| Hotline: 0983.970.780

Tết quê, người quê

Thứ Sáu 04/02/2022 , 07:40 (GMT+7)

Làng tôi, làng Vọc 'nghèo bền vững' một thời kề bên sông Châu, quê hương nhà thơ Nguyễn Khuyến. Giống như bao làng quê khác, chắt chiu, thuần hậu mà lãng mạn.

 

Đất nước mình hàng ngàn năm giặc dã, nụ cười, tiếng cười cũng giúp dân ta đi vào trận chiến lạc quan, bình tĩnh, như danh tướng Trần Hưng Đạo từng căn dặn binh sĩ: “Nhẹ nhàng như mưa ở trên không dựng nên cuộc đời vô sự”. Kẻ sĩ ngày xưa không chỉ lãng mạn mà có khi còn nổi máu “giang hồ vặt”. Mỗi dịp Tết đến, cái máu ấy bỗng dưng căng trào.

Nay ta bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gọi tắt là cách mạng 4.0, vẫn lãng mạn chứ, nhưng là lãng mạn của thời xã hội số, nền kinh tế số. Ngày Tết không còn pháo đùng, pháo tép, không cây nêu, câu đối thưa dần, thịt mỡ… ít người đụng đũa. Nhưng không khí Tết thì vẫn đậm đặc.

Mùa xuân có cùng với trái đất, đúng ra là nó được phân biệt từ khi loài người hiện đại (Homo sapiens), cách đây gần 200 nghìn năm, ở xứ nhiệt đới phân chia thành bốn mùa. Không có cái gì lặp lại nhiều đến thế nhưng chẳng bao giờ cũ. Không cũ và có khi còn lắm sự lạ, như Nhâm Dần này là cái Tết đặc biệt. Dịch Covid-19 bước sang năm thứ ba, vẫn diễn biến khôn lường. Người Hà Nội trước Tết đã ời ợi gọi nhau đi “tiêm mũi ba”.

Sang thế kỷ XXI đã hơn hai thập niên mà tôi không thể nào quên được những phong vị, dư âm Tết xưa. Đó là nét đẹp văn hóa trao truyền bao thế hệ. Dù có tiếp biến văn hóa, có du nhập văn hóa phương Đông hay phương Tây thì mình vẫn phải giữ cái gốc của mình.

Nhất là giữ đạo Hiếu của dân tộc, một truyền thống đặc sắc mà ít dân tộc nào trên thế giới có được. Nó có trong huyết quản, và trong các nghi lễ. Không chỉ người trong nước đâu, mà bà con ta làm ăn sinh sống ở nước ngoài cũng vậy. Trên bàn thờ cũng có mâm ngũ quả, mâm cỗ đầy đủ giò chả, dưa hành bánh chưng, nhưng không gì thay được hương quê, tình quê.

Phong tục Tết thiêng liêng lắm, nó là cái hồn dân tộc, là cái nết người Việt chúng mình, là cái “giấy thông hành” để những ai xa quê nhận ra nhau.  

Tôi vẫn nhớ những cái Tết cách đây hơn nửa thế kỷ ở làng. Khi ấy tôi còn là cậu bé. Cứ nhớ câu mẹ dặn: “Giàu nhà kho, no ba ngày Tết”. Tết đến thích nhất là được mặc quần áo mới, không may mới thì đem nhuộm lại quần áo cũ, có khi thiếu phẩm màu, quần áo cứ loang loang lổ lổ. Bốn, năm nhà “đụng” một lợn. Trẻ con háo hức chờ món lòng lợn, bưng bát nước xuýt vừa uống vừa thổi phù phù. Mồng Một mới được ăn thịt nấu đông, bánh chưng, chè kho.  Nhà giàu thì có thịt gà, giò nem ninh mọc…

Trước Tết, thầy tôi quét mấy nước vôi cho bốn bức tường căn nhà tranh trắng xóa. Trẻ con thay nhau quét từ sân ra ngõ, ra đến bậc cầu ao. Trong nhà treo bức tranh màu nước cảnh Côn Sơn, Kiếp Bạc và đôi câu đối chữ quốc ngữ, nhưng viết chữ tròn trong khuôn cái đĩa: Tết nổ pháo mừng Nam đại thắng Bắc đại thắng/Xuân dâng thơ chúc Đảng muôn năm Bác muôn năm. Có hộp mứt Tết đỏ rực, gói chè Hồng Đào, bao thuốc Tam Đảo bày ban thờ, thế là… xuân đã về.

Chao ôi là nhớ! Thế mà một dạo người ta ồn ào bàn chuyện bỏ Tết Nguyên Đán. Lý do nêu ra là nên theo các nước trên thế giới, tổ chức đón năm mới dương lịch thôi, cho nó đỡ tốn kém, mất thời giờ.

Chứ bây giờ ở ta ăn Tết theo phong tục cổ truyền rằng vui thì thật là vui nhưng kéo dài tới ba giai đoạn: trước Tết, trong Tết và sau Tết. Mỗi giai đoạn kéo dài mất nửa tháng. Sau Tết lại bước vào lễ hội giêng hai, “tháng giêng ăn nghiêng bồ thóc”. Thật ra, người nêu ý kiến bỏ Tết ta cũng có cái “lý”. Nhưng phần đông thì không tán thành. Thậm chí trên mạng xã hội, ý kiến phản đối rầm rầm.

