Mô hình khai thác tốt cần nhân rộng
Việc khai thác, chế biến khoáng sản quy mô, bài bản, khoa học như mô hình Công ty TNHH khai thác chế biên khoáng sản Núi Pháo (Cty Núi Pháo) hiện đang cần nhân rộng tại Thái Nguyên, bởi việc sản xuất phải gắn với bảo vệ môi trường được thực hiện khá tốt, vừa là trách nhiệm của doanh nghiệp, vừa là sự phát triển bền vững của Cty và sinh tồn của cộng đồng.
Do đó, việc tuân thủ quy định pháp luật về môi trường như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường, hồ sơ xin xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, xả nước thải vào nguồn nước… luôn được Cty đặc biệt quan tâm.
Tất cả các hồ sơ về môi trường sẽ được Núi Pháo giao cho các đơn vị chức năng cùng kiểm tra, đánh giá thường xuyên, công khai thông tin về môi trường, trên tinh thần tốt cho sức khỏe của cộng đồng, chính là tốt cho sức khỏe người lao động, người được hưởng lợi đầu tiên chính là những người đang lao động trực tiếp và gián tiếp tại Cty Núi Pháo.
Việc kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm tại hiện trường khai thác, chế biến cũng được Cty quan tâm như: Đầu tư công trình bảo vệ môi trường tiên tiến hiện đại để xử lý kiểm soát ô nhiễm. Toàn bộ nước thải được Cty thu gom, khi xử lý đạt quy chuẩn mới xả ra môi trường. Các loại chất thải sinh hoạt, chất thải thông thường và chất thải nguy hại được thu gom, phân loại tại nguồn và chuyển giao cho nhà thầu đủ chức năng xử lý.
Tại mỏ Núi Pháo, nước thải được xử lý đạt quy chuẩn tại Trạm xử lý nước thải tập trung, đồng thời tăng cường tái sử dụng nguồn nước, hạn chế thải ra môi trường. Về đất đá thải, Cty tận dụng tối đa đất đá thải sạch để thi công đập chứa đuôi quặng và các công trình xây dựng nội mỏ khác.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Núi Pháo đã đầu tư lớn cho các dự án phục hồi, cải tạo môi trường mỏ và vùng phụ cận. Ngoài ra, đã trồng cây, cỏ phục hồi được gần 70ha các sườn bãi thải, các khu vực bị đào đắp.
Không chỉ quan tâm khai thác, chế biến khoáng sản nhằm đem về lợi ích cho doanh nghiệp, mỗi năm Núi Pháo đã dành chút lợi nhuận cho công tác cộng đồng, qua đó đã làm được khá nhiều việc tốt như: Hỗ trợ công tác khuyến nông cho 450 hộ gia đình với mô hình 95 ha chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, ủng hộ được gần 13km đường đường điện, 8,2km đường giao thông nông thôn, 500m kênh mương, hàng trăm suất học bổng, hàng chục ngôi nhà tình nghĩa và hàng nghìn việc làm nghĩa tình, tri ân thông qua các hoạt động thiện nguyện của doanh nghiệp, nhằm làm tốt phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội…
Đặc biệt, doanh nghiệp đã tạo việc làm thường xuyên, lâu dài cho 946 lao động bị ảnh hưởng do khai thác mỏ Núi Pháo, chiếm tới 65% lao động tại Cty Núi Pháo, với mức thu nhập ổn định là 11,9 triệu đồng/người/tháng, đảm bảo đời sống người dân bị ảnh hưởng từ việc nhường đất ở, đất sản xuất cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản.
Cần hạn chế ô nhiễm môi trường khai khoáng
Nhiều mỏ khai thác than, mỏ sắt tại Thái Nguyên đã có tuổi thọ từ 60 đến gần 80 năm như: Mỏ sắt Trại Cau được khai thác từ năm 1963 của thế kỷ trước, mỏ sắt Trại Cau đã góp phần tạo ra hàng chục nghìn việc làm cho công nhân khai thác và công nhân kỹ thuật làm việc tại Khu Liên hợp gang thép Thái Nguyên, góp phần tạo nên đỉnh cao của Công nghiệp nặng tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, việc khai thác lâu năm, cùng với độ sâu của mỏ được tăng dần theo năm tháng, biến moong khai thác thành lòng hồ cạn giữa khu ruộng đồi rộng lớn, để lại hàng loạt hệ lụy cho người dân sống gần mỏ. Từ ô nhiễm nguồn nước, khói bụi, tiếng ồn… cuối cùng là sụt lún ruộng, mất nước trồng cấy, nước sinh hoạt của các hộ dân quanh khu vực mỏ, làm cho người dân không yên tâm mỗi khi mỏ sắt nổ mìn phá đá lấy quặng.
Đầu năm 2020 đến nay, mỏ sắt Trại Cau tạm dừng khai thác tầng sâu Núi Quặng để giải quyết hệ lụy do nứt nhà, sụt lún ruộng của dân. Người dân sống gần mỏ rất vui mừng, vì đó là niềm mơ ước hàng chục năm qua của họ, bởi người dân đã chịu rất nhiều thiệt thòi từ cảnh khói bụi, tiếng ồn cùng khí thải của phương tiện vận tải quặng gây ô nhiễm, rồi hư hại đường xá.
Già tuổi khai thác hơn cả là mỏ than Phấn Mễ, đã trên 75 năm (thành lập năm 1945) khai thác. Năm 2012, mỏ Phấn Mễ gây chấn động dư luận xã hội trong, ngoài nước khi bị sạt lở bãi đổ thải đã vùi lấp nhiều diện tích lúa, màu, ao cá… đặc biệt là vùi lấp nhiều nhà dân, làm 7 người chết dưới đống đổ nát.
Thiết nghĩ, việc khai thác tài nguyên phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước là rất cần thiết, nhưng không thể mãi vì lợi ích kinh tế của doanh nghiệp mà bỏ qua lợi ích của nông dân sinh sống gần mỏ.