| Hotline: 0983.970.780

Tân Xuân quay cuồng trước sóng dữ

Thứ Sáu 12/05/2023 , 19:41 (GMT+7)

Bờ biển được 'may vá' chằng chịt bằng hàng trăm chiếc cọc tre, bao tải cát để ngăn biển xâm thực. Thế nhưng mọi thứ dường như chả thấm vào đâu trước sóng dữ.

Chúng tôi trở lại thôn Tân Xuân (xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) sau gần 1 năm kể từ khi bờ biển nơi đây bị xâm thực. Theo lời người dân, gần 1 năm qua, cuộc sống của họ xáo trộn vì biển đang ‘nuốt’ làng.
Người già, trẻ nhỏ trong thôn tụm năm, tụm bảy trước cổng làng mỗi khi nghe tin có đoàn công tác tới thực địa hiện trường.

Những ánh mắt thất thần từ người già đến trẻ nhỏ như đang khẩn cầu sự giúp đỡ...

Quay cuồng trước sóng dữ

Dưới bờ kè, từng cơn sóng dữ táp liên hồi vào mặt anh Diện. Người đàn ông trung niên thi thoảng lại ngoi lên mặt nước để lấy hơi, tay vẫn gì chặt bao tải cát, đặt đúng vị trí đã được chằng néo bằng lưới thép, để ngăn triều cường. Mắt anh Diện đỏ hoe như khóc vì cát mặn dính đầy mặt chưa kịp chùi rửa.

Để ngăn nước biển xâm thực, năm ngoái anh Diện đóng 27 cọc bê tông sâu 6m cách bờ biển hàng chục mét rồi dùng bao tải cát chắn sóng, ngăn biển xâm thực. Nhưng chỉ trong vòng vài tháng, mọi thứ đã bị cuốn trôi ra biển, không để lại dấu vết.

“Tôi chưa bao giờ thấy biển hung dữ như bây giờ. Tốc độ xâm thực của biển nhanh lắm! Cách đây vài tháng, con nước còn ở tít ngoài xa, thì nay đã ăn sâu vào đất liền, cuốn trôi hàng chục ha đất của người dân ra biển. Bây giờ chỉ thấy biển xâm thực chứ không thấy bồi cát trở lại như trước kia. Không biết cứ tình trạng này người dân ở đây sẽ yên ổn thêm được bao lâu nữa?”, anh Diện than thở.

Bờ biển tại thôn Tân Xuân được may vá chằng chịt bằng hàng trăm chiếc cọc tre, bao tải cát để ngăn biển xâm thực. Thế nhưng mọi thứ dường như chả thấm vào đâu trước những con sóng cuồn cuộn liên tục vỗ bờ.

Bờ biển thôn Tân Xuân bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Quốc Toản.

Bờ biển thôn Tân Xuân bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Quốc Toản.

Người dân thôn Tân Xuân chủ yếu sống bằng nghề đi biển và cào ngao. Hơn 1 năm trở lại đây, tình trạng biển xâm thực, khiến nhiều người dân mất đi nguồn thu nhập chính.

Đối diện với cái đói, cái nghèo, chị Phạm Thị Miên bàn với mấy đứa con, quyết định đổi sang nghề đi buôn. Buổi sáng chị cùng con trai lên chợ đầu mối mua hoa quả rồi đem về bán lẻ cho người dân, kiếm cơm qua ngày.

Người đàn bà góa phụ đứng trơ trọi trước biển, anh mắt lộ rõ vẻ khẩn cầu.

“Trước đây, khu vực này là rừng phi lao chắn sóng và cồn cát nằm cách bờ vài trăm mét, nhưng nay chả thấy đâu nữa. Mỗi ngày, sóng lại ăn vào đất liền thêm 1 đoạn gây sạt lở nghiêm trọng.

Mới từ năm ngoái tới nay, biển lấy đi hàng chục ha đất của người dân thôn Tân Xuân. Gần 30 năm sinh sống tại đây, tôi chưa bao giờ gặp hiện tượng này.

Trước đây khi biển chưa xâm thực, 1 ngày tôi cũng kiếm được vài trăm nghìn từ việc bán ngao. Giờ đây, chỉ mong giữ được tính mạng và tài sản là tốt lắm rồi. Mong sao chính quyền sớm làm xong đê chắn sóng để người dân ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất”, chị Miên chia sẻ.

Chị Miên lo lắng trước hiện tượng biển 'nuốt' làng. Ảnh: Quốc Toản.

Chị Miên lo lắng trước hiện tượng biển "nuốt" làng. Ảnh: Quốc Toản.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân tại khu vực biển 'nuốt', UBND xã Hoằng Phụ đã có thông báo về việc di dời người và tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ ảnh hưởng do xâm thực biển tại thôn Tân Xuân.

Thông báo nêu rõ: "Hiện nay tình trạng xâm thực biển vào đất liền diễn ra nghiêm trọng và phức tạp. Để đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân tại khu vực đang xảy ra xâm thực, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ yêu cầu các hộ dân khẩn trương di dời người và tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao”.

Để thực hiện phương án này, UBND xã Hoằng Phụ đã bố trí nhà văn hóa thôn để tiện cho các hộ dân tránh trú nếu xảy ra sự cố. 

Được biết thôn Tân Xuân có 130 hộ dân với gần 600 nhân khẩu thì có 11 hộ dân với 57 nhân khẩu nằm trong diện phải di dời căn cứ thông báo này.

