Phát huy thế mạnh nuôi tôm lớn nhất ĐBSCL
Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tôm Cà Mau hiện đã có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, bốn thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc. Giá trị sản xuất của ngành tôm tỉnh Cà Mau chiếm 80% trong tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và chiếm 49% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp.
Diện tích nuôi tôm của tỉnh Cà Mau chiếm tới 45% diện tích nuôi tôm của khu vực ĐBSCL và chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước; sản lượng tôm nuôi chiếm 29% sản lượng tôm ĐBSCL và chiếm 22% sản lượng tôm của cả nước. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt khoảng 1 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước.
Hiện nay, tôm Cà Mau đã được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận (ASC, B.A.P, GlobalGAP, EU, Naturland...). Toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp với 32 nhà máy chế biến xuất khẩu tôm, thiết bị, công nghệ hiện đại so với khu vực và thế giới, công suất trên 250.000 tấn (tôm nguyên liệu)/năm. Hầu hết các nhà máy đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế (SA-8000, ISO 26000, ISO-9001, BRC, B.A.P,...).
Tuy nhiên, theo ông Sử, nghề nuôi tôm Cà Mau vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất lợi, dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn xảy ra thường xuyên, môi trường nuôi tôm bị ô nhiễm, hạn hán xâm nhập mặn xảy ra, thị trường tiêu thụ chưa ổn định.
Đồng thời, việc ứng dụng khoa học, công nghệ còn hạn chế, kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển chưa đáp ứng, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất hàng hóa, nhiều cơ sở chế biến thủy sản gặp khó khăn, dẫn đến sức mua giảm,… làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nông dân.
"Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo, đồng thời có sự phối hợp hiệu quả của các địa phương, cơ quan chuyên môn, quản lý nên ngành tôm tỉnh Cà Mau đã đạt được những kết quả khả quan. Thời gian qua, việc sản xuất nuôi tôm trong những vùng trọng điểm của tỉnh đang có nhiều chuyển biến tích cực và thay đổi nhanh về cơ cấu sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Cụ thể như ao trải bạt theo quy trình Biofloc, Semi-Biofloc, quy trình công nghệ nuôi hai giai đoạn, ba giai đoạn, quy trình nuôi tuần hoàn nước khép kín...góp phần tăng năng suất và sản lượng, cải thiện đời sống của người dân.
Tạo điều kiện cho DN phát triển chế biến thủy sản
Theo ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh luôn xác định lĩnh vực nông nghiệp là quan trọng, thuỷ sản là mũi nhọn. Tuy nhiên, thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến các hoạt động của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thủy sản. Các doanh nghiệp phải thực hiện giải pháp “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” rất khó khăn và chỉ thực hiện được khoảng 30% doanh nghiệp sản xuất.
"Trong thời gian tới, Cà Mau vẫn thực hiện quyết liệt kiểm soát dịch bệnh, nhưng vẫn tạo điều kiện cho danh nghiệp hoạt động và đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19", ông Việt nói.
Liên quan đến quy hoạch nuôi tôm, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, khẳng định tôm là hàng chủ lực của tỉnh nên được tập trung cho sản xuất, với các mô hình tôm - lúa, tôm sinh thái, tôm siêu thâm canh đang được tỉnh chỉ đạo cho sản xuất rất tốt. Tỉnh cũng đang tiến hành quy hoạch lại các vùng sản xuất, dự án cho phù hợp để phát huy tốt nhất các mô hình sản xuất nuôi trồng thuỷ sản.
Ông Việt cũng đề xuất, do tình hình biến đổi khí hậu nên tình trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang rất nghiêm trọng. Thực tế hàng năm, Cà Mau bị sạt lở tới 300 - 400 ha, ảnh hưởng rất lớn đến rừng phòng hộ và việc sản xuất. Vì thế, tỉnh rất cần sự quan tâm và chỉ đạo của Bộ NN-PTNT với công tác đầu tư kè bảo vệ bờ biển, đê biển để người dân an tâm mưu sinh sản xuất.
Về IUU, ông Việt cho biết, hiện một số tàu đánh bắt vẫn chưa chịu lắp đặt máy giám sát hành trình nên cần cơ quan chức năng nhắc nhở, tăng cường công tác tuyên truyền cho chủ tàu. Tỉnh cũng kiến nghị với Bộ NN-PTNT hỗ trợ Cà Mau liên quan đến các vấn đề khai thác đánh bắt thủy sản theo IUU.
"Thời gian tới, tỉnh Cà Mau tiếp tục xác định kinh tế biển là quan trọng và quan tâm xây dựng chương trình hành động phát triển kinh tế biển, thủy sản, công nghiệp tái tạo, chế biến và các KCN để thu hút đầu tư. Tỉnh sẽ tạo điều kiện cho DN, đặc biệt là DN thủy sản đầu tư vào các KCN để phát triển chế biến thuỷ sản, bố trí nhà ở cho công nhân để có thể sống chung với tình hình dịch bệnh Covid-19 trong điều kiện hiện nay", ông Việt nói.