 

Mạng xã hội bây giờ đúng là cái quán cà phê khổng lồ. Có chuyện gì nóng là rần rần suốt tuần lễ. Nhưng công bằng mà nói, “mạng” cũng là tâm trạng xã hội, là nơi để người ta bày tỏ thái độ, chính kiến. Rằng tại sao lại bỏ Tết? Bởi không phải chỉ có Việt Nam, chung quanh ta có Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… và một số nước khác, họ cũng đón Tết Nguyên đán như ta. Chưa thấy ở đâu bàn chuyện bỏ Tết ta.

Cái gì hợp lý thì nó tồn tại. Bản sắc văn hóa là gì nếu không phải là gìn giữ những phong tục, tập quán đẹp? Những cái Tết sum vầy, con cái quanh năm ăn đâu làm đâu cũng gắng về với gia đình; Những phong tục: Tiễn ông Táo về trời, đón giao thừa, thờ cúng tổ tiên, chúc tết ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn hữu, mừng tuổi, thật là đáng quý.

Lại còn tùy thuộc vào thời tiết, vào khung cảnh thiên nhiên nữa. Phải se se lạnh, phải là mưa xuân phơi phới bay, phải là hoa đào ý nhị cánh hồng tươi, là “đêm qua xuân trước một nhành mai” mới là xuân.  Phải là cuối Chạp đầu Giêng mới có cảnh: “Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa/Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa” (Chợ Tết - Đoàn Văn Cừ). Nếu tổ chức Tết theo lịch mặt trời không thể có khung cảnh thi vị này.

Những năm trước, không có dịch dã như bây giờ, trước Tết hai, ba tháng nhiều cặp vợ chồng trẻ đã bàn nhau đi chơi Tết ở nước ngoài, chủ yếu là các nước châu Á. Mục đích các chuyến đi vào dịp này chủ yếu là để thăm thú, thưởng ngoạn cảnh đẹp nước ngoài, xả stress, cả năm không mấy khi được nghỉ dài ngày như dịp Tết. Phơbách - nhà triết học cổ điển Đức nói rằng: “Người sống trong lâu đài nghĩ khác người ở nhà tranh”. Chúng ta không đem chiếc giày cũ để ướm vào chân người đương thời, mà cần điều chỉnh.

Tôi thường nghĩ về điều này mỗi khi nhìn đàn chim ri sà xuống đường rỉa lông vào buổi sáng mồng Một Tết ở Hà Nội. Không khí ngày Tết thay đổi nhưng đừng bao giờ để mất những thời khắc thiêng liêng trời đất giao hòa đón xuân mới, gia đình đoàn tụ, cùng thắp nén hương thơm nhớ về tổ tiên, ông bà, mong trời yên bể lặng, đất nước thái bình. 

Lúc này ta vẫn đang căng mình chống dịch Covid-19, thích ứng an toàn, bảo đảm hai chữ P là phục hồi và phát triển sản xuất. Cái vui của Tết này là cái vui tiết kiệm an toàn, rồi ra sau Tết sớm bắt tay vào làm ăn. Không ít gia đình gặp khó khăn, con cháu mồ côi cha mẹ vì dịch bệnh, vì thế làm giàu lòng nhân ái, chăm lo người nghèo, cô đơn, là tiếng gọi trong mỗi nhà, mỗi cộng đồng.

Và chúng ta mong ước mọi nhà đều có Tết. Tết đúng nghĩa của nó, vui tươi,  sum họp, tình người giàu thêm. Cùng với vật chất đầy đủ thì văn hóa cũng giàu thêm, truyền thống không bị đứt gãy. Nông thôn mới thì càng mới hơn. Nhà cao cửa rộng thì nếp nhà cũng phải cao thêm. Trước đây, nhà văn Nam Cao nói đại ý rằng, thế hệ sau sẽ lọc máu chúng ta trong trẻo lại, nhưng tại sao ngay bây giờ chúng ta không lọc máu mình.  

Xuân đến rồi xuân đi. Không gì quý bằng thời khắc hiện tại tưởng chừng cầm được trong tay. Người hành thiền chánh định quý nhất là ở đây, thời khắc này. Câu chuyện hay nhất là chuyện đang nói. Người đáng yêu nhất là người ngồi trước mặt ta đây. Hãy cứ đắm mình với Tết, làm mới mình cùng mùa xuân.

Ngày xưa, nhà thơ lớn Nguyễn Khuyến trong ngôi nhà ấm vườn Bùi từng cảm khái: “Ta ước gì được mãi như thế/Hễ hết Tết rồi, thời lại Tết!” (Cảnh Tết). Ngày mai còn khó nhiều bề. Nhưng hãy sống hết mình, tận hiến, ấy là hạnh phúc. Và mỗi năm Tết đến cho mỗi người niềm hi vọng mới, nhỏ thôi, bằng lòng với li nước trên tay, dẫu chỉ là li nước nhỏ và chưa đầy. Bằng lòng với bông hoa trên tay, dẫu chưa thật nồng nàn hương sắc. Đó là thì thầm mùa xuân!

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.