| Hotline: 0983.970.780

Cao Bằng kết nối cung cầu lao động trong mùa dịch

Thứ Ba 17/08/2021 , 07:40 (GMT+7)

Cao Bằng có lượng công nhân đi làm tại các tỉnh, thành phố trong cả nước khá lớn nên việc kết nối cung cầu lao động được tỉnh quan tâm triển khai hàng năm.

Công ty Cổ phần Gang thép Cao Bằng là đơn vị có số lượng người lao động đông nhất tỉnh Cao Bằng. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty triển khai nhiều giải pháp vừa chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh, giữ ổn định công việc cho người lao động.

Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, công ty đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật công nghệ phù hợp, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong đại dịch.

Dù dịch bệnh căng thẳng mấy tháng qua nhưng công ty vẫn đảm bảo duy trì việc làm cho 815 người lao động với lương bình quân 8,9 triệu đồng/người/tháng. Tất cả người lao động tại công ty đều rất yên tâm khi được đảm bảo công việc, các chế độ lương, thưởng, bảo hiểm.

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và tìm việc làm mới tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cao Bằng. Ảnh: C.H.

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và tìm việc làm mới tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cao Bằng. Ảnh: C.H.

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Cao Bằng có khoảng 16.000 người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Dương.

Chị Lý Thị Quế, xã Dân Chủ, huyện Hòa An có thời gian làm việc 4 năm tại Công ty Samsung Bắc Ninh và Thái Nguyên. Vừa qua, chị hết thời gian ký hợp đồng lao động và trở về địa phương chia sẻ: "Tôi vừa đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp và được hưởng 3 tháng trợ cấp, mỗi tháng hơn 3,5 triệu đồng. Mức trợ cấp này sẽ hỗ trợ tôi duy trì cuộc sống trong thời gian đăng ký tìm việc làm mới tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Mong rằng thời gian tới tôi sẽ sớm có việc làm mới để trang trải cuộc sống sinh hoạt hàng ngày".

Tính từ đầu năm đến hết tháng 7, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cao Bằng đã tư vấn chính sách lao động việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và sử dụng lao động được 7.500 lượt. Qua tư vấn đã có hơn 600 lao động tìm được việc làm.

Giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 1.100 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đào tạo nghề miễn phí cho 17 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong 367 người lao động từ Bắc Giang trở về tỉnh, đã có 100 người lao động quay lại công ty cũ làm việc, 54 người đang chờ để quay lại làm việc.

Bà Đặng Thị Long Biên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cao Bằng thông tin: Thời điểm dịch bệnh căng thẳng mấy tháng vừa qua, không ít người lao động đi làm tại các tỉnh, thành phố trong cả nước bị ảnh hưởng, mất việc. Ngoài ra, đội ngũ lao động tự do, mùa vụ trong tỉnh mất việc tại các nhà hàng, quán ăn vì phải nghỉ do đóng cửa. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều giải pháp tích cực để hỗ trợ giúp đảm bảo quyền lợi của người lao động trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nhằm duy trì hoạt động kết nối việc làm trong đợt dịch, Trung tâm đẩy mạnh tư vấn trực tuyến qua các ứng dụng công nghệ mạng xã hội facebook, zalo, xây dựng các bản tin thị trường lao động hàng tháng.

"Thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được phục hồi thì nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ có xu hướng tăng cao. Trung tâm sẽ tiếp tục đa dạng hóa các kênh thông tin về thị trường lao động phù hợp như chuyển từ tư vấn, phỏng vấn trực tiếp sang kết nối bằng giao dịch online nhằm tư vấn, giới thiệu, hỗ trợ giúp người lao động tìm kiếm những công việc phù hợp, có thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn trong mùa dịch", bà Biên cho biết thêm.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.