| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa: Xuất khẩu thủy sản ngừng trệ đến bao giờ?

Thứ Ba 26/11/2019 , 10:05 (GMT+7)

Thanh Hóa có diện tích nuôi trồng và sản lượng khai thác lớn. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc chủ yếu qua tiểu ngạch.

Cơ sở chế biến đóng băng

Xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia những ngày cuối tháng 11. Tàu khai thác nằm bờ do ảnh hưởng của không khí lạnh; những cơ sở chế biến, sơ chế hải sản gần như không hoạt động.

Người dân Hải Bình cho hay, thời điểm này vài năm trước, hoạt động chế biến, sơ chế hải sản diễn ra khá rầm rộ nhưng năm nay hải sản mất mùa, các cơ sở cũng gần như đóng cửa.

Ông Vũ Văn Sỹ, chủ Cơ sở Chế biến hải sản Sỹ Giang, thôn Tiền Phong, cho hay, chưa năm nào không khí chế biến lại ảm đạm như năm nay.

Nhiều cơ sở chế biến, sơ chế hải sản xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đói nguyên liệu

“Năm nay, thu mua được bao nhiêu chúng tôi sơ chế, chủ yếu nội tiêu trong tỉnh, trong nước. Trước đây, tôi có sơ chế một số chủng loại cá như chim, mú, bò, hố, chuyển lên cho các đối tác ở Lạng Sơn. Sau đó, họ xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Nhưng năm nay hàng ít, vừa rồi lại bị cấm hẳn đường tiểu ngạch nên không làm ăn được” – ông Sỹ cho hay.

Cũng theo ông Sỹ, gần như tất cả các cơ sở chế biến, sơ chế hải sản ở huyện Tĩnh Gia đều chỉ xuất khẩu hàng qua Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch. Xuất khẩu tiểu ngạch giá cả bấp bênh, nhu cầu thay đổi liên tục nên tiểu thương thường chịu thiệt đơn thiệt kép. Những năm trước, cơ sở của ông thu mua, xuất được hàng trăm tấn hàng nhưng hết năm 2019 giảm chỉ còn vài chục tấn.

Ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Hải Bình cho hay, tại địa phương hiện có 3 công ty chế biến hải sản lớn. Tuy nhiên, những công ty này chủ yếu xuất sang thị trường châu Âu. Năm 2019, sản lượng đánh bắt của ngư dân Hải Bình giảm 20% nên các công ty cũng đói nguyên liệu. Khi được hỏi, các công ty, cơ sở chế biến tại địa phương có xuất khẩu được hàng sang Trung Quốc không, ông Sơn cho biết, trước đây có một vài cơ sở nhưng nay gần như không hoạt động.
 

Ngao Thanh Hóa chưa tìm được đường sang Trung Quốc

Tại Thanh Hóa, ngao được nuôi chủ yếu tại các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Tĩnh Gia… Sản lượng ngao nuôi hàng năm tại Thanh Hóa lên đến hàng chục nghìn tấn. Đây được đánh giá là nguồn lực rất lớn phát triển kinh tế biển tại Thanh Hóa. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, với việc phát triển diện tích nuôi ồ ạt, không tuân thủ quy trình nuôi, người nuôi ngao tại Thanh Hóa liên tiếp bị thất bát do ngao nuôi bị chết. Không những thế, ngao nuôi tại Thanh Hóa chủ yếu nội tiêu trong tỉnh và trong nước, giá trị chưa như triển vọng.

Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa là một đơn vị lớn trong việc sơ chế xuất khẩu ngao. Hiện công ty thu mua ngao đạt tiêu chuẩn tại các tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định. Nguồn cung khá dồi dào nhưng lâu nay công ty chủ yếu chế biến ngao đông lạnh xuất đi các thị trường châu Âu (80%), châu Mỹ, và một số nước châu Á (không có Trung Quốc).

Nói về thông tin ngao Việt Nam được mở đường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, bà Trịnh Thị Cúc, Giám đốc công ty cho biết, trước đây, công ty đã từng làm việc với một số đối tác Trung Quốc để xúc tiến xuất khẩu ngao sang thị trường tiềm năng này. Tuy nhiên, các đối tác từ chối vì thời điểm đó, phía Trung Quốc chưa cho ngao Việt Nam nhập khẩu vào họ.

Con ngao Thanh Hóa vẫn chưa tìm được đường đi vào thị trường Trung Quốc

“Đó rõ ràng là một thị trường tiềm năng và chúng tôi luôn theo đuổi. Khi chúng tôi xuất khẩu được sang châu Âu thì đương nhiên cũng đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện chúng tôi đang xuất khẩu ngao đông lạnh trong khi Trung Quốc muốn thu mua ngao sống. Trước mắt công ty chúng tôi đang tập trung phát triển thị trường châu Âu, châu Mỹ và một số nước châu Á chứ chưa mở được thị trường sang Trung Quốc” – bà Cúc cho hay.

Được biết, mỗi năm Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa thu mua của người nuôi ngao Thanh Hóa trên đưới 3 nghìn tấn ngao thương phẩm. Tuy nhiên, Thanh Hóa hiện chưa được đưa vào vùng đã kiểm soát nên chủ yếu để nội tiêu hoặc xuất sang những thị trường dễ tính.

Theo bà Trịnh Thị Cúc, ngao hiện đã được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cũng như vùng biển Việt Nam còn nhiều hải sản có thể xuất khẩu vào thị trường này nên là điều doanh nghiệp thủy sản nào cũng sẽ hết sức quan tâm. 

Thanh Hóa hiện có trên 750 ha nuôi ngao, tập trung tại các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia… Diện tích tiềm năng nuôi ngao có thể lên tới 1.500 ha. Theo bà Trịnh Thị Cúc, nếu Thanh Hóa được cấp chứng chỉ MFC thì sản lượng thua mua của công ty có thể tăng lên 45.000 tấn/năm. Và khi đó, sản lượng, chất lượng ngao Thanh Hóa có thể đáp ứng xuất khẩu bất kỳ thị trường nào chứ không riêng gì Trung Quốc.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

WinCommerce hướng đến mục tiêu 4.000 cửa hàng vào cuối 2024

Ngày 25/4/2024 tại TP.HCM, Công ty CP Tập đoàn Masan và hai công ty thành viên Masan Consumer, Masan MEATLife đồng tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024.

Bình luận mới nhất