Năm 2006, tuyến bờ kè biển Tam Thanh được thi công hoàn thành đưa vào sử dụng. Công trình có chiều dài khoảng 5,5km với kết cấu mái kè từ trên xuống là khối bê tông hình hộp đúc có khuyết lõm giảm sóng và tạo mỹ quan; dưới lớp khối bê tông là lớp đệm đá và lớp vải địa kỹ thuật. Phía trong đỉnh kè là đường dân sinh, du lịch và phục vụ quản lý có bề rộng đường 4m và mương dọc thoát nước 0,5m.
Những năm qua, tuyến kè này đã phát huy tác dụng chống sạt lở bờ biển, đảm bảo ổn định cuộc sống của hơn 3.000 hộ dân thuộc các thôn Hoà Hạ, Hoà Trung, Hoà Thượng (xã Tam Thanh). Thế những, từ trước và sau Tết Nguyên đán đến nay, sóng biển liên tiếp đánh mạnh vào bờ đã đã gây xói lở, làm sụt lún một đoạn kè có chiều dài khoảng gần 200m, nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong vùng.
Ông Phạm Văn Mười (trú thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh) cho biết, cách đây khoảng 5 năm, kè biển này cũng từng bị sạt lở nhưng sau đó ngành chức năng đã kiểm tra đồng thời tiến hành khắc phục. Tuy nhiên, thời gian qua, thủy triều dâng, sóng đánh mạnh và biển xâm thực đã khiến cho một đoạn dài tiếp tục bị sụt lún, hư hỏng nghiêm trọng.
“Vị trí tuyến bờ kè bị sạt lở cách đoạn đường bê tông ven biển Tam Thanh hơn 2m. Hiện có một số người dân sinh sống ở gần đoạn bờ kè lo sợ tình trạng này tiếp diễn sẽ đe dọa đến tính mạng và tài sản. Do đó, bà con địa phương cũng báo cáo sự việc với chính quyền xã Tam Thanh để sớm có biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo an toàn cũng như ổn định cuộc sống, sản xuất”, ông Mười nói.
Theo quan sát, tại đoạn kè này, nhiều cấu kiện bê tông bị sụt lún, sạt lở, hư hỏng, có nơi tạo thành khoảng sâu từ 1 – 2m, ăn sâu vào bờ khoảng 4 – 5m. Các mảng bê tông, gạch bị sóng hất văng lên bờ, chắn ngang lối đi. Một số đoạn thân kè bị sóng đánh vỡ, xuất hiện nhiều vết nứt; hệ thống dầm, trụ nứt gãy, bị cát biển vùi lấp. Kết cấu của các mảng bê tông không còn dính liền với nhau, một số điểm ở phần chân kè bị vỡ vụn.
Người dân địa phương cho hay, tại khu vực sạt lở có 1 bậc cấp để ngư dân đưa tôm, cá lên bờ. Tuy nhiên, bây giờ vị trí này bị sạt lở nên việc vận chuyển hải sản của bà con gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, thôn Hòa Trung lại là địa phương được TP Tam Kỳ chọn làm Làng du lịch bích họa Tam Thanh và con đường thuyền thúng. Nơi đây, người dân đang phát triển các khu lưu trú Homestay… Do vậy, việc bãi biển bị xâm thực, bờ kè hư hỏng sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động du lịch của địa phương và nghề khai thác thuỷ sản ven bờ của ngư dân.
Trước sự việc này, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho thông tin, tuyến kè này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong 1 thời gian dài. Công trình này giúp ích rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là hạn chế tình trạng sạt lở bờ biển ở địa phương. “Sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân về tình trạng sạt lở, sụt lún, chính quyền địa phương đã đi kiểm tra, rà soát nắm bắt được. Sau đó, lãnh đạo xã Tam Thanh báo cáo với lãnh đạo UBND TP Tam Kỳ và tỉnh Quảng Nam để có biện pháp khắc phục”.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc sửa chữa bờ kè biển Tam Thanh nhằm bảo vệ bờ biển, bảo đảm an toàn cho nhân dân và du khách du lịch là rất cấp thiết. Do đó, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất giao UBND TP Tam Kỳ làm chủ đầu tư dự án sửa chữa kè biển Tam Thanh với vốn đầu tư dự kiến khoảng 15 tỷ đồng. Cùng với đó, phải tăng cường công tác theo dõi, thực hiện cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ở khu vực sạt lở, nguy hiểm để người dân chủ động ứng phó.