| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: Tăng cường đảm bảo an toàn hồ đập

Thứ Ba 17/08/2021 , 09:35 (GMT+7)

Mặc dù được đánh giá là địa phương có nhiều cố gắng song công tác đảm bảo an toàn hồ đập tại Thái Nguyên cũng còn nhiều bất cập.

An toàn hồ chứa lớn

Với 260 hồ chứa nước lớn nhỏ và 529 đập dâng, Thái Nguyên là địa phương có số lượng hồ chứa đứng thứ 5 của miền Bắc và đứng thứ 9 trên cả nước. Theo phân cấp trước đây, Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi quản lý 40 công trình hồ lớn trên địa bàn. Số còn lại được giao cho địa phương quản lý. Việc phân cấp quản lý trực tiếp giúp cho những công trình có quy mô lớn được vận hành khá an toàn, hiệu quả.

Kiểm tra một cửa xả nước sản xuất tại Hồ Núi Cốc. Ảnh Đồng Văn Thưởng.

Kiểm tra một cửa xả nước sản xuất tại Hồ Núi Cốc. Ảnh Đồng Văn Thưởng.

Ông Nguyễn Xuân Thiêm (Trưởng phòng quản lý nước và công trình, Cty TNHH MTV khai thác thủy lợi Thái Nguyên) cho biết, trong số 40 hồ chứa quy mô lớn nhất, đơn vị đã hoàn thiện 100% hệ thống quan trắc đo mực nước hồ, 24/40 hồ có hệ thống đo mưa tại đầu mối.

Tại một số công trình, Công ty lắp đặt thiết bị đo lưu lượng thấm qua thân đập, đo lượng mưa tự động, thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du. Công ty đã lập quy trình bảo trì công trình, vận hành cửa van, điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành hồ chứa nước.

Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư như rọ thép, xe rùa, bao tải, phao cứu sinh, đá hộc… nhằm ứng phó với tình huống khẩn cấp. Đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và chủ động điều tiết nước đảm bảo dung tích phòng lũ.

Công ty thường xuyên đánh giá mức độ an toàn của công trình để kịp thời tu bổ, sửa chữa những hạng mục công trình xung yếu, phân công cụ thể cho từng cán bộ kỹ thuật chịu trách nhiệm theo dõi các hạng mục công trình. Trong những ngày mưa bão, thực hiện chế độ trực 24/24h, kiểm tra tất cả các hạng mục công trình, xử lý bước đầu những sự cố do mưa bão gây ra, báo cáo các cấp, các ngành xin ý kiến chỉ đạo.

Bất cập quản lý, vận hành hồ chứa nhỏ

Đánh giá thực trạng năng lực khai thác các công trình thủy lợi tại địa phương, vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện việc phân cấp lại và giao cho Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Thái Nguyên quản lý 195 công trình. Công ty đã tiến hành kiểm tra tổng thể để xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn hồ đập.

Bà Dương Thị Phương Liên (Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên) cho biết, qua kiểm tra cho thấy, một số công trình đang bị hư hỏng phần đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước, sân tiêu năng, hệ thống kênh mương...

Bên cạnh đó, các thiết bị cơ khí do lâu ngày đã bị ô-xi hóa, han gỉ, thủng, cần được đầu tư sửa chữa ngay để bảo đảm an toàn. Công ty đề nghị các cấp, các ngành tạo điều kiện về kinh phí để tiến hành sửa chữa, cải tạo kịp thời các công trình thủy lợi nhằm bảo đảm an toàn và cấp nước cho sản xuất.

Thân đập hồ Núi Cốc đã lâu năm, xuống cấp, nên luôn được các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cắt cử cán bộ thường xuyên kiểm tra trước mỗi mùa mưa bão. Ảnh Đồng Văn Thưởng

Thân đập hồ Núi Cốc đã lâu năm, xuống cấp, nên luôn được các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cắt cử cán bộ thường xuyên kiểm tra trước mỗi mùa mưa bão. Ảnh Đồng Văn Thưởng

Ông Nguyễn Văn Bắc (Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Thái Nguyên) cho biết, hầu hết các hồ chứa nhỏ trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, đa phần là đập đất, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.

Trước đây, các công trình nhỏ được giao cho địa phương quản lý. Địa phương lại giao cho hợp tác xã, nhóm hợp tác nên chưa có kiến thức, kinh nghiệm vận hành, khai thác hồ, đập. Trong khi đó, vẫn còn tình trạng người dân lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn công trình thuỷ lợi dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hồ đập.

Đặc biệt, việc quan trắc mực nước hồ chứa hàng ngày và theo dõi diễn biến về thấm, rò rỉ nước trong thân đập vẫn được thực hiện chủ yếu bằng mắt thường. Điều này dẫn đến việc kiểm soát, theo dõi mực nước tại các hồ chứa không chính xác. Chi cục Thủy lợi lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn và tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí sửa chữa, khắc phục.

Trong năm 2021, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, vốn tài trợ của Hiệp hội Phát triển Quốc tế, đã có một số hồ chứa lớn trên được đầu tư sửa chữa như: Hồ Suối Lạnh, xã Thành Công và hồ Núi Trẽ, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên); hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn (T.P Sông Công)...

Có thể nói, là địa phương có số lượng hồ đập lớn lại thuộc các địa bàn có độ dốc cao nên Thái Nguyên luôn thường trực đảm bảo an toàn cao nhất cho các hồ đập. Việc phân cấp lại để giao thêm các công trình cho đơn vị có đủ năng lực quản lý, vận hành cũng sẽ góp phần hạn chế dần những bất cập của hình thức quản lý trước đây.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.