Trong phiên thảo luận sáng 13/7 (ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII), ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT đề cập là chống khai thác IUU và thành lập lực lượng Kiểm ngư là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách.
Ở Quảng Bình, có 3 lỗi mà EC đưa ra cảnh báo, đó là vi phạm vùng biển nước ngoài, khai báo chưa đầy đủ nhật ký khai thác và sản lượng qua cảng.
Hiện Quảng Bình có gần 6.800 tàu cá, trong đó có gần 3.600 tàu cá có chiều dài trên 6m. Đã triển khai quản lý tàu cá chặt chẽ, kết quả có 3.553 tàu đã đăng ký, đạt 98,9% (tàu cá dưới 6m theo quy định không đăng ký). Có trên 3.100 tàu cá thực hiện đánh dấu, đạt trên 86% và 982 tàu cá được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (đối với tàu từ 15m trở lên), đạt trên 84%.
Qua rà soát, hầu hết các tàu cá không hoạt động, đang thực hiện cải hoán, các địa phương, đơn vị đã lập danh sách tàu cá chưa lắp đặt để theo dõi, không cho hoạt động khi chưa khắc phục.
Ban Quản lý cảng cá Quảng Bình đã thực hiện việc kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng bốc dỡ qua cảng. Theo đó, 100% tàu cập cảng bốc dỡ thủy sản qua cảng, với 451 lượt tàu và tổng khối lượng 363 tấn. Tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản thông báo trước 1 giờ và nộp nhật ký, báo cáo khai thác.
Sở NN-PTNT đã thành lập Văn phòng đại diện Thanh tra, kiểm soát nghề cá Quảng Bình để thực hiện kiểm tra tàu cá cập cảng tại cảng cá Nhật Lệ, sông Gianh, xuất bến tại cửa sông Nhật Lệ, Gianh, Roòn theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT. Từ đầu năm đến nay, Văn phòng đã kiểm tra 851 lượt tàu, cơ bản bảo đảm tỷ lệ kiểm tra theo quy định.
Công tác thực thi pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm được tăng cường. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng đã xử lý 63 tàu cá vi phạm, phạt tiền hơn 700 triệu đồng, tịch thu 7 bộ kích điện.
“Đặc biệt, Chi cục Thủy sản đã thực hiện xử phạt 15 chủ tàu cá vi phạm quy định về giám sát hành trình tàu cá, tổng tiền phạt 360 triệu đồng; Bộ đội Biên phòng tỉnh bắt giữ 1 tàu cá tàng trữ trái phép chất nổ, bàn giao cho cơ quan công an tỉnh xử lý”, ông Mai Văn Minh nói.
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục sớm. Đó là nhiều tàu cá chưa có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép đã hết hạn, chưa đăng ký tàu cá, quá hạn đăng kiểm, chưa đánh dấu tàu cá, chưa thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Công tác ghi, nộp nhật ký khai thác thuỷ sản chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng tàu cá vượt ranh giới trên biển và mất kết nối chưa ngăn chặn triệt để; vi phạm về khai thác thủy sản, khai thác IUU vẫn còn xảy ra.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa có một tổ chức chuyên môn thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển như lực lượng Kiểm ngư. Hơn nữa, sau khi Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực vào ngày 1/7/2023 thì lực lượng Thanh tra chuyên ngành tại các Chi cục Thủy sản không còn nữa.
“Do vậy việc thành lập phòng Kiểm ngư trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các các phòng chuyên môn thuộc Chi cục Thủy sản là cần thiết và cấp bách”, ông Mai Văn Minh nhấn mạnh.