Thanh Hóa là tỉnh có nhiều thuận lợi về tài nguyên nước ngọt với tổng lượng dòng chảy hàng năm là 22,46 tỷ m3. Có 4 lưu vực sông chính gồm sông Mã, sông Chu, sông Hoạt, sông Yên, sông Bạng với tổng chiều dài 881km, tổng diện tích lưu vực là 31.101km2.
Tuy nhiên, theo ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&-PTNT tỉnh Thanh Hóa, tài nguyên nước hiện nay chịu nhiều tác động từ phát triển thượng nguồn, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sự gia tăng về tần suất và mức độ của các hình thái thời tiết cực đoan như mưa lớn, hạn hán, xâm nhập mặn,... cùng những hạn chế về chủ quan như đầu tư hạ tầng cấp nước, khai thác rừng, dòng sông...
Bên cạnh đó, tổng lượng dòng chảy hàng năm sinh ra khoảng hơn 20 - 21 tỷ m3 nhưng nguồn nước phân bố không đồng đều theo không gian và thời gian dẫn đến tình trạng căng thẳng gia tăng về nước theo mùa với sự bất cân đối giữa cung - cầu.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã sửa chữa, nâng cấp được 268 công trình đầu mối (gồm 83 hồ chứa nước, 122 đập dâng, 63 trạm bơm tưới, tiêu các loại) và kiên cố được 1.563km kênh mương, nâng tổng chiều dài kênh mương được kiên cố hóa lên 8.364km/15.556km, đạt 53%.
Để chủ động nguồn nước, nhất là nước mặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng có tính chất cực đoan, khó lường, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt đạt được mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đến năm 2025, Thanh Hóa sẽ thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, tài nguyên nước đóng vai trò quyết định thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.