| Hotline: 0983.970.780

Giữ an toàn cho hạ du sông Ba

Thứ Tư 13/09/2023 , 06:18 (GMT+7)

Phú Yên và Gia Lai phối hợp trong công tác vận hành điều tiết lũ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, đảm bảo an toàn cho hạ du sông Ba trong mùa mưa bão.

Góp phần giảm lũ hạ du sông Ba

Sông Ba dài gần 400 km, chủ yếu chảy qua địa phận tỉnh Gia Lai và Phú Yên. Toàn bộ lưu vực sông Ba khoảng 13.000km2, hiện có 280 hồ chứa lớn nhỏ, với tổng dung tích khoảng 1,6 tỷ m3. Tuy nhiên chỉ có có 6 hồ gồm hồ Ayun Hạ, Ia M’Lá (Gia Lai) và các hồ thủy điện Sông Hinh, Krông H’Năng, sông Ba Hạ (Phú Yên), An Khê-KaNak (Gia Lai) cắt được lũ cho hạ du sông Ba, với tổng dung tích cắt lũ khoảng 530 triệu m3/s.

Thượng nguồn sông Ba hiện có nhiều hồ thủy lợi, thủy điện. Ảnh: KS.

Thượng nguồn sông Ba hiện có nhiều hồ thủy lợi, thủy điện. Ảnh: KS.

Trước đây, khi chưa có quy chế phối hợp giữa 2 Sở NN-PTNT Phú Yên và Gia Lai, công tác phối hợp vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông này trong việc điều tiết, cắt giảm lũ cho hạ du chưa hiệu quả. Tỉnh Phú Yên rất bị động trong việc điều tiết xả lũ từ tỉnh Gia Lai do không thể cập nhật được đầy đủ thông tin.

Điều này thấy rõ trong đợt mưa lũ hồi tháng 11/2021, các hồ thủy lợi, thủy điện trên thượng nguồn sông Ba đồng loạt xả lũ khiến tỉnh Phú Yên chìm trong biển nước, thiệt hại nặng nề.

Chính quyền tỉnh đã di dời 3.400 hộ dân với gần 12.000 người ở vùng trũng, thấp để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tỉnh Phú Yên cho rằng các hồ thủy lợi, thủy điện ở thượng nguồn sông Ba xả lũ lưu lượng lớn, không thông báo kịp thời đã gây khó khăn cho việc điều tiết, chống lũ cho hạ du.

Để khắc phục hạn chế, tồn tại trên, ngày 28/9/2022, tỉnh Phú Yên và tỉnh Gia Lai đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác vận hành điều tiết lũ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Ba, nhằm góp phần giảm thiểu thiệt hại thấp nhất do thiên tai lũ lụt gây ra. Đồng thời bảo đảm thực hiện đúng quy trình theo Quyết định 878 ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba.

Đợt mưa lũ hồi tháng 11/2021, các hồ thủy lợi, thủy điện trên thượng nguồn sông Ba đồng loạt xả lũ khiến tỉnh Phú Yên chìm trong biển nước. Ảnh: KS.

Đợt mưa lũ hồi tháng 11/2021, các hồ thủy lợi, thủy điện trên thượng nguồn sông Ba đồng loạt xả lũ khiến tỉnh Phú Yên chìm trong biển nước. Ảnh: KS.

Tức là khi vận hành điều tiết lũ sẽ tuân thủ theo quy định về trình tự, đảm bảo không được gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân khu vực ven sông ở hạ du các hồ chứa.

Cùng với đó, các đơn vị phải chủ động, thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời về điều tiết, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện góp phần giảm lũ cho hạ du tối ưu nhất, phù hợp với đặc thù của hồ chứa và công trình.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết, từ khi có quy chế phối hợp giữa 2 tỉnh, đơn vị quản lý gồm Sở NN-PTNT Gia Lai và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai cùng các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở thượng nguồn sông Ba đã cung cấp thông tin cơ bản đầy đủ, kịp thời về tình hình vận hành điều tiết xả lũ, nước chảy qua tràn của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đến vùng hạ du trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Từ đó, tỉnh Phú Yên chủ động chỉ đạo vận hành, điều tiết đón lũ, xả lũ, cắt giảm lũ hồ chứa (sông Ba Hạ) vùng hạ du, góp phần giảm thiểu thiệt hại do lũ, ngập lụt gây ra.

