Phát biểu tại Hội nghị Xây dựng chuỗi giá trị ngành chăn nuôi chiều 27/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành chăn nuôi đã có khung thể chế tương đối hoàn thiện gồm: Luật Chăn nuôi, 3 Nghị định, 5 Thông tư, 1 Chiến lược phát triển ngành, 1 Chiến lược phát triển bền vững ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ngành chăn nuôi hiện phát triển tương đối nhanh. Trong hơn 10 năm, từ 2010 - 2021, sản lượng thịt các loại tăng 1,7 lần, trứng tăng 2,7 lần, sữa tươi tăng 4 lần, thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng hơn 2 lần. Sản lượng thịt, trứng, sữa cơ bản đáp ứng nhu cầu của gần 100 triệu người dân và 17 triệu khách du lịch hàng năm.
"Chăn nuôi chiếm 25,2% tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp, tăng trưởng ổn định từ 4 - 6% suốt 10 năm qua. Về cơ bản, chúng ta đã hình thành không gian cho ngành chăn nuôi, nhưng để phát triển bền vững, cần sự đồng lòng giữa các hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước", Thứ trưởng nói.
Ngoài ra, chăn nuôi nước ta còn gặp những thách thức về dịch bệnh truyền nhiễm, biến đổi khí hậu và thiên tai, biến động thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, biến động thị trường sản phẩm...
Một thực trạng nữa được lãnh đạo Bộ NN-PTNT nêu tại hội nghị, là sự chênh lệch giữa doanh nghiệp có vốn FDI và doanh nghiệp trong nước. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, ngân sách đầu tư từ khối FDI hàng năm lên tới gần 4 tỷ USD. Nhóm này cũng là động lực xuất siêu chính của toàn ngành nông nghiệp, trong khi khối nội lại đang trong cảnh nhập siêu.
Thông qua hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ: "Chúng ta cần bàn kế sách, tạo lập hệ sinh thái giữa cơ quan quản lý nhà nước với các hiệp hội, giúp nâng cao vị thế vai trò của hiệp hội, đồng thời khai thác hết dư địa ngành hàng".
Tính đến hết quý I/2022, cả nước có 69 hội, hiệp hội thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ NN-PTNT. Trong đó, lĩnh vực chăn nuôi, thú y có 14 hội và hiệp hội, chiếm 20%. Thời gian qua, các hiệp hội có vai trò nhất định trong việc phản biện chính sách, là nơi tập hợp các doanh nghiệp, làm cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, người chăn nuôi.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam đề xuất, ngành chăn nuôi cần tập trung phát triển theo mũi nhọn, dựa trên cơ sở những chuỗi ngành hàng lớn có giá trị cao như thịt lợn, gia cầm và chăn nuôi bò.
Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, ngành chăn nuôi cũng chịu ảnh hưởng từ các mặt hàng nhập khẩu. Do đó, ông Dương kiến nghị Bộ NN-PTNT và Cục Chăn nuôi phải có đánh giá cụ thể từng ngành hàng, từ đó xác định rõ quy mô, xu thế tiêu dùng trong thời đại mới.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại Việt Nam nêu thực tế, rằng các doanh nghiệp trong nước chưa thấy được lợi ích khi gia nhập hiệp hội, khiến số lượng thành viên của nhiều đơn vị có xu hướng teo tóp. Điều này khác với mô hình hoạt động của quốc tế. Chẳng hạn, tại Đan Mạch, doanh nghiệp khi tham gia hiệp hội chăn nuôi lợn sẽ được hỗ trợ về việc xác thực cũng như đóng dấu kiểm định chất lượng khi xuất chuồng.
Để khắc phục điểm nghẽn này, ông Trọng nêu 3 đề xuất. Một là, các hiệp hội đẩy mạnh liên kết theo chiều ngang, cụ thể là với nhóm HTX, nông hộ nhỏ lẻ. Hai là, phối hợp với Cục Chăn nuôi sớm xây dựng mã định danh cho cơ sở chăn nuôi, đảm bảo công tác truy xuất nguồn gốc. Ba là, cơ quan quản lý nhà nước có thêm định hướng điều tiết thị trường, tránh việc quá chú trọng vào giá trị xuất khẩu, nhằm tăng tính cạnh tranh tại thị trường nội địa.
Trước những chia sẻ của hiệp hội, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tinh thần "Không để hiệp hội nào đứng ngoài cuộc, không bỏ lại doanh nghiệp nào phía sau". Với cam kết chủ động, phối hợp, sát cánh cùng hiệp hội, ông đề nghị các doanh nghiệp sản xuất cùng nhóm mặt hàng, các doanh nghiệp thuộc cùng chuỗi giá trị tăng cường kết nối, hợp tác, thực hiện bằng được mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển ngành.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá, các hiệp hội có vai trò quan trọng, góp phần vào điều tiết sản lượng, tiêu chuẩn hóa và đồng đều hóa sản phẩm, bước đầu gắn kết sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi.