| Hotline: 0983.970.780

Đến Việt Nam để chứng kiến tiềm năng to lớn của ngành nông nghiệp

Thứ Ba 07/01/2025 , 17:06 (GMT+7)

Ông Johan van den Ban - Tổng giám đốc De Heus Việt Nam, khuyến khích doanh nghiệp quốc tế đến Việt Nam tận mắt quan sát sự tiềm năng đầu tư vào ngành nông nghiệp.

Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam: Ngành nông nghiệp Việt Nam có sự chuyển dịch tích cực. Ảnh: De Heus Việt Nam.

Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam: Ngành nông nghiệp Việt Nam có sự chuyển dịch tích cực. Ảnh: De Heus Việt Nam.

Năm 2024 khép lại với nhiều thành tựu quan trọng trong ngành nông nghiệp Việt Nam, trong đó, De Heus nổi bật với vai trò là đơn vị tiên phong, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.

Nhân dịp này, Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về kinh tế nông nghiệp từ ông Johan van den Ban, Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam.

Những tiến bộ đáng kể trong ngành chăn nuôi

Nhìn lại chặng đường phát triển, ông Johan van den Ban đánh giá cao sự chuyển mình vượt bậc của nông nghiệp Việt Nam. Từ quy mô sản xuất mang tính địa phương, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng đầu thế giới. Ngoài việc phục vụ cho thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu của gần 100 triệu người tiêu dùng, các sản phẩm nông nghiệp Việt cũng được xuất khẩu sang khoảng 200 quốc gia trên toàn thế giới và trở thành mặt hàng thiết yếu của hàng triệu người.

Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi đã chứng kiến bước nhảy vọt với sự chuyên nghiệp hóa chuỗi sản xuất, từ đó nâng cao kỹ năng lao động, giảm chi phí và sản xuất các sản phẩm đạt chuẩn quốc tế.

“Thành công này có được nhờ đội ngũ lao động tiên tiến cùng sự tận tâm của các doanh nghiệp gia đình”, ông Johan van den Ban chia sẻ.

Kể từ khi thành lập tại Việt Nam vào năm 2009, De Heus đã từng bước khẳng định vai trò dẫn dắt trong việc phát triển sản xuất đạm động vật như thịt, trứng, sữa và thủy sản. Năm 2024, De Heus Việt Nam kỷ niệm 15 năm thành lập, một hành trình đánh dấu bằng những thành tựu nổi bật.

Hiện nay, cả người tiêu dùng trong nước lẫn khách hàng quốc tế đều có cơ hội tiếp cận các sản phẩm chất lượng cao với giá cả hợp lý. Điều này khẳng định tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp toàn cầu, được thúc đẩy bởi sự đổi mới và cam kết mạnh mẽ đối với chất lượng.

De Heus đã từng bước khẳng định vai trò dẫn dắt trong việc phát triển sản xuất đạm động vật như thịt, trứng, sữa và thủy sản. Ảnh: De Heus Việt Nam.

De Heus đã từng bước khẳng định vai trò dẫn dắt trong việc phát triển sản xuất đạm động vật như thịt, trứng, sữa và thủy sản. Ảnh: De Heus Việt Nam.

Tiềm năng khai thác thị trường Halal

Ngành nông nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng nhưng vẫn còn nhiều dư địa, đặc biệt trong việc xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc động vật.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt hơn 60 tỷ USD, nhưng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chỉ chiếm dưới 1%, tương đương khoảng 500 triệu USD.

Lãnh đạo De Heus Việt Nam phân tích, đây là một con số “khiêm tốn” khi soi chiếu với tiềm năng lớn trong sự cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Nhận thấy tiềm năng này, De Heus đã chủ động kết nối chuỗi sản xuất nông nghiệp của Việt Nam với các thị trường quốc tế, đặc biệt là những thị trường yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn Halal. Điều này đồng nghĩa với việc đảm bảo mọi quy trình sản xuất, từ thức ăn chăn nuôi đến giết mổ, đều đáp ứng các quy định khắt khe của chế độ ăn kiêng theo Luật Hồi giáo.

De Heus đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong chuỗi giá trị, bao gồm doanh nghiệp Bel Gà, trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, nông dân nuôi gà và các lò giết mổ được De Heus trực tiếp giám sát. Nằm trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và phân phối thịt gia cầm sạch, một trong những trọng tâm phát triển của họ là các sản phẩm từ Green Chicken xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn Halal khắt khe.

Nhờ thúc đẩy sản xuất tuân thủ Halal, De Heus không chỉ mở rộng cơ hội cho các nhà sản xuất gà Việt Nam tiếp cận những thị trường quốc tế đầy tiềm năng này, mà còn tạo động lực tăng trưởng lớn cho ngành chăn nuôi trong nước. Những nỗ lực đó hứa hẹn khai thác hiệu quả nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu đối với các sản phẩm Halal, mở ra chương mới đầy triển vọng cho nông nghiệp Việt Nam.

Người chăn nuôi - Trọng tâm của sự phát triển

Tính bền vững luôn là ưu tiên hàng đầu của De Heus kể từ khi công ty gia nhập thị trường Việt Nam cách đây 15 năm. Vai trò này ngày càng trở nên quan trọng hơn, đối với các doanh nghiệp sản xuất, với nông dân và Chính phủ Việt Nam. Với tư cách là một công ty đa quốc gia có sự hiện diện mạnh mẽ tại Việt Nam, De Heus nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong lĩnh vực này.

De Heus Việt Nam thúc đẩy sản xuất tuân thủ tiêu chuẩn Halal. Ảnh: De Heus Việt Nam.

De Heus Việt Nam thúc đẩy sản xuất tuân thủ tiêu chuẩn Halal. Ảnh: De Heus Việt Nam.

Trọng tâm của ngành chăn nuôi Việt Nam là các nông hộ sản xuất quy mô nhỏ. Do đó, De Heus hiểu rằng thành công của doanh nghiệp phụ thuộc vào mối quan hệ đối tác chặt chẽ với người chăn nuôi. Công ty đóng vai trò quan trọng là nhà cung cấp và đối tác của nông dân, cung cấp cả giải pháp kỹ thuật lẫn sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

“Chúng tôi hướng đến mục tiêu hợp tác toàn diện”, đại diện De Heus Việt Nam chia sẻ. “Chúng tôi cung cấp các chương trình đào tạo chuyên sâu, kết hợp giữa chuyên môn quốc tế và kiến thức thực tiễn từ đội ngũ chuyên gia trong nước. Điều này giúp người chăn nuôi cải thiện hiệu suất kỹ thuật, từ đó giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận”.

Khí hậu và địa hình đa dạng của nước ta đặt ra yêu cầu về các giải pháp phù hợp với từng cộng đồng. De Heus phân tích các yếu tố như loại vật nuôi, điều kiện khí hậu và trình độ kỹ năng của các hộ chăn nuôi để cung cấp hỗ trợ phù hợp nhất.

Vị Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam giải thích: “Chúng tôi làm việc cùng nông dân và người chăn nuôi chứ không cạnh tranh với họ. Nếu không có sự đồng hành của người chăn nuôi, chúng tôi sẽ không thành công, thậm chí không thể tồn tại. Chính sự phụ thuộc lẫn nhau đã tạo nên mối quan hệ bền chặt và bền vững giữa chúng tôi và cộng đồng ở Việt Nam”.

Triển vọng đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam

“Tôi muốn khuyến khích các doanh nghiệp quốc tế đến Việt Nam để tận mắt chứng kiến sự năng động và tiềm năng to lớn của ngành nông nghiệp”, ông Johan van den Ban nhấn mạnh. “Chính phủ Việt Nam luôn thể hiện sự hỗ trợ mạnh mẽ. Chúng tôi tin rằng, nếu duy trì được tính minh bạch cao trong luật pháp và quy trình sản xuất thực phẩm, nói cách khác là đảm bảo sự minh bạch xuyên suốt chuỗi giá trị và các ngành công nghiệp liên quan, thì môi trường đầu tư sẽ tiếp tục phát triển tích cực”.

De Heus Việt Nam đề cao việc hợp tác với các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Ảnh: Lê Bình.

De Heus Việt Nam đề cao việc hợp tác với các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Ảnh: Lê Bình.

Ông cũng đề cập đến sự tăng trưởng GDP ổn định của Việt Nam, nhấn mạnh rằng De Heus Việt Nam đang dẫn đầu trong khu vực và kỳ vọng duy trì được đà tăng trưởng này. Công ty đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững toàn diện, kết hợp cách tiếp cận toàn cầu với nhu cầu đặc thù của quốc gia.

De Heus Việt Nam đặc biệt chú trọng tối ưu hóa nguyên liệu thô trong nước, phù hợp với chiến lược của Bộ NN-PTNT. Công ty đã tái định hướng chiến lược để tăng cường sử dụng các nguồn tài nguyên nội địa, chẳng hạn như ngô và sử dụng các nguyên liệu tuần hoàn trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi.

“Những phụ phẩm từng bị coi là chất thải, nay được tái chế và tích hợp vào công thức dinh dưỡng, tạo ra giá trị mới từ những nguyên liệu tưởng chừng như không còn hữu dụng”, ông Johan chia sẻ.

Việc tái sử dụng các nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi không chỉ giúp De Heus giảm chi phí mà còn giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Quan trọng hơn, cách tiếp cận này giúp giảm đáng kể lượng khí thải carbon, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững.

Nhờ đó, De Heus không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển cân bằng và bền vững cho ngành chăn nuôi Việt Nam, mà còn đặt nền móng cho sự tăng trưởng lâu dài, đồng hành cùng trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Đến năm 2045, Việt Nam hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao. Với chiến lược chăn nuôi bền vững, tinh thần đổi mới tích cực và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế.

Xem thêm
Chọn phương án tối ưu để Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước dừng hoạt động

Chiều 6/1, Thủ tướng chủ trì phiên họp thảo luận việc kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nông nghiệp Bình Dương đóng góp từ 18.000-19.000 tỷ đồng/năm

Năm 2024, ngành NN-PTNT tỉnh Bình Dương đạt nhiều thành tựu nổi bật, duy trì đóng góp từ 18.000-19.000 tỷ đồng/năm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Điều tra việc đào bới trái phép mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát

Nơi an nghỉ của chúa Nguyễn Phúc Khoát bị kẻ xấu đào bới trái phép. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.