| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa dấu ấn 10 năm: [Bài 1] Thực tiễn phù hợp và sáng tạo đột phá

Thứ Ba 01/10/2019 , 08:55 (GMT+7)

Cùng với cả nước, Thanh Hóa bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM) trong điều kiện ngổn ngang khó khăn, chồng chất vất vả.

Số lượng xã làm NTM nhiều nhất cả nước (573 xã); có 7 huyện nghèo 30a và 100 xã đặc biệt khó khăn. Thời điểm 2010, bình quân toàn tỉnh mới đạt 4,7 tiêu chí/xã nhưng hôm nay đã có 5 huyện và 322 xã đạt chuẩn NTM.

16-31-36_pho_thu_tuong_vuong_dinh_hue_tro_bng_cong_nhn_dt_chun_ntm_cho_huyen_qung_xuong_tinh_thnh_ho
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao bằng công nhận đạt chuẩn NTM cho huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Kết quả này đã vượt 2,6% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và gần đạt chỉ tiêu Trung ương giao. So với khu vực Bắc Trung bộ thì đã cao hơn 6,5%. Bình quân toàn tỉnh đạt 17 tiêu chí/xã, cao hơn 1,3 tiêu chí so với bình quân chung toàn quốc.
 

2 phù hợp, 3 sáng tạo

Là tỉnh đất rộng, người đông, Thanh Hóa xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống cho nhân dân; coi đó là cả một chặng đường dài bền bỉ với trách nhiệm cao của mỗi người dân đến cán bộ. Đề cập đến thành tựu 10 năm xây dựng NTM, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, có được kết quả này, phải nhấn mạnh đến 2 phù hợp và 3 sáng tạo.

Điều kiện phù hợp theo lý giải của ông Quyền đó là Thanh Hóa chủ trương xây dựng NTM gắn chặt với phát triển nông nghiệp. Điều này thể hiện rõ trong quyết tâm của Đảng bộ, được ghi rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh ở hai nhiệm kỳ (17 và 18), coi chương trình phát triển nông nghiệp là một trong 5 chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh.

Hai là, với chủ trương, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, xây dựng NTM phải gắn với xây dựng con người kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu; cơ quan, đơn vị, thôn, làng, xã, huyện, tỉnh kiểu mẫu. Theo đó, tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí kiểu mẫu, phát động và tổ chức tốt phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM, xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhấn mạnh về 3 sáng tạo mà Thanh Hóa đã làm, góp phần vào thành công chung của cả nước trong lý luận và thực tiễn, ông Nguyễn Đức Quyền cho biết: Một là, Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên thực hiện quy hoạch NTM 3 trong 1.

Trước đây, mỗi xã 3 quy hoạch (gồm quy hoạch sử dụng đất, khu dân cư, phát triển sản xuất) do 3 Bộ hướng dẫn. Song Thanh Hóa đã mạnh dạn quy hoạch 3 nội dung này vào trong 1 quy hoạch. Kết quả này, sau đó Trung ương đã nghiên cứu, đánh giá và sớm ban hành một quy chuẩn chung cho 1 quy hoạch như cách Thanh Hóa làm.

Hai là, trong điều kiện Thanh Hóa có nhiều xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc 11 huyện miền núi. Do đó, từ năm 2014, tỉnh đã định hướng chỉ đạo và ban hành bộ tiêu chí thôn bản NTM của tỉnh, nhờ đó, đã tạo được phong trào xây dựng NTM sâu, rộng và thu được kết quả quan trọng, giúp các địa phương miền núi, đặc biệt khó khăn sớm có kết quả trong xây dựng NTM, được Trung ương đánh giá cao và chỉ đạo triển khai toàn quốc.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 592/1.659 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM, vượt 16% so với mục tiêu.

Thông qua thực hiện xây dựng NTM cấp thôn, bản, đã giúp người dân khu vực miền núi phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tự giác hơn trong công việc của mình, giảm phụ thuộc, trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của nhà nước. Các thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM đã góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM ở cấp xã.

Cùng với việc xây dựng thôn, bản NTM trên diện rộng, tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí thôn, bản NTM kiểu mẫu và chủ trương triển khai xây dựng thí điểm 6 thôn NTM kiểu mẫu. Đến nay đã có 02 thôn được công nhận đạt thôn NTM kiểu mẫu; các thôn còn lại cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM kiểu mẫu theo quy định.

Ba là, để tạo điều kiện về nguồn lực trong thực hiện xây dựng NTM, ngay từ khi triển khai, tỉnh đa chủ động ban hành cơ chế, chính sách riêng từ nguồn ngân sách tỉnh để khuyến khích các huyện, xã, thôn bản phấn đấu, thi đua trong xây dựng NTM; đồng thời, ngay từ năm 2011, tỉnh đã có cơ chế để lại 100% nguồn thu từ cấp quyền sử dụng đất cho cấp huyện, cấp xã để tạo nguồn lực cho các địa phương xây dựng NTM.

