Qua ghi nhận thực tế, huyện Yên Định là một trong những địa phương bị tác động nặng nề nhất. Thống kê bước đầu cho thấy, mưa liên tục với lưu lượng lớn trong những ngày qua đã “nhấn chìm” trên 137 ha lúa, hơn 2.500 ha ngô, 1.453 ha rau màu, trên 1.012 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản. Đáng nói hơn, có gần 100/875 trang trại, gia trại tổng hợp trên địa bàn bị ngập sâu, số lượng gia súc, gia cầm “bơi” trong biển nước ước tính lên đến hàng ngàn con.
Trại giam số 5 tại Nông trường Thống Nhất có 2 hệ thống chuồng trại với quy mô khoảng 4.000 con lợn, hiện toàn bộ diện tích đều bị ngập sâu. Mặc dù chính quyền địa phương và các đơn vị chuyên ngành đã tích cực triển khai ứng phó nhưng gần như lực bất tòng tâm.
Trại giam số 5 đang bị chia cắt hoàn toàn, quá trình vận chuyển 4.000 con lợn ra ngoài chưa thể làm được |
Theo phản ánh của người dân, mức độ mưa bão lần này có quy mô tương đương, thậm chí lớn hơn trận lũ lịch sử năm 1996. Vẫn chưa hết bàng hoàng, anh Mai Văn Công, trú tại xã Yên Bái cho biết: “Mọi thứ chuyển biến quá nhanh khiến chúng tôi chẳng biết đường nào mà lần. Mưa xối xả từ ngày 9/10, đến tối hôm sau (10/10) thì ngập trắng băng hết cả, nhiều điểm nước dâng đến 50 cm.
Toàn bộ 1ha ao nuôi cá đã mất trắng, lúc này gia đình đang tập trung kêu gọi người thân, bạn bè gia cố hệ thống chuồng trại, đồng thời dùng máy bơm tích cực hút nước ra ngoài để cứu đàn lợn gồm 25 nái và 200 thịt. Với tình hình này mọi phương án đối phó chỉ mang tính chất cầm cự tạm thời, nếu vẫn cứ mưa thì nguy cơ mất trắng là khó tránh khỏi”.
Lúc này, hàng chục hộ dân tham gia mô hình trang trại tại xã Định Công cũng đang sống trong tình trạng bất an tột độ. Tính ra 30 ha ao nuôi cùng 2.600 con ngan, hơn 10.000 con vịt, 3.000 con gà, hơn 500 con lợn hiện “chấp chới” trong mưa bão.
Tại xã Vạn Xuân, nước vẫn tiếp tục dâng cao, hàng chục ha hoa màu, cây cối bị ngập chìm. Khoảng 300 hộ dân tại thôn Quạn, Hang Cáu, Khằm, Nhồng và 2 xóm Cây Dừa, Vũng Càu bị nước lũ chia cắt. Tại xã Xuân Cẩm có 5 thôn với gần 400 hộ dân bị cô lập trong nước, cầu treo làng Mạ (thôn Thanh Xuân) bị đứt giây neo, các mố cầu bị sạt lở nghiêm trọng. Hiện tại xã đang cử người tiếp cận với các khu vực bị ngập lụt để triển khai phương án di dân đến nơi an toàn.
Gia đình anh Mai Văn Công, trú xã Yên Bái, huyện Yên Định đang rất lo lắng cho số phận của đàn lợn |
Tại xã Yên Nhân, hoàn lưu của cơn bão số 2 đã cuốn trôi “con tràn” duy nhất nằm trên con đường độc đạo dẫn vào bản Mỵ và bản Khong khiến 383 hộ dân, với hơn 1.000 nhân khẩu rơi vào tình cảnh cô lập hoàn toàn.
Còn tại huyện Vĩnh Lộc, theo Phòng NN- PTNT huyện, đã có 1.913,6/2.186,4 ha diện tích gieo trồng bị thiệt hại, trong đó cây ngô là 1.580,6 ha; đậu tương 30 ha; ớt 118 ha; rau màu khác trên 300 ha. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản thiệt hại 497,2 ha...
Tại huyện Thường Xuân sạt lở diễn ra rất nghiêm trọng, đất đá từ trên núi đổ xuống đã làm sập nhiều nhà dân khiến 3 người tử vong, gồm 2 trường hợp tại thôn Chiềng, xã Yên Nhân (anh Vi Văn Chiến, SN 1989 và người con 2 tuổi) và 1 tại xã Bát Mọt (chị Lê Thị Hà, SN 1974). Ngoài ra, trên địa bàn cũng ghi nhận 2 trường hợp mất liên lạc. |