Thiên tai tàn khốc
Tỉnh Thanh Hóa có 102 km bờ biển, trải dài trên 6 huyện, thị xã, thành phố gồm: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, thành phố Sầm Sơn và thị xã Nghi Sơn.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, Thanh Hóa cũng là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, dẫn đến hiện tượng sạt lở, xâm thực, bào mòn bờ biển, gây thiệt hại lớn về giao thông, diện tích đất ở, đất nuôi trồng thủy sản của nhân dân...
Là người góp phần làm đẹp Khu du lịch biển Hải Tiến, ông Lê Xuân Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hải Tiến còn nhớ như in cảnh tượng hàng loạt cơn bão đổ bổ vào đất liền, gây thiệt hại lớn đối với người dân vùng biển.
Ông Thảo kể: “Cách đây khoảng 20 năm về trước, vùng biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vẫn còn là khu vực hoang sơ, heo hút. Người dân địa phương năm nào cũng phải hứng chịu những cơn bão đổ bộ có sức tàn phá khủng khiếp. Trước tình thế đó, nhiều người dân tìm mọi cách di chuyển vào sâu bên trong làng để tránh trú trước cơn cuồng nộ nơi “đầu sóng ngọn gió”.
Năm 2005, cơn bão giật cấp 12 đã kéo nhiều ha đất ra biển, cuốn đi 4000 – 5000 cây dừa, thiệt hại về tài sản rất lớn về tài sản của người dân. Tiếp đến là trận bão năm 2017 kết hợp triều cường, phá hủy bờ kè, ăn sâu đất liền khoảng 30m. Cá nhân ông Thảo đã bỏ cả chục tỷ đồng để làm hệ thống kè biển với chiều dài 1,2 km để ngăn nước biển xâm thực.
Theo Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa (Sở NN-PTNT), vài năm trở lại đây, hiện tượng nước biển xâm thực vào đất liền gây ra nhiều hệ lụy đối với đời sống, sản xuất của người dân. Điển hình như các năm 2015, 2016 xảy ra hiện tượng sạt lở bờ biển Quảng Nham (Quảng Xương), chiều dài khoảng 2km; sạt lở bờ biển phố Hồng Thắng, phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn chiều dài khoảng 200m.
Ông Trần Văn Long, Chủ tịch UBND xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương) cho biết, xã có hơn 5km đường bờ biển thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu và nước biển xâm thực. Tổng chiều dài bờ biển từng bị xâm thực lên tới hơn 2km. Hiện tại, các vị trí xung yếu dọc bờ biển xã Quảng Nham đã được nhà nước đầu tư, xây dựng kiên cố.
“Trước đây, mỗi năm nước biển xâm thực vào đất liền trung bình từ 5 đến 10m. Nếu không kè chắn sóng, nước biển đã ăn sâu vào đất liền, xâm lấn đường dân sinh”, ông Trần Văn Long cho hay.
Đặc biệt, thời gian gần đây, hiện tượng nước biển xâm thực mạnh diễn ra ở thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, đe dọa đến an toàn, tính mạng và tài sản của hàng chục hộ dân nơi đây.
Theo thống kê của UBND xã Hoằng Phụ, khoảng tháng 6, tháng 7 năm 2022 trở lại đây, các đợt triều cường, gió mạnh gây sóng lớn, dòng chảy diễn biến phức tạp nên bờ biển phía bắc cửa Lạch Hới thuộc thôn Tân Xuân bị sạt lở, xâm thực trên chiều dài khoảng 1,5km, chiều rộng tính từ mé nước tới đất liền khoảng 150m. Hiện tượng nước biển xâm thực đã “nuốt” hơn 20 ha đất tại địa phương này.
Trước tình hình sạt lở trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, xâm thực bờ biển khu vực cửa Lạch Hới thuộc thôn Tân Xuân xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa và giao nhiệm vụ cho địa phương và các ngành liên quan thực hiện biện pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước, nhân dân.
Ứng phó với biến đổi khí hậu ra sao?
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt, khó lường và không tuân theo quy luật, đã gây thiệt hại hết sức nặng nề, về người, tài sản, môi trường sinh thái, tác động sâu sắc tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Báo cáo của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa cho biết, giai đoạn 2016 - 2021, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chịu ảnh hưởng của 123 trận thiên tai làm 80 người chết, 24 người mất tích, 23 người bị thương, gây thiệt hại kinh tế cho tỉnh khoảng 10.100 tỷ đồng. Riêng tình trạng biển xâm thực đã lấy đi chục ha đất ven biển.
Hiện tại, toàn tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư tu bổ nâng cấp được 43 km đê biển, đảm bảo chống được gió bão cấp 10, với mức triều tần suất 5%; riêng đoạn đê, kè I-Vích của huyện Hậu Lộc bảo vệ trực tiếp khu vực dân cư được thiết kế chống được gió bão cấp 12.
Ngoài các tuyến đê biển nêu trên, hiện có khoảng 10,5 km tường, kè bảo vệ bờ biển mới được đầu tư xây dựng gồm: Tường, kè qua khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến; kè bảo vệ bờ biển thôn Tân, xã Quảng Nham; tường kè bảo vệ bờ biển đoạn qua khu vực FLC Sầm Sơn). Còn lại các vị trí đường bờ biển khác chưa có đê, kè bảo vệ (các vị trí này chủ yếu đi qua núi, khu du lịch, khu kinh tế hoặc các dải cồn cát cao và rừng phi lao bảo vệ).
Theo tìm hiểu của NNVN, chỉ riêng trong vòng 5 năm (2017-2021), tổng khi phí cho công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh tỉnh Thanh Hóa lên tới hơn 3,1 nghìn tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu phòng chống lụt bão tại các địa phương trong tỉnh. Trong giai đoạn 2022-2025, dự kiến tổng mức đầu tư cho các dự án thuộc kế hoạch phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khoảng 10 nghìn tỷ đồng.
Ghi nhận tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho thấy, từ năm 2014 đến nay, đã có 582 hộ dân được hỗ trợ vốn làm nhà ở đảm bảo an toàn trước thiên tai với tổng số tiền hơn 62 tỷ đồng. Trong đó 8 xã ven biển của huyện được hỗ trợ hơn 18 tỷ đồng từ quỹ Khí hậu xanh (GCF). Đến nay, các hộ dân đã có nhà cửa kiên cố, đảm bảo ổn định cuộc sống...
Ông Khương Anh Tấn, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi cho rằng, việc phân bổ kinh phí phòng chống thiên tai trong thời gian qua thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung.
“Đây là tiền đề rất quan trọng để chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa; các cấp, các ngành trong tỉnh ngày càng chủ động hơn trong công tác phòng, chống thiên tai, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững”, ông Tấn cho hay.
Cùng với đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2022-2025, tỉnh Thanh Hóa nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai; ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra...
Nói về hiện tượng nước biển xâm thực tại nhiều địa phương ven biển trong thời gian qua, ông Khương Anh Tấn, cho rằng, cần xem xét đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân, đồng thời đưa ra các giải pháp ứng phó, đảm bảo sự phát triển bền vững.
“Việc sạt lở khu vực ven biển do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, để đánh giá được chính xác nguyên nhân dẫn đến hiện tượng biển xâm thực cũng như đưa ra dự báo cho tương lai, cần phải khảo sát, nghiên cứu bài bản, khoa học, có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực khí tượng thủy văn, địa chất, môi trường… qua đó đưa ra giải pháp ứng phó, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay”, ông Tấn cho biết.
Quan trọng nhất là dự báo!
"Trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, quan trong nhất là năng lực dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn. Dự báo đúng mới có định hướng đúng, chủ trương đúng. Do vây, trước những thách thức đặt ra, phải xem nguyên nhân nào là chính và tác động đến vấn đề xã hội ra sao, từ đó đưa ra giải pháp để chủ động ứng phó, phòng ngừa. Ngoài ra, người đứng đầu cần nâng cao năng lực lắng nghe dân và phân tích các vấn đề phản ánh của dân về các hiện tượng, sự cố sạt lở trên cơ sở khoa học để tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục...", PGS. Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.