| Hotline: 0983.970.780

Tham vọng xây dựng 'thủ phủ' hải sâm cát đầu tiên trên thế giới

Thứ Ba 01/11/2022 , 22:21 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Hải sâm cát là loài có giá trị kinh tế, dễ nuôi, rủi ro dịch bệnh thấp, thân thiện với môi trường, đặc biệt vốn đầu tư thấp nhưng tỷ suất lợi nhuận cao.

Công nghệ sản xuất giống hải sâm hàng đầu thế giới

Ngày 1/11, Tổng cục Thủy sản cùng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa và Công ty Cổ phần Hải sâm Việt Nam đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất hải sâm cát bền vững.

Viện III đã làm chủ công nghệ hàng đầu thế giới về sản xuất hải sâm cát. Ảnh: KS.

Viện III đã làm chủ công nghệ hàng đầu thế giới về sản xuất hải sâm cát. Ảnh: KS.

TS Nguyễn Đình Quang Duy, chuyên gia nghiên cứu về hải sâm, thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Viện III) cho biết, hải sâm cát là đối tượng có giá trị kinh tế, dễ nuôi, rủi ro dịch bệnh thấp, thân thiện với môi trường, đặc biệt vốn đầu tư thấp nhưng tỷ suất lợi nhuận cao. Chúng có thể nuôi đơn hoặc nuôi ghép với nhiều đối tượng khác.

Theo TS Nguyễn Đình Quang Duy, trước đây, hải sâm cát trong tự nhiên ở các vùng ven biển Việt Nam rất nhiều, tuy nhiên do khai thác quá mức nên hiện nay đã cạn kiệt.

Năm 2005, Viện III đã có đề tài về nghiên cứu sản xuất giống hải sâm cát, cùng với hoàn thành quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm vào năm 2008. Tuy nhiên giai đoạn sau, hải sâm không còn người nuôi thả nữa do giá thu mua thấp, cũng như chất lượng con giống không đáp ứng nhu cầu nuôi.

Năm 2017, Viện III được Bộ NN-PTNT tiếp tục giao đề tài hoàn thiện quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm hải sâm cát. Đến nay, Viện III đã hoàn toàn làm chủ công nghệ hàng đầu thế giới về sản xuất giống hải sâm cát.

Khu sản xuất hải sâm cát của Viện III tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Khu sản xuất hải sâm cát của Viện III tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Ông Lê Thanh Nhàn, Giám đốc Công ty Cổ phần Hải sâm Việt Nam cho biết, hiện trên thế giới có 1.400 loài hải sâm, nhưng có 40 loài ăn được. Trong đó, theo nghiên cứu thị trường của Bộ Nông nghiệp Úc thì hải sâm cát là mặt hàng có giá trị cao nhất trong các loại hải sâm.

Hiện tại Singapore cũng là thị trường lớn về tiêu thụ hải sâm, qua khảo sát, hải sâm cát được bán chiếm đến 90% và giá rất cao. Bởi giá trị dinh dưỡng, giá trị kinh tế của loài hải sâm này rất cao, nhất là chứa nhiều thành phần collagen.

Theo ông Thanh Nhàn, kinh nghiệm sau 20 năm nghiên cứu của TS Nguyễn Đình Quang Duy và sau 3 năm Công ty triển khai nuôi đã xác định vùng nuôi hải sâm tốt nhất tại Việt Nam là từ Bình Thuận đến Quảng Ngãi vì độ mặn, nhiệt độ ổn định. Những vùng miền Bắc dù độ mặn ổn, nhưng nhiệt độ không ổn nên việc nuôi hải sâm bị còi đi hoặc ngủ đông. Hơn nữa, miền Trung có nhiều diện tích đầm, vịnh kín gió nên hải sâm nuôi không bị trôi đi, ăn nhiều nên nuôi nhanh lớn.

Mô hình nuôi hải sâm cát tại xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh. Ảnh: KS.

Mô hình nuôi hải sâm cát tại xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh. Ảnh: KS.

“Qua 3 năm, Công ty triển khai mô hình nuôi hải sâm cát tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) và Phú Yên, nông dân thả nuôi có lợi nhuận rất cao. Chúng tôi đánh giá sau 3 năm, nông dân lợi nhuận từ 30 - 80% sau thời gian nuôi. Công ty bán con giống cho nông dân và ký cam kết bao tiêu 100% sản phẩm và bắt buộc nông dân phải bán sản phẩm cho Công ty chứ không bán đi đâu”, ông Nhàn chia sẻ và cho biết thêm, Công ty cung cấp giống cho người nuôi khoảng 3 ngàn đồng/con và sau 6 - 8 tháng nuôi sẽ thu mua với giá từ 28 - 30 ngàn đồng/con.