Cần nâng cao công tác quan trắc, cảnh báo lũ

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, mùa mưa bão 2023 đang đến gần, việc giữ an toàn hạ du sông Ba sẽ được 2 ngành nông nghiệp Phú Yên và Gia Lai thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện lệnh vận hành hồ, chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó với lũ lụt và xử lý các tình huống ảnh hưởng đến an toàn dân cư ở hạ du khi các hồ xả nước.

Để đảm bảo an toàn cho hạ du, ngành nông nghiệp Phú Yên và Khánh Hòa phối hợp vận hành điều tiết lũ các hồ chứa thủy lợi, thuỷ điện trên lưu vực sông Ba. Ảnh: KS.

Để đảm bảo an toàn cho hạ du, ngành nông nghiệp Phú Yên và Khánh Hòa phối hợp vận hành điều tiết lũ các hồ chứa thủy lợi, thuỷ điện trên lưu vực sông Ba. Ảnh: KS.

Tuy nhiên qua theo dõi, hạn chế hiện nay trong công tác ứng phó thiên tai là các bản tin cảnh báo lũ trên sông Ba của Đài Khí tượng thủy văn khu vực phát hành tại các thời điểm không đồng bộ với các thời điểm quy định của quy trình nên khả năng khai thác thông tin về lượng mưa, mực nước còn hạn chế.

Mặt khác, thông tin mực nước tại các trạm thủy văn hạ du của chủ hồ gặp rất nhiều khó khăn do không trùng vào thời điểm quan trắc của trạm hoặc không kết nối được liên lạc với trực ban của trạm. Từ đó dẫn đến khó khăn trong việc quyết định phương án vận hành hồ, đặc biệt là thời điểm giảm lũ cho hạ du không được kịp thời.

Để khắc phục tình trạng trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm triển khai đầu tư nâng cấp đồng bộ các trạm về thiết bị quan trắc, thiết bị thu thập thông tin nhằm đảm bảo thiết bị quan trắc tự động liên tục và cập nhật số liệu online trên web dùng chung do cơ quan có thẩm quyền quản lý để chia sẻ dữ liệu cho các chủ hồ.

Đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ ban hành điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành liên hồ chứa. Bộ Công thương ban hành quy trình đơn hồ chỉ đạo vận hành điều tiết xả, đón, cắt giảm lũ vào quy trình như: mail, tin nhắn qua zalo, viber… được chấp thuận và có tính pháp lý khi thực hiện. Bởi qua thực tế thời gian cho thấy, có nhiều thời điểm các thông tin cần được xử lý ngay, chẳng hạn như chỉ đạo điều tiết hồ chứa tại hiện trường và trong thời tiết có mưa, bão, lũ…

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương quan tâm ban hành một cơ quan đủ năng lực, quyền hạn điều hành vận hành liên hồ chứa ở các đơn vị vận hành các hồ.

Đối với ngành Khí tượng Thủy văn, đề nghị cung cấp số liệu quan trắc nhanh, kịp thời giúp 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai điều hành xả lũ có lợi nhất, hạn chế mức độ ngập lụt cho hạ du.

Về công tác đảm bảo an toàn hồ đập trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa bão sắp tới, theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Phú Yên, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 06 về tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi, thủy điện mùa mưa, lũ năm 2023 và Chỉ thị 14 về tăng cường công tác phòng chống thiên tai, tìm kiến nạn năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Cùng với văn bản số 4378 ngày 22/8/2023 của UBND tỉnh về việc tập trung, tăng cường công tác phòng chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất đá, bờ sông, bờ biển, ngập lụt, lũ quét và an toàn hồ đập trên địa bàn tỉnh.

Đến thời điểm này, các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng các phương án ứng phó thiên tai (lụt, bão) và ứng phó tình huống khẩn cấp hồ chứa nước theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

Mới đây, Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) đã tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và tuyên truyền công tác phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ trước mùa mưa bão đang đến gần.

Theo Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ, trong mùa mưa bão, công ty luôn chú trọng việc đảm bảo an toàn hạ du, nhất là người dân sinh sống dọc sông Ba. Điều này được thể hiện trước khi nhà máy vận hành, điều tiết nước qua tràn, công ty luôn có hiệu lệnh còi và phát tin trên 26 bộ loa cảnh báo lũ từ xa lắp dọc theo hạ lưu sông Ba tại các vị trí đông dân cư để thông báo cho người dân được biết. Công ty còn phối hợp với các đài phát thanh truyền hình địa phương phát thông báo điều tiết nước qua tràn, để nhân dân vùng hạ du sông Ba chủ động phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về con người và tài sản do thiên tai gây ra.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.