Nội dung cuộc trò chuyện xoay quanh những thành quả, vướng mắc và đưa ra các kiến nghị để địa phương tiếp tục phát huy sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Dũng. |
Sau 10 năm năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Hòa Bình đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?
Sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hòa Bình đã đạt được kết quả khả quản, các nội dung trọng tâm của chương trình được triển khai hiệu quả mang lại những kết quả rõ nét.
Công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát huy hiệu quả đã tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ các cấp và nhân dân. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn.
Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã và đang được thực hiện quyết liệt tại các địa phương, các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được triển khai bước đầu đạt hiệu quả. Từ đó, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hoá tập trung tại huyện Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Thủy... đem lại thu nhập cao cho người dân các địa phương bình quân từ 200 - 450 triệu đồng/ha/vụ.
Ông có thể cụ thể hóa những thành tựu này hơn không?
Hiện tỉnh Hoà Bình có 82/191 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 40,9% tổng số xã của tỉnh, tăng 82 xã đạt chuẩn nông thôn mới so với năm 2011 và tăng 51 xã so với kết quả đến hết năm 2015.
Về đơn vị cấp huyện, Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Lương Sơn đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tăng 2 đơn vị cấp huyện so với xuất phát điểm năm 2011 và kết quả đến hết năm 2015.
Ngoài ra, bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 15 tiêu chí/xã, tăng bình quân 10,6 tiêu chí/xã so với năm 2011, tăng bình quân 3,5 tiêu chí/xã so với kết quả đến hết năm 2015 và toàn tỉnh không có xã dưới 10 tiêu chí.
Đến nay, toàn tỉnh xây mới và nâng cấp, sửa chữa được 717 công trình hạ tầng giao thông nông thôn và xây mới, nâng cấp, sửa chữa nhựa hóa, bê tông hóa được hơn 4.000km đường giao thông nông thôn, nâng tỷ lệ số km đường giao thông nông thôn đạt chuẩn lên hơn 6.000km.
Bên cạnh đó, các công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất được đầu tư nâng cấp, cải tạo. Công tác đảm bảo về phòng, chống thiên tai tại chỗ được các địa phương quan tâm thực hiện. Kết quả, Hòa Bình có 178/191 xã đạt tiêu chí 3 về thủy lợi, tăng 169 xã so với năm 2010, tăng 67 xã so với năm 2015.
Đáng chú ý, tỉnh có 191/191 xã đạt tiêu chí số 4 về điện (đạt 100%), tăng 96 xã so với năm 2010, tăng 32 xã đạt tiêu chí so với năm 2015.
10 năm qua, với nguồn vốn hơn 1.000 tỷ đồng, Hòa Bình xây mới 706 công trình nhà văn hoá, khu thể thao xã và nhà văn hoá, khu thể thao thôn, đưa 97/191 xã đạt tiêu chí số 6 về Cơ sở vật chất văn hóa.
Đặc biệt, công tác vận động các cơ quan, tổ chức hỗ trợ xóa nhà tạm được chú trọng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân chỉnh trang, xây dựng nhà cửa khang trang, sạch đẹp, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng.
Trên đây là những gì mà Hòa Bình đã đạt được sau 20 năm nỗ lực, nhưng ông có thể chia sẻ thêm về những hạn chế, tồn tại của tỉnh trong việc xây dựng nông thôn mới?
Ở Hòa Bình, nhiều địa phương còn khó khăn, đặc biệt là các thôn, bản vùng sâu, vùng xa nên nhìn chung kết quả xây dựng nông thôn mới còn khoảng cách chênh lệch khá lớn, có xu hướng nới rộng khoảng cách giữa các huyện trong tỉnh.
Ngoài ra, nhu cầu xây dựng nông thôn mới của các xã đặc biệt khó khăn là rất lớn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng nhưng khả năng huy động nguồn lực còn rất hạn chế.
Trồng hoa lan cho thu nhập cao ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình). |
Về nông nghiệp, một số lĩnh vực, sản phẩm quy mô còn nhỏ, sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp, giá trị gia tăng chưa cao.
Một số vấn đề nữa là phát triển sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng, tích tụ, tập trung ruộng đất; công tác thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế.
Thêm một lý do khách quan nữa là thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại về tài sản, con người và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Tạm gác những hạn chế, khó khăn trên qua một bên, chính quyền Hòa Bình đã có dự định gì cho phát triển chương trình sau 10 năm đầu tiên xây dựng nông thôn mới, thưa ông?
Chúng tôi phấn đấu đến năm 2020 số xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới trên khoảng 85 xã. Các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Từ đó, mâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt 36 triệu đồng/người/năm trở lên.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hòa Bình sẽ phát huy những kết quả đạt được của giai đoạn 10 năm để đề ra được Chương trình, mục tiêu cụ thể sát với tình hình thực tế, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới ở các thôn, bản khó khăn; phát động các phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện được những mục tiêu trên, ông có kiến nghị gì cho các cấp lãnh đạo để hỗ trợ Hòa Bình hơn nữa trong thời gian tới?
Hòa Bình mong muốn có cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội, phát triển sản xuất cho khu vực nông thôn miền núi do điều kiện phát triển hạ tầng xã hội của vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, địa hình phức tạp nên xuất đầu tư xây dựng các công trình lớn.
Đây là những khu vực có điểm xuất phát so với tiêu chí thấp, thường chịu ảnh hưởng nặng do thiên tai, mưa lũ kéo dài làm hư hỏng rất nhiều các công trình hạ tầng nông thôn tại các xã trên địa bàn tỉnh.
Xin cảm ơn ông!