Cần tạo một hệ sinh thái nông nghiệp Cà Mau
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Hiện cả nước cũng như ngành nông nghiệp và doanh nghiệp đang rất khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, chúng ta không thể đóng mãi nền kinh tế nông nghiệp vì đây là lĩnh vực có sự đóng góp lớn cho đất nước. Chúng ta lo chống dịch, nhưng cũng không thể chờ hết dịch, không còn F0 mới mở cửa. Hàng triệu lao động hiện không có việc làm, nếu đóng cửa mãi thì không chỉ người lao động mà các tỉnh cũng phải đối mặt với câu chuyện đời sống, kinh tế căng thẳng.
Bộ trưởng khẳng định: "Hiện nhiều tỉnh đang làm đề án phục hồi sau đại dịch Covid -19. Tôi ước mong một ngày nào đó khi trở lại tỉnh Cà Mau sẽ có câu khẩu hiệu: “Chung tay vì một Cà Mau xanh”. Hiện thế giới còn có thông điệp “tăng trưởng xanh”, tại sao chúng ta không nhìn vào đó mà phát triển, “Cà Mau xanh” vượt qua biến đổi khí hậu, vượt qua đại dịch để “tăng trưởng xanh” hoàn toàn được. Cà Mau cần thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh để không còn dùng phân thuốc hoá học nữa mà đi vào sản xuất hữu cơ, để tạo ra thương hiệu nông nghiệp sạch.
Cà Mau ở tận cùng Tổ quốc, nên cần xây dựng thương hiệu địa phương để lan toả ra khắp xã hội, thu hút nhiều DN về đây làm nổi bật tính đặc thù vị trí địa lý riêng biệt của mình. Cà Mau có nhiều sản phẩm gạo, tôm, lúa… khác hoàn toàn so với các tỉnh khác, vì thế đã tạo nên thương hiệu địa phương rồi. Nếu nhìn vào việc nông sản được sản xuất theo quy chuẩn cân bằng, thì không đâu có điều kiện vừa rừng, biển, nước ngọt như Cà Mau. Nơi đây đang được hưởng lợi rất lớn từ lợi thế địa phương, không cần phải đi vào số lượng mà đi vào xây dựng sự khác biệt.
Bộ trưởng cũng cho rằng, để sản xuất có được gạo sạch, tôm sạch không phải dễ, nhưng cần phải xây dựng chiến lược “Cà Mau xanh”. Từ đó mới xác định tới vấn đề quy hoạch tổng thể, tôm dưới tán rừng, tôm quảng canh, thâm canh… dựa trên giá trị sản xuất chứ không phải là số lượng.
"Hiện nhiều tổ chức rất mê những mô hình thích ứng và vượt qua được biến đổi khí hậu, để tạo ra được giá trị sản phẩm nông nghiệp. Giá trị của rừng Cà Mau rất đặc biệt, dưới tán rừng người dân đang làm du lịch, cho nên nếu tỉnh biết đầu tư xây dựng hình ảnh du lịch thì sẽ tạo nên được giá trị cao. Chúng ta không nên "chỉ nghĩ đến đại bàng mà quên đi con chim sẻ”, không phải chỉ dựa vào quy mô lớn mà cần đi vào chất lượng dù là nhỏ. Nhiều khi cây tầm gửi nhỏ bé trong rừng cũng sẽ tạo được cả hệ sinh thái rừng.
Vì thế, Cà Mau cần tạo ra một hệ sinh thái cho DN, HTX gắn bó với địa phương, ngành nông nghiệp để cùng nhau phát triển bền vững. Chỉ 1 ha nuôi tôm mà nếu gom 1 ha vào với nhau vẫn chỉ là con số về quy mô sản xuất. Ở đây cần phải tạo ra giá trị sản phẩm mới là quan trọng, dù 1 ha tôm nhưng nâng cao được giá trị và nếu có nhiều ha như thế thì tạo ra chuỗi giá trị lớn hiệu quả", Bộ trưởng nói.
Về tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng đề nghị chính quyền địa phương phải giữ được vai trò tổ chức hợp tác, liên kết và thị trường. Chính thị trường sẽ quyết định về quy mô, quy chuẩn, nên việc hình thành sản xuất xanh, “Cà Mau xanh” sẽ quyết định tất cả.
"Như du lịch nông nghiệp không mang lại nhiều về giá trị kinh tế, nhưng nó mang lại hình ảnh giá trị. Chỉ cần một du khách khi đến địa phương bấm máy chụp hình con tôm, đĩa cá thì chính là quảng bá du lịch và còn hiệu quả hơn nhiều lần địa phương đi xúc tiến thương mại”, Bộ trưởng khẳng định.
Về thành lập các KCN của tỉnh, Bộ trưởng cho rằng, Cà Mau nên thành lập cụm liên kết ngành thì hiệu quả hơn, gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp và công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ bằng các mô hình "Cụm liên kết ngành trong nông nghiệp”, du lịch nông nghiệp nông thôn.
Về chống dịch, "chúng ta đừng chỉ nghĩ đến một DN đang gặp khó mùa dịch mà cần phải nghĩ đến 3.000 công nhân của DN đang cần hỗ trợ mùa dịch, thì sẽ có tư duy khác. Hãy trên tinh thần đó lo nhanh, lo sớm, tận tâm hơn cho doanh nghiệp. Chúng ta hãy ước mơ và dám ước mơ về nông nghiệp xanh và “Cà Mau xanh” trong tương lai gần", Bộ trưởng nói.