Sau gần 10 năm xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn Thanh Hóa giảm từ 27% năm 2010 xuống còn khoảng 3,7% năm 2019. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 8,9 triệu đồng năm 2010 lên 32,5 triệu đồng năm 2018, ước năm 2019 đạt 37,6 triệu đồng. Có 1 huyện (Như Xuân) ra khỏi danh sách huyện 30a; có 5/100 xã và 55/181 thôn bản hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.

Là người trực tiếp chỉ đạo và gắn bó nhiều năm liền với ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Đức Quyền chia sẻ điều để lại ấn tượng lớn nhất trong ông về công cuộc xây dựng NTM chính là lòng dân và nhận thức của người cán bộ được nâng lên rõ nét.

Ông nói, có nhiều chương trình hành động được phát huy nhưng NTM thực sự có ý nghĩa thiết thực nhất đối với đời sống nông thôn. Ở đó cả cán bộ và người dân cùng làm, cùng được thụ hưởng.

Chính vì điều này thành quả mang lại đã làm thay đổi rõ nét về cảnh quan làng quê, sức sản xuất, kinh tế vườn hộ có bước phát triển tốt, thu nhập và đời sống của nhân dân được nâng lên rất lớn. Vì thế, khi đánh giá hoàn thành tiêu chí NTM, Thanh Hóa coi tiêu chí sự hài lòng của người dân như là một tiêu chí cứng, tiêu chí thứ 20.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Quyền, cái được lớn thứ hai từ thành quả NTM mang lại chính là tình yêu quê hương ngày một sắt son hơn của những người xa xứ.

“Tôi cảm nhận được sâu sắc tình cảm của những người con xa quê khi trở về làng sau nhiều năm bôn ba. Mỗi lần về quê, họ thấy được sự đổi thay từng ngày ở làng quê và chính họ đã dốc tâm sức, tiền của cùng quê hương xây dựng cuộc sống mới”, ông Quyền trầm ngâm và cảm nhận rằng, có lẽ đó là điều ông thấy ấm áp từ thành quả xây dựng NTM mang lại.
 

Nông nghiệp chuyển dịch, nông thôn đổi mới, nông dân ấm no

Nhìn lại chặng đường gần 10 năm qua, có thể thấy, chủ trương, hướng đi, cách làm của Thanh Hóa rất phù hợp cả trong lý luận và thực tiễn. Chúng ta có thể thấy, sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển ổn định và đạt kết quả khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa.

16-31-36_ong_nguyen_duc_quyen
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền chia sẻ điều để lại ấn tượng lớn nhất trong ông về công cuộc xây dựng NTM chính là lòng dân và nhận thức của cán bộ được nâng lên rõ nét.

Đến hết năm 2018, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản tỉnh Thanh Hóa chiếm 12,72% trong tổng GRDP toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2010-2019 đạt 2,3%/năm (ước năm 2019 tăng 2,7%).

Sản xuất trồng trọt đạt kết quả cao, sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 1,6 triệu tấn. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển đổi linh hoạt 30.000 ha cây trồng kém hiệu quả, năng suất thấp sang các loại cây trồng có giá trị cao; xây dựng được 35.000 ha mô hình cánh đồng mẫu lớn và 36.000 ha mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Chăn nuôi chuyển sang tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao (nhất là phát triển trang trại). Nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, bền vững. Sản xuất thuỷ sản tăng trưởng khá. Toàn tỉnh có 7.445 tàu cá với tổng công suất đạt 576.000 CV, trong đó 1.800 tàu khai thác xa bờ và 340 tổ đoàn kết trên biển. Sản xuất lâm nghiệp phát triển, tỷ lệ che phủ rừng đạt 53%, tăng 5,8% so với năm 2010.

Công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn có bước phát triển mạnh. Toàn tỉnh có 770 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó, có 66 doanh nghiệp may mặc, da giầy, tạo việc làm cho trên 80.000 lao động nông thôn. Có 69 nhà máy chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân; 155 làng nghề thu hút hàng ngàn lao động. Có 45 cụm công nghiệp thu hút 35.000 lao động nông thôn. Bình quân mức thu nhập của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, các cụm công nghiệp, làng nghề dao động từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Phát triển kinh tế hợp tác, liên kết trong nông nghiệp được đẩy mạnh. Toàn tỉnh hiện có 958 trang trại; 898 tổ hợp tác và 1.000 HTX, trong đó có 69% HTX hoạt động có hiệu quả. Triển khai xây dựng 10 mô hình HTX kiểu mới.

Với quan điểm: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; xây dựng NTM là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt; người nông dân là chủ thể”; Thanh Hóa xác định xây dựng NTM phải gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng NTM để nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân; đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường, xây dựng NTM bền vững.

Chương trình “Mỗi xã một sản phảm” (OCOP) được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. UBND tỉnh chủ trương đưa các sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh. Hiện các địa phương đang hướng dẫn các tổ chức kinh tế đăng ký tham gia chương trình OCOP thường niên, phấn đấu năm 2019, có ít nhất 30 sản phẩm được phân hạng từ 3 sao trở lên.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Đưa sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn thị trường quốc tế

Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu là cơ hội để các chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước.