| Hotline: 0983.970.780

Tang thương ở tâm lũ Văn Yên

Chủ Nhật 08/10/2023 , 19:41 (GMT+7)

Mưa đã ngừng rơi, lũ đã tràn qua, nhưng những đau thương, mất mát vẫn ở lại Văn Yên. Cảnh tan hoang tràn ngập khắp nơi.

Tang thương!

Sáng 8/10, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam có mặt tại xã Yên Thái, huyện Văn Yên. Đây là tâm lũ trong đợt mưa lớn kéo dài 2 ngày vừa qua. Nhiều đoạn đường đất đá, cây cối sạt lở vùi lấp, những diện tích cây trồng đổ rạp do lũ quét, các hộ dân nhặt nhạnh những thứ còn sót lại trên đường đi của cơn lũ dữ.

Ngôi nhà của 2 vợ chồng ông Nguyễn Quyết Tiến ở xã Yên Thái bị vúi lấp hoàn toàn do sạt lở đất. Ảnh: Thanh Tiến.

Ngôi nhà của 2 vợ chồng ông Nguyễn Quyết Tiến ở xã Yên Thái bị vúi lấp hoàn toàn do sạt lở đất. Ảnh: Thanh Tiến.

Chúng tôi đến thôn Gốc Nhội, xã Yên Thái thăm gia đình bị thiệt hại về người. Vào khoảng gần trưa, cả khu vực này không còn một bóng người. Trước mắt chúng tôi là cảnh tượng kinh hoàng, một mảng đồi quế rộng lớn sạt xuống, vùi lấp hoàn toàn ngôi nhà, 2 vợ chồng ông Nguyễn Quyết Tiến và bà Phạm Bích Liên bị gỗ và tường nhà sập đè, chôn vùi trong đống đổ nát thiệt mạng.

Thấy chúng tôi, bà Lê Thị Chung, hàng xóm gần nhà nạn nhân ra trò chuyện. Bà Chung cho biết, do nhà bị sập đổ, nên thi thể 2 nạn nhân đã được đưa đến nhà văn hóa thôn để làm thủ tục mai táng, hiện chính quyền và gia đình đã tổ chức chôn cất xong, ai cũng xót xa cho hoàn cảnh của gia đình.

Những gì còn lại chỉ là đống đổ nát sau trận lũ dữ quét qua. Ảnh: Thanh Tiến.

Những gì còn lại chỉ là đống đổ nát sau trận lũ dữ quét qua. Ảnh: Thanh Tiến.

Theo bà Chung, vào khoảng 1h sáng ngày 6/10, khi đang ngủ, người dân nghe thấy tiếng động mạnh, đó là lúc nhà ông Tiến bị sập do sạt lở đất. Khoảng hơn 3h sáng, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 2 nạn nhân trong đống đất đã xô xuống ruộng ngay trước cửa nhà.

Trước khi xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng trên, gia đình của nạn nhân có 8 người bao gồm con trai, con dâu và bốn người cháu đã di chuyển về nhà riêng và không còn ở lại nhà ông bà nên đã may mắn thoát nạn, còn vợ chồng nạn nhân đã không qua khỏi.

Theo hàng xóm, gia đình ông Tiến là gia đình nghèo, chỉ có 2 vợ chồng sống với nhau. Nhiều năm liền ông bà phải bươn chải nhiều nghề, làm nhiều việc để kiếm sống. Các con của ông bà sau khi kết hôn đã dọn ra ở riêng, nên ngôi nhà còn lại hai ông bà. 

Vớt vát những thiệt hại

Bên cạnh thiệt hại về người, xã Yên Thái còn bị thiệt hại nghiêm trọng về nhà ở, cây cối hoa màu.