Trực chốt 24/24

Theo đánh giá của UBND xã Hoằng Phụ, diễn biến tình hình biển xâm thực trên địa bàn thôn Tân Xuân hiện nay là rất nghiêm trọng. Chiều dài bờ biển bị xâm thực lên tới 1,5km. Vị trí bị nước xâm thực ăn sâu vào bờ, đoạn ít nhất rộng 15m, sâu nhất lên tới 250m. Diện tích bị thiệt hại do biển xâm thực lên tới trên 20ha (gồm đất lâm nghiệp, thủy sản), trong đó đất của người dân trên 1.000m2.

Ông Lê Danh Diệu, Phó Chủ tịch UBND Hoằng Phụ cho biết: “Chỉ hơn nửa tháng nay, nước biển tiếp tục ăn sâu vào đất liền hơn 20 - 30m. Nguy cơ tiếp tục sạt lở bờ biển tại thôn Tân Xuân là rất cao. Do vậy, cùng với việc vận động người dân sơ tán đến nơi tránh trú an toàn, lãnh đạo xã đã khuyến cáo bà con không nên đến gần khu vực có cảnh báo nguy hiểm”.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng và lãnh đạo xã Hoằng Phụ thường xuyên có mặt tại hiện trường để ứng phó với sự cố có thể xảy ra. Ảnh: Việt Khánh.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng và lãnh đạo xã Hoằng Phụ thường xuyên có mặt tại hiện trường để ứng phó với sự cố có thể xảy ra. Ảnh: Việt Khánh.

Để ứng phó khẩn cấp với tình trạng biển nuốt, UBND huyện Hoằng Hóa đã thành lập Ban Chỉ huy trọng điểm phòng, chống sạt lở bờ biển khu vực cửa Lạch Hới, thôn Tân Xuân, tổ chức trực canh gác khu vực biển bị xâm thực.

Từ khi nhận được lệnh phối hợp với cán bộ xã để trực chốt 24/24 tại hiện trường, cán bộ Nguyễn Văn Quốc cùng anh em chiến sỹ Trạm kiểm soát Biên phòng Lạch Hới đã nhiều đêm thức trắng để gác biển. Mắt cán bộ Quốc thâm quầng vì mất ngủ. Có ngày, anh Quốc chỉ kịp chợp mắt vài tiếng rồi lại lên đường thực hiện nhiệm vụ tuần tra bờ biển.

Tổ trực có nhiệm vụ canh gác, theo dõi không cho người và phương tiện không có phận sự vào khu vực sạt lở, xâm thực đang có diễn biến phức tạp; phân công lịch trực công tác để theo dõi diễn biến tình hình.

Anh Quốc chia sẻ: “Biển đang xâm thực sâu vào đất liền nên tất cả anh em chiến sỹ Trạm kiểm soát Biên phòng Lạch Hới luôn trong tình trạng sẵn sàng trực chiến. Mọi diễn biến của tình trạng xâm thực bờ biển luôn được theo dõi chặt chẽ, báo cáo cấp chỉ huy để theo dõi, phản ứng với tình huống xấu có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, UBND xã Hoằng Phụ đã phân công nhiệm vụ cho các Phó Chủ tịch, cán bộ xã phối hợp với lực lượng Biên phòng thường xuyên có mặt tại hiện trường để theo dõi và nắm bắt tình hình".

Bờ biển thôn Tân Xuân được chằng chống bằng cột tre, luồng. Ảnh: Việt Khánh.

Bờ biển thôn Tân Xuân được chằng chống bằng cột tre, luồng. Ảnh: Việt Khánh.

Để hạn chế tình trạng nước biển xâm thực, hiện nay, các cán bộ chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Lạch Hới cùng nhân dân thôn Tân Xuân đã đóng góp hàng chục ngày công lao động và hàng trăm bao tải cát để kè biển, chắn sóng. Sau nhiều tháng biển lấn, tính mạng và tài sản của người dân thôn Tân Xuân vẫn được đảm bảo an toàn.

Cũng liên quan tới sự việc trên, trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở, biển xâm thực ở khu vực cửa Lạch Hới. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến biển xâm thực; cắm mốc, cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm để người dân không đến gần; khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án trọng điểm phòng, chống thiên tai để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất đầu tư khẩn cấp kè chống sạt lở ở khu vực phía bắc Lạch Hới, với tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Đến nay, dự án đang được gấp rút triển khai, đảm bảo chất lượng và vượt tiến độ.

Tại hiện trường, hàng chục xe tải, xe ben đang hoạt động hết công suất. Các mũi thi công đang gấp rút hoàn thiện hạng mục đắp đê chắn sóng. Mọi thứ như đang chạy đua với thời gian nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra trước hiện tượng nước biển xâm thực.

Trao đổi với NNVN, Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa cho biết: “Việc xây dựng tuyến đê kè sẽ hoàn thành trong tháng 6, trước mùa mưa bão. Các nhà thầu đang nỗ lực thi công cả ngày lẫn đêm để hoàn thành công trình. Hiện tại, nước biển xâm thực quá nhanh vào đất liền tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới đời sống nhân dân. Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo địa phương đảm bảo an toàn, tính mạng cho người dân trước tình trạng xâm thực của biển".

Xem thêm
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động

Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sạt lở vùi lấp 3 người trong một gia đình

Bắc Kạn Đất đá từ ta luy dương bất ngờ sạt lở xuống một ngôi nhà khiến 3 người trong gia đình bị vùi lấp, hiện chưa tìm thấy.

Những kiếp người sống chui: [Bài 2] Sống 'mòn' giữa lòng thành phố

Mặc dù được sống ngay giữa trung tâm thủ đô Hà Nội, nhưng không ít phận người vẫn ngày ngày phải 'ra luồn vào cúi' trong chính căn nhà của mình.

Bình luận mới nhất