| Hotline: 0983.970.780

Thành cổ Tà Kơn ngủ vùi trong truyền thuyết

Thứ Hai 25/08/2008 , 12:00 (GMT+7)

Bình Định có khu tường thành cổ mênh mông, ghép toàn bằng đá phiến tên là Tà Kơn, được cho là cứ điểm bí mật của nhà Tây Sơn vẫn chưa được mấy người biết đến. Đến nay, khu tường thành này vẫn còn ngủ vùi trong truyền thuyết.

Bình Định có khu tường thành cổ mênh mông, ghép toàn bằng đá phiến tên là Tà Kơn, nằm trong khu rừng già cạnh làng KonBlo, xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh được cho là cứ điểm bí mật của nhà Tây Sơn vẫn chưa được mấy người biết đến. Đến nay, khu tường thành này vẫn còn ngủ vùi trong truyền thuyết. Lần theo nhiều truyền thuyết, chúng tôi tìm về những dấu tích còn sót lại của thành cổ kỳ bí này.

Bài I: Tà Kơn qua những lời kể

Việc xây dựng Tà Kơn vẫn còn là điều bí ẩn

Thành Tà Kơn trong lòng người Bana

Mọi hy vọng tìm hiểu về thành cổ Tà Kơn, chúng tôi đặt trọn vào những người con của làng KonBlo, làng người dân tộc Ba Na, nơi “cư ngụ” của thành cổ Ta Kơn.

Trong làng chỉ có 3 người có thể kể về truyền thuyết của thành Tà Kơn. Nhưng già làng tên là Bok Ghi, năm nay đã hơn 100 tuổi, tai điếc, không thể trò chuyện được. Vậy là hy vọng cuối cùng chúng tôi đặt cả vào già làng Đinh Quyên - Bí thư chi bộ làng KonBlo và già làng Đinh Chương - Phó Bí thư chi bộ.

Già Đinh Chương cho biết, theo ngôn ngữ của người Ba Na, Tà Kơn có nghĩa là “chồng lên nhau” ý muốn nói đến những hòn đá được xếp chồng lên nhau rất kì bí.

Theo các già làng, Tà Kơn xưa kia vốn là ngôi nhà của ba anh em: Trum, Trăm và Bia Tơni. Họ là hai ông vua, còn người em út Bia Tơni là một công chúa xinh đẹp, thông minh. Một vị vua xứ khác tên là Bok Tơpơnka có ý định cầu hôn Bia Tơni, nhưng đó là vị vua ác, không được công chúa yêu và hai người anh đã từ chối lời cầu hôn. Không cưới được nàng công chúa xinh đẹp, vua Bok Tơpơnka nảy sinh ý chiếm đoạt, liền kéo quân đánh thành Tà Kơn.

Khi quân binh đánh thành kéo đến thì mặt trời sắp lặn nên hai vua giữ thành liền bảo với Bok Tơpơnka: “Cũng đã muộn rồi, để chúng tôi nấu cơm cho binh lính của ngài ăn lấy lại sức mai đánh nhau”. Thế rồi họ sai người lấy sừng trâu nấu với bí đao thật nhuyễn phân phát cho quân địch. Khi nước sừng trâu nguội, cô quánh lại làm thắt ruột binh lính của Bok Tơpơnka. Không còn quân binh để đánh chiếm thành, Bok Tơpơnka định bỏ chạy thì hai vị vua Trum và Trăm giữ lại, đòi tỉ thí phân định hơn thua mà không dùng đến vũ khí. Đầu tiên, mỗi bên thả ra một con sóc, con nào kêu to hơn là bên ấy thắng. Con sóc của Bok Tơpơnka “bị câm” nên vị vua giữ thành thắng. Sau đó mỗi bên thả ra một con gà trống và chỉ con gà của vua Trum là gáy được nên Bok Tơpơnka lại thua.

Tiếp đến là mỗi bên trồng một cây chuối, vừa trồng xong là cây chuối của vua Trum liền ra hoa còn cây chuối của Bok Tơpơnka cứ đứng rũ nên phần thắng liên tục thuộc về Trum. Bị thua bẽ mặt, Bok Tơpơnka tiếp tục huy động binh lính đánh thành và đã bị hai anh em Trum, Trăm chặt làm 3 khúc. Nhưng Bok Tơpơnka lấy đầu ngựa gắn vào đầu mình, lấy thân thuyền làm bằng đá gắn vào làm chân của mình và sống dậy.

Chị Hơ Đan - Trưởng phòng Văn hoá thông tin huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) nói: “Thành cổ Tà Kơn đẹp lắm nhưng chính quyền địa phương, các cấp ngành văn hoá, lịch sử… không có kế hoạch bảo tồn và cũng chưa có một công trình nghiên cứu nào về thành cổ này. Đến nay thành cổ cũng chỉ là một khối đá khổng lồ chưa được đánh thức và nhiều nơi đã bắt đầu sạt lở”.

Hai vị vua Trum, Trăm hoảng loạn phá thành, đạp nóc nhà và bỏ chạy về hướng biển Đông rồi biến mất, còn công chúa Bia Tơni đi về đồi KônSơrut (làng K2, xã Vĩnh Sơn), giờ nơi ấy người ta gọi là Vườn cam Nguyễn Huệ. Sau đó, người làng Kon Blò không biết gì về 3 anh em nhà vua nữa. Nhưng hàng năm người làng đều mang đến thành Tà Kơn một con dê để cầu xin 3 anh em nhà vua bảo hộ cho dân làng.

Già làng Đinh Quyên kể thêm một truyền thuyết khác: “Ngày xưa, trong làng có nàng Hơ-bia rất xinh đẹp. Thần núi đem lòng yên và muốn lấy nàng làm vợ. Thần núi rất xấu trai, thần có khuôn mặt bằng đá, dưới cằm có yếm như yếm bò cái. Khi đội quân của thần núi kéo đến, nàng Hơ-bia bèn dùng trí thông minh để thử tài và yêu cầu nếu thần vượt qua được ba cuộc thử tài của nàng thì sẽ chấp nhận lấy thần. Lần thử thứ nhất là lấy nước đổ vào gùi, làm sao cho nước đừng chảy; thứ hai là lấy vỏ chuối đem trồng cho mọc thành cây và thứ ba là lấy con gà chặt đầu rồi phơi khô mà gà vẫn sống. Cả ba lần thần núi đều vượt qua được, hai người thành vợ chồng và cùng nhau xây nên thành Tà-Kơn này”.  

Cứ điểm bí mật của nhà Tây Sơn?

Khác với truyền thuyết của người Ba Na, nhiều người dân tại địa phương cho rằng thành cổ Tà Kơn do anh em nhà Tây Sơn xây dựng trong thời kỳ đầu của cuộc khởi nghĩa. Ông Tô Thành Việt - Phó Ban Dân vận Huyện uỷ Vĩnh Thạnh, một người rất am tường lịch sử địa phương, cho rằng: “Mặc dù những câu chuyện của già làng Kon Blo không ăn khớp với những cứ liệu lịch sử của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn tại khu vực này nhưng theo ý kiến chủ quan của tôi, thành Tà Kơn chính là cứ điểm bí mật mang tính chiến lược của nhà Tây Sơn. Lúc chưa phất cờ khởi binh, Nguyễn Nhạc từng đi buôn bán trầu dọc theo sông Kôn đến nơi đây. Khi 3 anh em chiêu binh mãi mã, người Ba Na hưởng ứng rất mạnh mẽ và đã cùng với anh em nhà Tây Sơn dựng nên thành cổ này để làm cứ điểm bí mật.

Những năm đầu khởi binh, ba anh em nhà Tây Sơn từng ở Vĩnh Thạnh để tiếp cận với bầy ngựa hoang ở Hòn Cong (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) mà thuần phục chúng phục vụ cho quân đội. Trong quá trình hoạt động, Nguyễn Nhạc cũng đã lấy người thiếp, con gái của già làng người dân tộc Ba Na ở làng Tú Thuỷ (An Khê - Gia Lai), được gọi là Cô Hầu.

Thành Tà Kơn là cứ điểm bí mật cao nhất của Tây Sơn thượng đạo, phía dưới đó, dãy núi thuộc địa bàn thôn Tiên Thuận, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn còn có căn cứ ém quân của quân Tây Sơn để chuẩn bị chiến dịch đánh  thành Quy Nhơn giờ được gọi là núi Ông Bình, núi Ông Nhạc (theo tên của Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc). Dưới đó một chút nữa, chỗ Cầu 15 (thuộc Quốc lộ 19) lúc bấy giờ là nơi phát lương cho quân binh Tây Sơn nên bây giờ người ta gọi là núi Phát Lương.

Hơn nữa, theo dòng lịch sử dân tộc, tại vùng Bình Định này từ xưa đến nay chưa có vị anh hùng dân tộc nào khởi nghĩa ngoài anh em nhà Tây Sơn nên có thể khẳng định thành Tà Kơn là do nhà Tây Sơn xây dựng. Ngoài 3 anh em họ ra, không một ai đủ sức để xây một thành trì hoành tráng như thế.

Sừng sững tồn tại giữa nhiều truyền thuyết, thành cổ Tà Kơn giờ vẫn còn là một bí ẩn của lịch sử đang chờ được khám phá. (Còn nữa)

Xem thêm
Diễn viên Bình An thoát nạn khỏi đám cháy

Tối 17/5, đám cháy bùng phát tại toà nhà ở số 1174 Đường Láng(Hà Nội) khiến nhiều người bị mắc kẹt, trong đó có diễn viên nổi tiếng Bình An

Lần thứ 4 vô địch liên tiếp Ngoại hạng Anh cho Man City?

Ngoại hạng Anh đã bước đến vòng đấu cuối, cuộc đua tìm ra nhà vô địch vẫn đang vô cùng căng thẳng, Man City lợi thế hơn Arsenal 2 điểm.

Quang Hải sang Nhật Bản?

Tiền vệ Quang Hải sẽ rời CLB CAHN vào cuối mùa giải này khi hợp đồng đôi bên đáo hạn, nhằm chuẩn bị cho bước tiếp theo trong sự nghiệp.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.