Gia đình bà Nguyễn Thị Nhường ở thôn Quế Ngoài, xã Yên Thái là một trong những hộ dân bị thiệt hại nặng trong trận lũ quét vừa qua. Ngôi nhà của gia đình bị nước ngập sâu hơn 1m, nhiều đồ dùng sinh hoạt trong nhà bị chìm trong nước, hư hỏng. Hơn nửa ha quế bị đổ gẫy, toàn bộ vườn cây dược liệu trị giá cả tỷ đồng cũng bị lũ quét làm đổ gẫy và đất đá vùi lấp.

Những cây quế bị lũ quét làm gẫy đổ đang được gia đình bà Nhường bóc vỏ để vớt vát thiệt hại. Ảnh: Thanh Tiến.

Những cây quế bị lũ quét làm gẫy đổ đang được gia đình bà Nhường bóc vỏ để vớt vát thiệt hại. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Nhường cho biết: Do trận mưa lớn, lũ dâng lên nhanh, chỉ sau khoảng 15 - 20 phút nước đã dâng cao ngập đến lưng nhà. Cả gia đình hô nhau bỏ của chạy lấy người, nên nhiều đồ dùng như tủ lạnh, quần áo bị lũ cuốn trôi.

Xót xa nhất là diện tích quế và cây trà hoa vàng hơn 10 năm tuổi và vườn ươm cây khôi nhung giống trồng gần bờ suối bị lũ quét tàn phá thảm hại, khó khắc phục. Hiện nay, gia đình đang tập trung nhân lực bóc vỏ những cây quế đổ để vớt vát thiệt hại.

Bà Nhường xót xa với những mất mát do mưa lũ gây ra. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Nhường xót xa với những mất mát do mưa lũ gây ra. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Trần Công Lập - Bí thư Đảng ủy xã Yên Thái cho biết: Trận mưa lũ vừa qua đã gây tổn thất lớn về người và tài sản của người dân. Một số công trình công cộng như cầu dân sinh qua suối, đường điện bị đổ gẫy, lũ cuốn trôi làm mất điện và chia cắt giao thông. Tính đến chiều ngày 8/10, cả xã có 4 nhà dân bị sập đổ, lũ cuốn trôi hoàn toàn; 11 ngôi nhà bị hư hỏng nghiêm trọng. Về công trình công cộng có 1 cầu qua suối bị lũ cuốn trôi, 9 điểm cột điện bị đổ gãy. Hiện nay, chính quyền đang huy động lực lượng để khắc phục hậu quả trước mắt, nhiều thiệt hại về cây cối, vật nuôi chưa thể kiểm đếm được.

Khẩn trương khắc phục hậu quả

Trong đợt mưa lũ vừa qua, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai tạm dừng hoạt động từ ngày 7/10 do sạt lở đất. Đoạn qua xã Yên Thái, km 180+090 đến km 180+125 sụt toàn bộ nền đường, treo tà vẹt sâu 6m, phải cấm tàu chạy.

Sáng ngày 8/10, trao đổi với phóng viên, ông Lê Minh Thái - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Yên Lào cho biết công ty đã huy động hơn 120 cán bộ công nhân viên trong công ty đến để tiến hành sửa chữa, khắc phục. Do vị trí sạt lở rất lớn, lại gặp phải khó khăn do xảy ra ở khu vực địa bàn miền núi, giao thông không thuận tiện khiến tiến độ thi công bị chậm.

Công ty Cổ phần Đường sắt Yên Lào huy động lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: Thanh Tiến.

Công ty Cổ phần Đường sắt Yên Lào huy động lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: Thanh Tiến.

“Hiện nay, các công nhân đang dùng sức người và máy móc để khắc phục khu vực sạt lở. Dù thời tiết nắng nóng nhưng ai nấy đều đang cố gắng hết sức để nhanh chóng hoàn thành công việc, đảm bảo tiến độ khôi phục để tuyến đường hoạt động trở lại”, ông Thái cho biết.

Trong đợt thiên tai vừa qua, tại huyện Văn Yên đã có 3 người chết do sạt lở đất ở xã Yên Thái và Ngòi A. Trên 25 ha cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng; nhiều gia súc, gia cầm bị đất đá vùi lấp và nước lũ cuốn trôi; gần 20 ha nuôi thủy sản của người dân bì tràn vỡ gây mất trắng.

