Có một chi tiết khá thú vị về đội tuyển Nhật Bản, đó là đội bóng này thua cả hai trận mở màn vào đầu mỗi tháng, trong 4 lượt đã qua ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Trận mở màn hồi tháng 9/2021, họ thua Oman 0-1. Sau đó, ở trận đầu tiên vào tháng 10, họ lại thua Ảrập Xêút 0-1.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, mà một trong số đó là sự mệt mỏi của các cầu thủ. Khác với Việt Nam, những trụ cột của Nhật Bản hầu hết chơi bóng tại châu Âu. Họ phải di chuyển hàng nghìn kilomet để hội quân, trong khi các học trò của Park Hang-seo lại được dưỡng sức cả tháng trời trước ngày đối đầu.
Nhìn vào chặng đường đã qua, có thể thấy đội tuyển Nhật Bản không phải là đội bóng chủ trương áp đặt lối chơi. Trước hai đối thủ có trình độ tương đương là Australia và Ảrập Xêút, họ lép vế về mặt kiểm soát bóng. Nhưng khi đụng độ các đội dưới tầm, đội bóng xứ hoa anh đào lại áp đặt thế trận một cách triệt để: 70% thời gian kiểm soát bóng trong trận gặp Trung Quốc và 65% trong trận gặp Oman.
Vấn đề của Nhật Bản, như thừa nhận của HLV Moriyasu, là sự thiếu sắc sảo ở những tình huống cuối cùng. Cho đến trước trận gặp Việt Nam, các chân sút Nhật Bản đã tung ra 17 cú sút trúng đích nhưng chỉ mang về 3 bàn thắng. Tỷ lệ chuyển hóa cơ hội thành bàn của họ là 17,6%. Con số này thấp hơn cả tuyển Việt Nam với 36,3%. Tuyển Nhật Bản cũng đang là đội ghi bàn ít nhất tại bảng B vòng loại thứ 3 World Cup 2022.
Đây là thống kê bất ngờ, bởi hàng công của Nhật Bản là những cầu thủ hàng đầu châu Á, thậm chí chạm ngưỡng thế giới. Tiêu biểu có chân sút đang khoác áo Liverpool - Takumi Minamino. Điều đó cho thấy tuyển Nhật Bản đang gặp vấn đề lớn trong khâu tìm kiếm bàn thắng. Thiếu trực diện và không có những đường chuyền quyết định là nguyên nhân khiến Nhật Bản chưa tạo ra sức công phá lớn, ngay cả trước những đối thủ bị đánh giá thấp hơn.
Không chỉ hàng công, tuyến phòng ngự của Nhật Bản cũng tỏ ra thiếu tập trung khi trận đấu bước vào những phút cuối. Cụ thể, tất cả các bàn thua của họ đều diễn ra sau phút 70 - thời điểm họ nôn nóng đẩy cao đội hình để tìm kiếm bàn thắng và để lộ khá nhiều khoảng trống phía sau. Đây là nguyên nhân khiến Nhật Bản dễ bị đối thủ thực hiện những pha phản công nguy hiểm.
Với những cầu thủ kỹ thuật, giàu tốc độ như Công Phượng, Quang Hải, Việt Nam có thể xoáy vào chi tiết này để tính toán chiến thuật trong trận đấu ngày 11/11. Vấn đề còn lại, là ông Park cần nghiên cứu kỹ các phương án tấn công của đối thủ. HLV Moriyasu có thói quen chơi với sơ đồ 4-2-3-1, nhưng khi chuyển sang 4-3-3 (cất Shibasaki Gaku trên ghế dự bị) trong trận gặp Australia, đội bóng Đông Á có sự chuyển biến rõ nét, đặc biệt là ở hai cánh, và giành chiến thắng 2-1.