| Hotline: 0983.970.780

Tập trung đồng bộ, toàn diện và quyết liệt về IUU

Thứ Bảy 20/11/2021 , 15:12 (GMT+7)

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đối với tỉnh Khánh Hòa trong việc triển khai các giải pháp nhằm gỡ ‘thẻ vàng’ của Ủy ban châu Âu (EC).

Nỗ lực thực hiện các khuyến nghị EC

Tiếp tục chuyến công tác tại Nam Trung bộ, sáng 20/11, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về tình hình triển khai các khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và tình hình chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh trên động vật tại địa phương này.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT kiểm tra các khuyến nghị của EC tại Cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: KS.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT kiểm tra các khuyến nghị của EC tại Cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: KS.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, cho biết, thời gian qua, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp về IUU. Cụ thể, UBND tỉnh đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo về IUU và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Cùng với đó ban hành kế hoạch triển khai thực hiện về IUU và quy trình xử lý thông tin tàu mất kết nối, tàu vi phạm vùng biển nước ngoài đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m để làm căn cứ triển khai và xử lý vi phạm theo quy định.  Bên cạnh đó, tỉnh đã thành lập và triển khai 4 văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các Cảng cá Hòn Rớ, Đá Bạc, Vĩnh Lương, Đại Lãnh.

Các văn phòng này đã thực hiện tốt công tác kiểm soát hoạt động của tàu cá và giám sát việc bốc dỡ, truy xuất nguồn gốc hải sản theo đúng quy chế. Đến 11/2021, các văn phòng đại diện thanh tra kiểm soát nghề cá đã kiểm tra tàu cá rời cảng, cập cảng lên cá 2.286 lượt, với sản lượng hơn 3.858 tấn.

Trạm bờ của Chi cục Thủy sản đã được đầu tư trang bị hệ thống máy vi tính, màn hình cỡ lớn và bố trí cán bộ trực ban 24/7 theo dõi hoạt động khai thác của tàu cá trên biển, duy trì việc thông tin liên lạc với gia đình chủ phương tiện, thuyền viên. Từ tháng 10/2018 đến nay không có tàu cá của Khánh Hòa vi phạm khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT đánh giá việc kiểm tra về IUU lần này tại Khánh Hòa cho thấy có tiến bộ hơn lần trước. Ảnh: KS.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT đánh giá việc kiểm tra về IUU lần này tại Khánh Hòa cho thấy có tiến bộ hơn lần trước. Ảnh: KS.

Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đã cập nhật đầy đủ 100% dữ liệu về tàu cá trên địa bàn tỉnh vào Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia (Vnfishbase). Trên 95% tàu cá từ 6 mét trở lên hoạt động đã được kiểm tra an toàn kỹ thuật, đánh dấu và cấp phép khai thác thủy sản phù hợp với quy định pháp luật. Đến nay đã có 696/720 tàu cá trên địa bàn lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 96,6%...

Về chăn nuôi, theo ông Lê Tấn Bản, toàn tỉnh hiện có 410 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó có 31 trang trại chăn nuôi quy mô lớn; 250 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và 129 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ. Tính đến cuối tháng 10/2021, tổng đàn trâu 2.896 con; đàn bò 61.150 con, đàn gia cầm 2,58 triệu con; đặc biệt đàn lợn 348.170 con tăng 18,7% so với cùng kỳ.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm đã chuyển dịch cơ bản từ hình thức chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại và có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong đó khoảng 80% số lợn và 50% số gà được nuôi theo hình thức chăn nuôi trang trại.

Thời gian quan tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực triển khai thực hiện các khuyến nghị EC. Ảnh: KS.

Thời gian quan tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực triển khai thực hiện các khuyến nghị EC. Ảnh: KS.

Đối với dịch bệnh động vật từ đầu năm đến nay chỉ xảy ra lẻ tẻ một số địa phương, riêng các dịch bệnh lở mồm long móng, tai xanh ở lợn không xảy ra. Đối với bệnh viêm da nổi cục trâu bò, số bò mắc bệnh đã điều trị khỏi là 1.097/1.189 con bò. Hiện có 58/64 xã qua 21 ngày không phát sinh ổ dịch mới…

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản lưu ý, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân rất quan trọng nên cần được thực hiện đến nơi đến chốn. Khi ngư dân đã hiểu thì họ sẽ chấp hành theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, tỉnh Khánh Hòa phải đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện tốt Luật thủy sản, như vậy ngành thủy sản mới phát triển bền vững. Ông Luân còn lưu ý với Khánh Hòa trong việc phát triển du lịch cần gắn với việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường…Cùng với đó, để phát triển nuôi biển bền vững, tỉnh cần rà soát lại vùng nuôi từ đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ vào sản xuất. Ngoài ra, tỉnh cũng cần rà soát lại các cơ sở sản xuất giống đủ điều kiện để đáp ứng con giống có chất lượng phục vụ người nuôi.