Ngoài ra, nhiều tuyến đường tỉnh; đường huyện, đường liên xã, liên thôn bị sạt lở, gây ách tắc giao thông, khối lượng đất đá sạt lở trên 3.500 m3. Có 2 cầu qua suối bị lũ cuốn trôi ở thôn Trạng (xã Yên Thái) và thôn Liên Hiệp (xã Ngòi A). Bên cạnh đó, gần 20 điểm cột điện trung áp và hạ áp bị đổ gẫy, hư hại gây mất điện trên diện rộng.

Ngành điện lực huy động lực lượng khắc phục để sớm cấp điện lại cho người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Ngành điện lực huy động lực lượng khắc phục để sớm cấp điện lại cho người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Đội quản lý đường bộ tỉnh, khắc phục các tuyến đường bị sạt lở để đảm bảo việc lưu thông, đi lại của người dân. Ngành điện cũng tăng cường lực lượng, phương án kỹ thuật, khẩn trương khắc phục tình trạng mất điện, phục vụ nhân dân ổn định đời sống.

Ông Hà Đức Anh, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Ngay sau tình huống thiên tai khẩn cấp, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã cử các đoàn công tác trực tiếp xuống hiện trường chỉ huy công tác tìm kiếm, khắc phục hậu quả; thăm hỏi động viên gia đình có người bị nạn.

Huy động lực lượng của huyện cùng với lực lượng của các xã và người dân tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, giúp đỡ các hộ di chuyển nhà, tài sản đến nơi an toàn; hỗ trợ các gia đình có người chết tổ chức mai táng. Chỉ huy các xã bố chí chỗ ăn, ngủ tạm thời cho các hộ gia đình có nhà bị cuốn trôi, cuốn trôi đồ đạc, di rời khẩn cấp ở cùng người thân, ổn định cuộc sống.

Mưa lũ cuốn trôi cả tài sản và nhân mạng

Mưa lớn trên diện rộng gây ra lũ quét, sạt lở đất trong những ngày qua đã làm thiệt hại nặng nề về người, tài sản của nhân dân.

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thái Nguyên, từ đêm 6 đến rạng sáng 7/10, trên địa bàn huyện Võ Nhai đã xảy ra mưa lớn làm 1 người bị mất tích do lũ cuốn trôi và gây ngập một số xã trên địa bàn huyện.

Cụ thể, người bị mất tích là anh Lâm Trung Đức, sinh năm 1994, trú tại xóm Cây Thị, xã La Hiên, huyện Võ Nhai. Trong 2 ngày xảy ra mưa lớn, nước lũ ở đầu nguồn dâng cao, gây ngập lụt nhiều cầu tràn trên các tuyến đường ở 6 xã phía Bắc huyện Võ Nhai gồm: Cúc Đường, Vũ Chấn, Nghinh Tường, Sảng Mộc, Thượng Nung và Thần Sa.

Còn tại Lào Cai, theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Lào Cai, từ chiều tối 6 đến ngày 7/10 trên địa bàn tỉnh Lào Cai có mưa vừa, có nơi mưa to gây một số thiệt hại về nhà ở, sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng tại các địa phương. 

Cụ thể, tại huyện Văn Bàn, mưa lớn với lượng phổ biến ở một số nơi trong khoảng 80mm đã khiến 2 nhà ở tại xã Nậm Dạng và Võ Lao bị ảnh hưởng; một số diện tích ngô vụ đông bị ngập úng; đường giao thông nông thôn tại thôn Xuân Tiến, xã Võ Lao bị sạt lở ta luy dương trên 10 điểm với tổng khối lượng đất đá khoảng 200m3; sạt lở taluy âm làm gãy 20m mương bê tông xi măng tại thôn Nậm Lan, xã Nậm Dạng... Ước thiệt hại khoảng 120 triệu đồng.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.