| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 04/07/2019 , 08:58 (GMT+7)

08:58 - 04/07/2019

Tham nhũng vặt, hậu quả lớn

Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, đang được lần lượt triển khai ở các cấp cơ sở. 

Hình minh họa.

Đối tượng chấn chỉnh của Chỉ thị số 10 chính là những cán bộ, viên chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở pháp luật cũng như lợi dụng sự thiếu hiểu biết về chính sách ở một bộ phận người dân để “hành là chính”, để vòi vĩnh.

Hậu quả nhãn tiền của biểu hiện trên là trực tiếp làm xói mòn lòng tin của cộng đồng văn minh, và gián tiếp cản trở sự phát triển kinh tế đất nước.

Nói cho cụ thể, Chỉ thị số 10 nhằm mục đích chống tham nhũng vặt, với những dấu hiệu dễ nhìn thấy là nạn phong bì lót tay khi xin nhập học, khám chữa bệnh, thi bằng lái xe, làm giấy tờ nhà đất…

Tuy khoản tiền tham nhũng vặt không lớn nhưng càng ngày càng trở thành vấn nạn nhức nhối, như khẳng định của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình: “Hậu quả tham nhũng vặt rất nặng nề, không kém gì tham nhũng lớn. Những công chức hư hỏng tạo ra tình trạng này lại có số lượng không nhỏ và rải rác khắp nơi”.

Như vậy, nhận diện tham nhũng vặt thì đơn giản, nhưng đối phó tham nhũng vặt thì nhiều thách thức cho cả hai phía, người đưa lợi ích và người nhận lợi ích. Ai cũng muốn nhanh chóng và thuận lợi cho bản thân, bất chấp nguyên tắc và lý lẽ, thì chiêu trò “bánh ít đi, bánh quy lại” vẫn tác oai tác quái.

Chỉ thị số 10 yêu cầu các địa phương và các ban ngành phải công khai địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử và tổ chức tiếp nhận, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo. Nếu có lỗi thì phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm theo đúng quy định.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là người dân và doanh nghiệp có chịu đựng được chuỗi ngày mệt mỏi để đòi sự công bằng hay không, khi xung quanh vẫn quá nhiều thủ tục rắc rối mà mỗi cấp có thể giải thích theo một cách khác nhau theo mưu tính “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”. Cái kinh nghiệm “được vạ thì má đã sưng” rất thấm thía đối với những ai từng chạy ngược chạy xuôi khiếu nại thái độ phục vụ của những người làm dịch vụ hành chính công.

Muốn chấm dứt tình trạng ấy, chỉ có cách nâng cao ý thức trách nhiệm và vai trò đấu tranh trong nội bộ cơ quan công quyền. Khi cấp trên không nêu gương thì cấp dưới cũng ranh ma theo kiểu “sông giàu đằng sông, bể giàu đằng bể”, và mọi tiêu cực nảy nở trăm ngàn biến tấu khác nhau.

Muốn đánh giá đầy đủ tác hại của tham nhũng vặt, thì không chỉ nhìn vào cái phong bì dày mỏng, mà phải nhìn vào sự sụt lở đạo đức xã hội. Liệu có thể chống tham nhũng vặt khi các loại “cò” chen chúc ở những địa điểm dịch vụ hành chính công, và không ít cán bộ viên chức vẫn nhìn “cò” bằng ánh mắt thiện cảm hơn rất nhiều so với cách tiếp xúc những người dân bình thường?

Bình luận mới nhất