Tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi cho biết, đến hiện tại, cơ bản các hồ chứa thủy điện đã đầy nước. Thông tin vỡ đê tại một số địa phương là chưa chính xác.
Về công tác tiêu úng, có khoảng 85.000 ha lúa, rau màu đang bị ngập úng. Tuy nhiên, trước khi bão đổ bộ các địa phương đã tiến hành tiêu kiệt nước đệm và đang huy động hơn 800 trạm bơm vận hành hết công suất để tiêu úng. Nếu thời tiết không có diễn biến bất thường thì trong khoảng 2-3 ngày tới sẽ tiêu hết nước ngập cho toàn bộ diện tích này.
Đối với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, trong trường hợp nước lũ dồn về nhiều cũng chưa đáng lo ngại vì hiện tại các máy bơm tiêu nước vẫn chưa hoạt động hết công suất và các địa phương đã chủ động cân đối lượng nước giữa vùng sản xuất cần và không cần nước.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá, trong bức tranh tối màu do bão số 3 gây ra vẫn có 1 tia sáng là diện tích lúa ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng ít bị ảnh hưởng, diện tích không thể khôi phục được không lớn. Nếu thời tiết không có biến động bất ngờ, không có các trận mưa lớn thì cơ bản sẽ bảo vệ được sản xuất theo kế hoạch. Những diện tích lúa không thể khôi phục, Cục đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân sau khi tình hình ổn định khẩn trương dọn dẹp đồng ruộng, chuyển đổi sang trồng các cây vụ đông ưa ấm để đảm bảo nguồn cung và thu nhập.
Đối với cây ăn quả, bão số 3 đã khiến 2 loại cây ăn quả là chuối và bưởi bị thiệt hại nặng nề. Đây là những mặt hàng rất cần cho thị trường Tết Nguyên đán và xuất khẩu, Cục đã có văn bản hướng dẫn các địa phương cách thức bảo vệ những diện tích còn an toàn, xử lý những diện tích bị thiệt hại.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo, với tình hình thời tiết như hiện tại thì bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn nguy cơ bùng phát rất cao. Những diện tích lúa bị đổ, người dân dựng buộc lên cần hết sức cảnh giác với rầy lứa 5 phát triển mạnh. Đặc biệt, do tác động của bão số 2, nhiều diện tích lúa tại các địa phương ĐBSH đã phải gieo cấy lại, dự kiến trỗ vào tháng 9-10 sẽ là những diện tích có nguy cơ bị dồn sâu bệnh.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y thông tin, mưa, lũ làm nguy cơ lây lan, phát tán các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tăng cao. Cục đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị sẵn các loại vật tư để ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương ngay sau bão thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm vacxin cho đàn vật nuôi; thắt chặt quản lý không để xảy ra hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam khi nhu cầu trong nước đang tăng cao.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, sức tàn phá của bão số 3 rất lớn, hoàn lưu bão diễn biến còn rất phức tạp. Do đó, để đảm bảo hoàn thành mục tiêu tăng tốc của ngành nông nghiệp, duy trì đà tăng trưởng, xuất khẩu trên cơ sở đảm bảo sinh kế, lợi nhuận của người dân và đảm bảo đủ nguồn cung cho Tết Nguyên đán, các đơn vị phải khẩn trương vào cuộc quyết liệt. Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai bám sát tình hình, liên tục đưa ra các cảnh báo, kịch bản có thể xảy ra để không bị động trong mọi tình huống.
Cục Trồng trọt, Cục BVTV bám sát diễn biến, hướng dẫn hỗ trợ địa phương nhanh chóng phục hồi sản xuất. Diện tích không khắc phục được phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng đảm bảo nguồn cung. Cục Thủy sản bám sát mục tiêu của ngành đạt 850.000 tấn nuôi biển, xuất khẩu đạt 800.000 USD -1 tỷ USD để đưa ra các giải pháp cụ thể khôi phục sản xuất. Sự cố tại Quảng Ninh tác động không nhỏ tới mục tiêu này, Cục phải cùng địa phương nhanh chóng kiểm đếm lại các cơ sở còn an toàn, hỗ trợ khôi phục sản xuất.
Cục Chăn nuôi, Cục Thú y tập trung tất cả các nguồn lực để kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm sau bão và tình trạng buôn lậu gia súc, gia cầm. Vụ Hợp tác quốc tế đẩy mạnh kết nối với các tổ chức, đơn vị quốc tế để huy động các nguồn lực hỗ trợ khắc phục sự cố sau bão.