| Hotline: 0983.970.780

Đề nghị sớm có phương án khẩn cấp phòng chống bờ biển xâm thực

Thứ Tư 23/11/2022 , 11:02 (GMT+7)

Trước tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra ngày càng phức tạp, cử tri tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị cần sớm có phương án khẩn cấp phòng chống biển xâm thực.

Sạt lở bờ biển tại tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: CĐ.

Sạt lở bờ biển tại tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: CĐ.

Do ảnh hưởng của những đợt mưa bão vừa qua, khu vực ven biển, đầm phá của tỉnh Thừa Thiên - Huế có gió mạnh, sóng lớn khiến bờ biển bị xâm thực, sạt lở mạnh.

Tại nhiều địa phương ven biển như huyện Phú Vang, Phú Lộc biển bị xâm thực kéo dài hàng trăm mét, ăn sâu vào đất liện cả chục mét.

Theo UBND huyện Phú Vang, những năm qua, đặc biệt là sau các đợt mưa bão năm 2020 và năm 2021, tình trạng sạt lở nặng diễn ra tại nhiều vị trí dọc tuyến bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận và xã Phú Hải đã làm ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của nhiều hộ dân.

Ông Đặng Tiến Tuỳ, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, huyện Phú Vang cho biết, tình trạng biển xâm thực vào bờ đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân, đe dọa các cơ sở hạ tầng phía bên trong.

Để xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở bờ biển, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thông qua dự án đầu tư, xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận và xã Phú Hải với kinh phí dự kiến 160 tỷ đồng. Hiện đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để hàng ngàn hộ dân sinh sống xung quanh vùng ven biển yên tâm và ổn định cuộc sống.

Chỉ tính riêng năm 2022, mưa bão đã làm sạt lở hơn 21,7km bờ sông, bờ biển tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: CĐ.

Chỉ tính riêng năm 2022, mưa bão đã làm sạt lở hơn 21,7km bờ sông, bờ biển tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: CĐ.

Trong khi đó, tại huyện Phú Lộc, tình trạng biển xâm thực kéo dài nhiều năm qua càng thêm trầm trọng khi thời gian qua mưa bão liên tiếp đổ xuống địa phương này.

Đơn cử như tại đợt mưa bão hồi cuối tháng 10/2022 vừa qua, nhiều nhà hàng, quán ăn tại thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) vốn được người dân xây dựng để phục vụ du khách đã bị sóng to, gió lớn đánh tan hoang.

Theo thống kê từ Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế, do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt thiên tai trong 9 tháng đầu năm 2022, thiên tai đã tiếp tục làm sạt lở hơn 21,7km bờ sông, bờ biển.

Bên cạnh đó, mưa bão cũng làm 38km đê bao nội đồng, 20km kênh mương dẫn nước phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp cùng các công trình phụ trợ khác, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng, sản xuất nông nghiệp và giao thông đi lại của người dân.

Nhiều nhà hàng, quán ăn của người dân huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị sóng biển đánh tan hoang. Ảnh: CĐ.

Nhiều nhà hàng, quán ăn của người dân huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị sóng biển đánh tan hoang. Ảnh: CĐ.

Ngày 19/10 vừa qua, đi kiểm tra thực tế tại điểm sạt lở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tập trung triển khai các giải pháp cấp bách với tinh thần nhanh nhất có thể, không để tình trạng biển xâm thực đi sâu thêm vào đất liền.

Theo ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế, hiện đơn vị phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, báo cáo các Bộ, ngành các điểm sạt lở nghiêm trọng, xung yếu để có đề xuất phương án xử lý khẩn cấp trong thời gian tới; trong đó chú trọng tại điểm sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, xã Giang Hải…

Để hạn chế tình trạng biển xâm thực, chính quyền địa phương đã cho gia cố tạm tại những điểm có nguy cơ cao. Ảnh: CĐ.

Để hạn chế tình trạng biển xâm thực, chính quyền địa phương đã cho gia cố tạm tại những điểm có nguy cơ cao. Ảnh: CĐ.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình sạt lở, nghiên cứu áp dụng các giải pháp tiên tiến, hiệu quả, khắc phục sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống xung quanh khu vực sạt lở.

Trước tình trạng biển xâm thực diễn biến ngày càng phức tạp mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế tại huyện Phú Vang, nhiều cử tri các xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên đã đã đồng loạt đề nghị chính quyền các cấp cần sớm có phương án khẩn cấp phòng chống xâm thực bờ biển, đảm bảo sinh kế bền vững và an toàn cuộc sống của người dân.

Theo thống kê từ Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 12,4km bờ biển (trong tổng số 127km bờ biển) bị sạt lở nặng, tập trung các khu vực như: xã Phong Hải, xã Phong Hòa (huyện Phong Điền); xã Quảng Ngạn, xã Quảng Công (huyện Quảng Điền); xã Hải Dương (thành phố Huế); các xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh (huyện Phú Vang) và xã Vinh Mỹ, xã Giang Hải (huyện Phú Lộc).

Đặc biệt, vào mùa mưa bão tốc độ xói lở bờ biển trung bình hàng năm từ 3÷5 m,  có nơi từ 5 ÷ 7m.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...