Mục tiêu vùng nuôi 3.500ha

Theo Giám đốc Công ty Cổ phần Hải sâm Việt Nam, trong kế hoạch, từ nay đến năm 2025, Công ty muốn tạo thu nhập và công ăn việc làm ổn định cho 3.500 hộ ngư dân nuôi hải sâm; đồng thời xây dựng “thủ phủ” hải sâm cát đầu tiên trên thế giới. Bởi hiện tại Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về công nghệ sản xuất giống và sản phẩm chế biến rất chất lượng nên rất triển vọng.

Hơn nữa, Công ty đã xây dựng xong nhà máy chế biến hải sâm hiện đại nhất Đông Nam Á vào 7/2022, với vốn đầu tư 5 triệu USD, công suất 900 tấn thương phẩm/năm. Vì vậy, sản phẩm chế biến ra có thể cạnh tranh với chất lượng sản phẩm dòng cao cấp của Trung Quốc.

Các đơn vị họp bàn giải pháp xây dựng chuỗi sản xuất hải sâm cát bền vững. Ảnh: KS.

Các đơn vị họp bàn giải pháp xây dựng chuỗi sản xuất hải sâm cát bền vững. Ảnh: KS.

Do đó, đến năm 2025 - 2026, Công ty sẽ xây dựng thương hiệu quốc gia về mặt hàng hải sâm. Cùng với đó, phát triển dòng sản phẩm hải sâm ăn liền, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Đồng thời đến năm 2025, Công ty sẽ tạo 70 triệu cá thể hải sâm, với 3.500ha vùng nuôi, 90 triệu con giống, 45ha trại giống và tạo công ăn việc làm cho khoảng 3.500 hộ gia đình.

Tuy nhiên để đạt mục tiêu trên, Công ty đề xuất chính quyền, cơ quan chức năng hỗ trợ quy hoạch vùng sản xuất con giống và vùng nuôi chiến lược 50 - 100ha; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp gỡ vướng, đưa hải sâm cát ra nhóm nhuyễn thể 2 mảnh vỏ. Bởi thức ăn giữa 2 loài này khác nhau, theo đó hải sâm cát ăn mùn đáy, còn loài hai mảnh vỏ ăn tảo. Vì thế, nếu xếp hải sâm cát vào nhóm nhuyễn thể thì việc xây dựng vùng nuôi sẽ rất khó. Bên cạnh đó, cần đưa hải sâm cát ra khỏi nhóm động vật hoang dã quý hiếm bởi chúng là loài nuôi.

“Hiện tại, Công ty có đầu ra sản phẩm, các nước đều mở cửa hải sâm cát. Các nước Đài Loan, Hồng Kông, Úc đều không kiểm soát hải sâm Việt Nam, tức là nhập vào không cần giấy phép. Tuy nhiên doanh nghiệp lại vướng không xuất được sản phẩm do đây là loài được xếp vào danh mục động vật hoang dã quý hiếm”, lãnh đạo Công ty Cổ phần Hải sâm Việt Nam nêu khó khăn.

Hải sâm cát dễ nuôi, rủi ro thấp và thân thiện môi trường. Ảnh: KS.

Hải sâm cát dễ nuôi, rủi ro thấp và thân thiện môi trường. Ảnh: KS.

Sau khi nghe các ý kiến, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, hiện chúng ta đã làm chủ cộng nghệ sản xuất giống và có đầu ra, vấn đề bây giờ là làm sao tổ chức sản xuất hải sâm thành chuỗi ngành hàng bền vững. Hiện nay, dọc miền Trung có nhiều diện tích ao nuôi tôm không hiệu quả có thể thả nuôi đối tượng này để vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa cải tạo môi trường, giúp người nuôi ổn định cuộc sống. Đối với vướng mắc của doanh nghiệp, Tổng cục Thủy sản sẽ có ý kiến với cơ quan chức năng để sớm tháo gỡ.

Theo ông Trần Đình Luân, trong phát triển nuôi biển, việc đa dạng đối tượng nuôi và phù hợp với điều kiện sinh thái rất quan trọng. Do đó, các địa phương cần phải xác định cho bà con vùng nuôi đối tượng nào cho phù hợp để họ tránh rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, trong tổ chức sản xuất, phải tạo ra mạng lưới với nhau để tạo ra sản phẩm mới chiếm lĩnh được thị trường.

Đối với phát triển vùng nuôi hải sâm cát, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản đề nghị Viện III tiếp tục rà soát vùng nuôi, điều kiện nuôi, hình thức nuôi hải sâm cát phù hợp, cùng với đề xuất coi đối tượng này là một đối tượng nuôi biển trọng điểm ở dải miền Trung.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.