã và thị trấn. Tam Bình có 19 tuyến đường huyện, dài trên 91 km và 46 tuyến đường liên ấp dài 144km được đầu tư nhựa hoá đạt chuẩn 100%.
Huyện Tam Bình có thế mạnh về phát triển nông nghiệp với diện tích đất nông nghiệp trên 24.500 ha, chiếm khoảng 84%. Sản xuất nông nghiệp chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011-2022 tăng trưởng bình quân khoảng 6%/năm, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho gần 75% lao động.
Trên địa bàn huyện có 2 tuyến sông chính (sông Măng Thít và sông Hậu) với tổng chiều dài 12km, có 29 tuyến kênh cấp 1. Nhìn chung, các công trình thủy lợi đều có tính liên thông, đồng bộ phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Lúa là cây trồng quan trọng có tổng diện tích gieo trồng trong năm đạt trên 33.500 ha, sản lượng 200.000 tấn. Cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch lúa đạt 100% diện tích. Hơn 7.000ha của 11.200 hộ dân tham gia cánh đồng lớn.
Giai đoạn 2020-2023, huyện tích cực vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, diện tích rau màu và cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản. Diện tích trồng màu năm 2023 đạt 6.845 ha, tăng bình quân 1,63%/năm. Từ năm 2020 đến nay, nông dân Tam Bình đã chuyển đổi trên 2.300 ha đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, nâng diện tích vườn đạt gần 10.000 ha.
Về chăn nuôi, phát triển đàn gia súc trên 75.000 con, (tăng gần 5%/năm); đàn gia cầm trên 3 triệu con, tăng 2,2%/năm. Về thủy sản, nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả như mô hình nuôi lươn, ếch, cá giống… Ước thực hiện cuối năm 2023 đạt 812 ha, tăng 5,63%/năm.
Trên địa bàn huyện có 23 sản phẩm đặc trưng được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm đạt 4 sao, 17 sản phẩm đạt 3 sao.
Đời sống vật chất, tinh thần và thu nhập của người dân ngày càng được nâng lên. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt trên 58 triệu đồng. Hệ thống giáo dục, y tế tiếp tục được phát triển. Tất cả các xã và thị trấn đều có trạm y tế đạt chuẩn. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt chuẩn đạt 94%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Chương trình NTM huyện cho biết, Tam Bình phấn đấu giữ vững nâng chất các tiêu chí NTM. Đến năm 2025, huyện có 6 xã NTM nâng cao và 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân thu nhập đầu người đạt 67 triệu đồng trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo xã NTM đạt 70%. Xã NTM nâng cao đạt 75%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 95%; 70% trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Có ít nhất 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.