Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit cho biết, Hội đồng Chính sách ngành lúa gạo đã đồng thuận về việc tiếp tục cơ chế bảo đảm giá lúa gạo trong niên vụ 2021-2022, với các tiêu chí và biện pháp duy trì ổn định giá lúa gạo như niên vụ trước.
Tổng ngân sách phân bổ cho công tác này ước khoảng 88 tỷ baht (tương đương 2,63 tỷ USD). Trong số này, 80 tỷ baht được phân cho cơ chế đảm bảo giá lúa gạo, 8 tỷ baht còn lại dành cho cơ chế ổn định giá.
Quyết định này sẽ sớm được trình lên Hội đồng chính sách ngành gạo quốc gia, do Thủ tướng đứng đầu, trước khi gửi tới Quốc hội phê chuẩn.
Một trong những thu hoạch lớn nhất của nông dân, khi chương trình này được triển khai, là đảm bảo được thu nhập. Nông dân sẽ nhận khoản chênh lệch giữa giá gạo được ấn định và giá tham chiếu thay đổi mỗi 2 tuần một lần cùng với giá thị trường.
Cơ chế này áp dụng cho 5 loại gạo chính, gồm: gạo trắng độ ẩm 15%, gạo Hom Mali, gạo thơm Pathum Thani độ ẩm 15%, gạo nếp độ ẩm 15%, và gạo thơm đặc sản địa phương. Dự kiến, nông dân sẽ nhận 10.000 baht (khoảng 300 USD - 6,8 triệu đồng) cho mỗi tấn lúa gạo trắng độ ẩm 15%, giới hạn 30 tấn/ hộ gia đình hoặc 40 rai (tương đương diện tích 6,4ha).
Theo Phó Thủ tướng Thái Lan Jurin, trong niên vụ 2021-2022, tính từ tháng 10/2021 đến tháng 2/2022, Thái Lan ước đạt sản lượng 26 triệu tấn lúa, tăng 4% so với vụ hiện tại. Nguyên nhân bởi lượng mưa đầy đủ và diện tích trồng lúa tăng, do nhiều công nhân quay trở lại làm nông do dịch Covid-19.
Cùng với Việt Nam và Ấn Độ, Thái Lan nằm trong tốp 3 nhà xuất khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới. Từ đầu năm 2021, Bộ Thương mại nước này tích cực hợp tác cùng Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan để quảng bá sản phẩm gạo Thái bằng một chiến dịch mang tến “Nghĩ tới gạo, nghĩ tới Thái Lan”. Thành công ban đầu của Thái Lan đến ở thị trường Canada, khi lượng gạo xuất tới đây tăng 21% trong năm vừa qua.
Bên cạnh trợ giá lúa gạo, Thái Lan tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu hoa quả. Theo Thương vụ Việt Nam tại nước này, tổng kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan là 2,896 tỷ USD, tăng 42,21% so với cùng kỳ năm 2020.
Thị trường xuất khẩu hoa quả lớn nhất của Thái Lan vẫn là Trung Quốc, chiếm trên 83% tổng kim ngạch. Tiếp theo là Hồng Kông, Việt Nam, Malaysia và Hàn Quốc. Trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu hoa quả tươi Thái Lan sang Trung Quốc đạt 2,43 tỷ USD, tăng 71,11% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhờ cú hích từ hoa quả, xuất khẩu nông sản của Thái Lan tăng hơn 20% trong nửa đầu năm 2021. Các sản phẩm tăng trưởng mạnh nhất là, sầu riêng (tăng 58.24%), nhãn (51.43%), xoài (50.09%), chuối (18.59%), dứa (98.85%), và nhãn (32.35%).
Bộ Thương mại Thái Lan dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu hoa quả cả năm 2021 của Thái Lan sẽ tăng 66,8% so với năm 2020, đạt 5,53 tỷ USD.