Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp nhằm khống chế dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: SCMP. |
Số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 5 tăng 2,7%, mức cao nhất trong hơn một năm, Asia Times đưa tin. Giá thịt lợn tăng 18% đẩy giá thực phẩm tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Trồng trọt bị thời tiết ảnh hưởng cũng đẩy giá trái cây tươi tăng 26,7%, cao hơn so với con số 14,8% trong tháng 4.
“Người dân Trung Quốc, chiếm nửa lượng thịt lợn tiêu thụ trên thế giới, có thể khó chịu vì giá tăng nhưng diễn biến này lại không khiến thị trường hoảng loạn”, Bo Zhuang, kinh tế gia về Trung Quốc tại TS Lombard, nói với CNBC. “Giá thịt lợn đã biến động mạnh trong suốt thập kỷ qua”.
Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 5 lại giảm 0,6% từ 0,9% trong tháng trước đó. Đây được coi là một chỉ số quan trọng về lực cầu nội địa.
Các nhà phân tích tại Nomura cho rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc còn giảm tốc hơn nữa do căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang. “Chúng tôi dự báo Bắc Kinh sẽ có thêm biện pháp nới lỏng hoặc kích thích để củng cố niềm tin và ổn định tăng trưởng”.
Dù vậy, giá thịt lợn tăng mạnh vẫn là điều cần chú ý, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang hoành hành ở Trung Quốc. Số lượng lợn bị tiêu hủy hoặc chết do tả lợn châu Phi tại Trung Quốc năm nay ước tính lên đến 200 triệu con.
Nếu điều đó xảy ra, giá thịt lợn có thể tăng 70%, theo một quan chức Trung Quốc cấp cao.
Nomura từng nhận định tương tự hồi tháng 3. Ngân hàng Nhật Bản này cảnh báo giá thịt lợn tăng lên 33 nhân dân tệ (4,9 USD)/kg vào tháng 1/2020 từ 18,5 nhân dân tệ/kg trong tháng 2, tương đương tăng 78%.
“Dù giá thịt lợn tăng, người nuôi vẫn khó tăng quy mô đàn do lo ngại về dịch tả lợn châu Phi”, các nhà phân tích tại Nomura nói. “Do đó, đợt tăng giá này có thể kéo dài hơn, cao hơn so với những lần trước”.
‘Tận thế của lợn’
Truyền thông quốc gia Trung Quốc được cho là đưa tin sơ sài về tả lợn châu Phi – dịch bệnh dễ lây lan và chết chóc với lợn – nhằm tránh tình trạng đổ xô mua thịt tích lũy. Ngay cả số liệu thống kê chính thức cũng khá mập mờ.
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc tháng 4 xác nhận quy mô đàn tại nước này đã giảm 21% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm trước nhưng không có con số cụ thể.
“Sản xuất thịt lợn trong quý II sẽ giảm so với quý I và trong quý III có thể giảm mạnh hơn nữa”, Feng Yonghui, giám đốc phân tích tại website công nghiệp Soozhu.com, nói với Reuters.
Tác động toàn diện của dịch tả lợn châu Phi với ngành công nghiệp thịt lợn Trung Quốc được nêu rõ trong báo cáo của Văn phòng Khu vực châu Á và Thái Bình Dương, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO).
“Có một mối đe dọa lớn tới ngành công nghệp thịt lợn ở Trung Quốc, sinh kế của những nông dân quy mô nhỏ cùng các bên khác trong chuỗi giá trị”.
“Do thịt lợn được sản xuất và tiêu thụ tại nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt là Đông Á và Đông Nam Á, việc virus lây lan xuyên quốc gia là gần như chắc chắn. Lợn nhiễm bệnh tử vọng 100%. Tuy nhiên, khác với cúm lợn, tả lợn châu Phi không đe dọa trực tiếp tới sức khỏe con người”.
Ngân hàng Hà Lan Rabobank dự báo tả lợn châu Phi sẽ xóa sổ khoảng 150 – 200 triệu con lợn ở Trung Quốc. Sản lượng thịt lợn tại nền kinh tế số hai thế giới có thể giảm 30%.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt từ tháng 11/2018 nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.
Tổng đàn lợn Trung Quốc đã giảm 10,1% xuống còn 375,25 triệu con.
Chuỗi thực phẩm
Thịt lợn là một phần quan trọng trong chuỗi thực phẩm, tình hình diễn biến tệ thêm sẽ khiến Trung Quốc phải báo động.
“Câu hỏi then chốt là… mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi ở Trung Quốc? Thực tế, không ai, kể cả Bắc Kinh, biết câu trả lời”, theo Rory Green, nhà kinh tế tại TS Lombard.
Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất có tả lợn châu Phi. Dịch bệnh chết chóc này đã xuất hiện tại Việt Nam và Campuchia, nguy cơ lây sang cả Thái Lan.
Hàn Quốc cho biết Triều Tiên trong tháng 5 thông báo với Tổ chức Thú y Thế giới về 77 con lợn chết vì tả lợn châu Phi ở khu vực gần biên giới với Trung Quốc. Hàn Quốc đã kêu gọi Triều Tiên cùng phối hợp để kiểm soát dịch bệnh nhưng chưa nhận được phản hồi.
“Dựa trên mức độ tương đồng với hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, chúng tôi dự báo những thị trường này cũng chịu thiệt hại đáng kể và gặp khó khăn như Bắc Kinh trong kiểm soát dịch”, Rabobank cho biết.
“Hầu hết khu vực Đông Nam Á gặp khó trong tái đàn và đảm bảo nguồn cung protein thay thế. Dịch tả lợn châu Phi ở Đông Nam Á sẽ khiến tình trạng thiếu protein toàn cầu thêm trầm trọng, gia tăng áp lực suy giảm lên thị trường thế giới”.
“Mọi quốc gia sản xuất thịt lợn trên thế giới đều đang gặp nguy, mức độ tùy thuộc vào khả năng tuần tra biên giới, thú y và cấu trúc ngành công nghiệp thịt lợn từng nước”, Dirk Pfeiffer, nhà dịch tễ học thú y tại Đại học Hong Kong, chuyên gia về tả lợn châu Phi, nói.
Với Trung Quốc, giá lợn có thể tăng đáng kể trong nửa cuối năm nay, trừ khi “tận thế lợn” được kiểm soát.