Việc xác định sớm dị tật giúp thai phụ yên tâm hơn, vì không phải dị tật nào cũng phải bỏ thai. Chỉ những dị dạng lớn như dị dạng hệ thống thần kinh trung ương, dị dạng rất lớn của tim, của cơ quan tiết niệu… mới phải bỏ thai. Còn một số dị dạng của cơ quan tiêu hoá, thành bụng có thể can thiệp được thì vẫn giữ thai. |
Theo bác sĩ Bùi Đức Lâm, Trưởng Khoa Sản (BV Hoàn Mỹ Sài Gòn), dị tật thai nhi là những khiếm khuyết của cơ thể mà trẻ mắc phải khi thụ thai, có những trường hợp chỉ khi sinh ra mới phát hiện dị tật.
Có nhiều dạng dị tật thai nhi, các bệnh về di truyền, bệnh đột biến gen (hội chứng Down,…), dị tật bẩm sinh về các cơ quan: Đầu – mặt – cổ (thai vô sọ, não úng thủy, thoát vị não, màng não…), cột sống (chẻ đôi, nứt đốt sống), lồng ngực (tim bẩm sinh), vùng bụng (thoát vị rốn, hở thành bụng…), chi (cụt chi, khoèo chi…) cùng các chứng đa dị tật khác.
Việc khám thai chẩn đoán trước sinh nhằm xác định hình thái, những bất thường về mặt cơ thể của thai nhi. Qua đó, tùy theo mức độ của từng trường hợp, các bác sĩ sẽ tiến hành khắc phục, hoặc đưa ra lời khuyên cho gia đình nên giữ hay bỏ thai cũng như cách theo dõi và chăm sóc cho bé sau sinh. Vì vậy, việc tầm soát, sàng lọc trước sinh là các phương pháp xét nghiệm đối với phụ nữ mang thai để tầm soát những dị tật thai nhi, bao gồm 2 giai đoạn sàng lọc và chẩn đoán.
Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo thai phụ nên đi khám thai, siêu âm theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, đặc biệt, không nên bỏ qua 3 thời điểm vàng trong siêu âm: lần thứ nhất khi tuổi thai từ 12 – 14 tuần (12 tuần); lần thứ hai, từ 21 – 24 tuần (22 tuần) và lần thứ ba, từ 28 – 32 tuần (32 tuần) để phát hiện sớm các bất thường ở thai nhi.
Để giúp mẹ bầu có thêm nhiều kiến thức về dinh dưỡng, lịch khám thai,… cùng cách chăm sóc mẹ và bé trước, trong quá trình mang thai và sau sinh. Ngày 28/12, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tổ chức lớp học miễn phí với chủ đề “Vấn đề nước ối và thai kỳ” và “Đái tháo đường thai kỳ” do các bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm đứng lớp. Lliên hệ đăng ký: 0904 334 841. |