Khánh Hòa làm tốt nhưng so với yêu cầu EC còn là bài toán

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT đánh giá, việc kiểm tra về IUU lần này tại Khánh Hòa cho thấy có tiến bộ rõ rệt so với lần trước. Trong đó việc thực hiện đăng ký, đăng kiểm, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, ghi chép nhật ký, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình…đã hoàn thành đạt từ 96-99%, tỷ lệ này tương đối cao.

Đặc biệt, việc thực hiện công tác thực thi pháp luật được đánh giá tiến bộ vượt bậc so với tỉnh khác. Vì tỉnh đã có phần mềm thống kê đầy đủ việc các tàu vi phạm, xử phạt và đăng công khai lên phần website Sở NN-PTNT. Đây là cơ sở để chúng ta theo dõi tàu cá chấp hành vi phạm pháp luật, cũng là vấn đề quan tâm của EC…

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ NN-PTNT về triển khai IUU. Ảnh: KS.

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ NN-PTNT về triển khai IUU. Ảnh: KS.

Tuy nhiên Đoàn công tác Bộ NN-PTNT cũng chỉ ra nhiều vấn đề cho tỉnh Khánh Hòa cần lưu ý, quan tâm, khắc phục. Cụ thể, đối với tàu chưa lắp đặt thiết bị hành trình cần phải quản lý chặt, hiện tàu này nằm ở đâu, đảm bảo tàu này không tham gia khai thác trên biển. Cũng như cần quản lý chặt việc sản lượng đánh bắt, truy suất nguồn gốc từ lúc lên cá cho đến vào nhà máy...

Phái biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, so với các địa phương khác, tỉnh Khánh Hòa đã làm tốt về IUU nhưng so với yêu cầu của EC vẫn còn là bài toán. Do đó, Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần tiếp tục tập trung đồng bộ, toàn diện và phải quyết liệt về IUU. Vấn đề này Thủ tướng đã chỉ đạo và trong Chỉ thị cũng khẳng định đến năm 2022 phải gỡ “thẻ vàng”. Do đó tỉnh cần tập trung khắc phục những tồn tại đã nêu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đánh giá Khánh Hòa đã làm tốt, nhưng so với yêu cầu của EC vẫn là bài toán. Ảnh: KS.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đánh giá Khánh Hòa đã làm tốt, nhưng so với yêu cầu của EC vẫn là bài toán. Ảnh: KS.

“Không phải việc thanh tra EC đến kiểm tra, mình mới thực hiện mà cần hình thành công việc quản lý hàng ngày, hàng năm. Đây cũng là tư duy xuyên suốt để phát triển thủy sản bền vững”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh và lưu ý các địa phương phải nhận thức như vậy, chứ không nay làm mai rút ‘thẻ vàng’ rồi giải tán hoặc trùng xuống là không phải.

Về chăn nuôi, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tới đây Khánh Hòa sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương với quy mô trên 2 triệu dân. Vì vậy việc đáp ứng nhu cầu thực phẩm sẽ là bài toán lớn, bởi đến bây giờ quy mô đàn súc, gia cầm, đàn lợn trên địa bàn còn rất nhỏ.

Do đó, nếu chúng ta không có chiến lược về chăn nuôi gắn với phát triển thủy sản thì chúng ta sẽ hụt hẫng về cung cấp thực phẩm. Tới đây Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo Khánh Hòa tập trung triển khai chiến lược chăn nuôi trên cơ sở Quyết định 1520 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển chăn nuôi của Chính phủ từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045 để chủ động về việc cung cấp lương thực, thực phẩm khi Khánh Hòa trở thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ghi nhận những tồn tại mà Đoàn công tác Bộ NN-PTNT chỉ ra, đồng thời sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn nhanh chóng khắc phục. Đối với việc đầu tư khu giết mổ tập trung, ông Thiệu cho biết, thời gian qua tỉnh cũng đã đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi xã hội hóa xây dựng nhưng chưa đạt theo ý muốn. Vì vậy, tỉnh tiếp thu ý kiến của đoàn công tác Bộ NN-PTNT và sẽ quyết tâm đầu tư khu giết mổ tập trung trong thời gian tới, để vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa đảm bảo cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người dâng giọt mật cho đời

Nghề làm mật mía đã nuôi sống mấy thế hệ trong gia đình lão Nhạc. Tuy nhiên, lão vẫn lo một ngày nào đó nghề cha ông sẽ bị thất truyền.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất