| Hotline: 0983.970.780

Tuần tra trên biển [Bài 2]: Bao giờ Quảng Bình có kiểm ngư?

Thứ Ba 20/06/2023 , 09:16 (GMT+7)

Hiện tại Quảng Bình chỉ có lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản, nhận thấy vừa yếu vừa mỏng trong khi đề án thành lập lực lượng kiểm ngư vẫn nằm im trên giấy.

Quảng Bình có bờ biển dài trên 116 km và có đội tàu trên 5.000 chiếc. Quản lý nhà nước đối với đội tàu khá lớn này theo đúng chuyên ngành thì chỉ có con tàu VN- 94429- KN với 3 người chuyên trách kèm theo 2 xuồng cao tốc. Lực lượng trên bờ tăng cường cho thanh tra thêm 2 người nữa là xem như vẻn vẹn có 5 người.

Lo nhất là bị… “bỏ rơi”

Câu chuyện mà anh Lê Văn Thảo, Phó phòng Hành chính - Thanh tra của Chi cục Thủy sản Quảng Bình, người thường xuyên đảm nhận trọng trách đội trưởng đội tuần tra trên biển, ái ngại trước khi khởi hành cũng chẳng có gì lạ và to tát cả.

Tôi đã nhiều lần cùng lực lượng thanh tra chuyên ngành của Chi cục Thủy sản đi tuần tra biển. Những chuyến đi đó đều sử dụng con tàu sắt VN- 94429- KN. Đó là con tàu chuyên dụng được đưa vào sử dụng từ năm 1999 với công suất gần 380 CV. Thời điểm đó, con tàu sơn màu trắng như là biểu tượng bình yên cho những tàu cá ngư dân thực hiện đúng quy định và là nỗi kiêng dè của những tàu vi phạm.

Con tàu VN- 94429- KN bên cạnh tàu cá vi phạm trên vùng biển Quảng Bình. Ảnh: T. Phùng.

Con tàu VN- 94429- KN bên cạnh tàu cá vi phạm trên vùng biển Quảng Bình. Ảnh: T. Phùng.

Bây giờ, sau hơn 20 năm quăng quật trên biển cả nó cũng đã xuống cấp. Thay vì hình ảnh con chiến mã màu trắng của lực lượng tuần tra biển thì nó hình như đã già đi với những vết hoen rỉ thẫm đen hay đang nhờ nhờ đỏ quanh thân tàu. Theo như cách gọi ví von của thuyền trưởng Quang thì con tàu kiêu hãnh một thời chỉ còn là hình ảnh chứ hiện đã mất năng lực đi biển rồi.

Tôi cũng đã có những chuyến cùng lực lượng thanh tra tuần tra trên biển xuyên đêm ngày trên con tàu VN- 94429- KN này.

Đã có chuyến đi mà tôi chứng kiến những cuộc rượt đuổi trên biển “cười ra nước mắt”. Đó là khi đội tuần tra phát hiện cặp đôi tàu giã cào vi phạm nên tiếp cận để kiểm tra. Đợi cho tàu VN- 94429- KN đến cách chừng vài chục mét là 2 tàu giã cào rồ máy vọt chạy nhả ra từng đợt sóng trắng xóa cuối đuôi tàu.

Bài liên quan

Tàu VN- 94429- KN mở hết tốc lực đuổi theo. Nhưng càng đuổi, khoảng cách càng xa dần cho đến khi thấy không thể đuổi kịp thì tàu VN- 94429- KN giảm máy dừng lại. Phía trước, 2 tàu giã cào cũng dừng lại. Trên tàu, mấy ngư dân cởi áo rồi đưa lên vẫy như trêu anh em trong đội công tác. Thấy tôi như chưa hiểu, anh Thảo giải thích: “Trước đây, tàu có công suất như vậy là cũng ngang ngửa kèo trên với tàu cá nên việc đuổi bắt tàu vi phạm rất dễ. Nay thì tàu cá ngư dân đã nâng lên công suất 700-900 CV thì vận tốc khi kéo ga đã gần như gấp đôi tàu mình. Họ biết vậy nên khi tàu ta đến gần là họ không chấp hành mà bỏ chạy. Điều lo nhất là tàu công tác lại bị tàu vi phạm bỏ rơi như vậy”.

Để khắc phục điểm yếu này, lực lượng tuần tra thay đổi chiến thuật. Nghĩa là xuất quân vào ban đêm để tránh sự phát hiện của các “vựa” thu mua cá trên bờ báo cho tàu giã cào. Khi phát hiện đến gần tàu giã cào thì tàu VN- 94429- KN tắt máy, ca nô được thả xuống đưa anh em tiếp cận tàu giã cào để kiểm tra.

Tàu VN- 94429- KN đã xuống cấp cần sửa chữa để đáp ứng yêu cầu làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên biển. Ảnh: T. Phùng.

Tàu VN- 94429- KN đã xuống cấp cần sửa chữa để đáp ứng yêu cầu làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên biển. Ảnh: T. Phùng.

Không chạy kịp thì ngư dân chống trả. Có lần, ngư dân trên tàu giã cào đã dùng hung khí tấn công lại lực lượng tuần tra. Thuyền trưởng Quang nhớ lại: “Khi bốn anh em vừa lên được boong tàu cá và thông báo kiểm tra thì nhóm ngư dân hung hãn cầm hung khí tấn công. Không thể chống đỡ được nên cả bốn anh em phải nhảy xuống biển để bảo toàn tính mạng và bơi về tàu”.

Có những chuyến tuần biển, khi cập mạn tàu cá để kiểm tra hành chính. Từ xa nhìn lại, con tàu VN- 94429- KN thật nhỏ bé, khiêm nhường bên con tàu đồ sộ của ngư dân. Bởi thế nên có chuyến đi, khi tàu lực lượng tuần tra đuổi theo. Cuộc rượt đuổi gần tiếng đồng hồ thì ngư dân tàu cá manh động tăng tốc và kéo hết lái quay vòng ngược hướng mũi tàu đâm thẳng vào tàu kiểm ngư. Tàu kiểm ngư phải bẻ lái đổi hướng gấp để tránh cú va chạm. Vượt được trước, con tàu ngư dân lướt sát đuôi tàu kiểm ngư, sóng biển tạo ra bởi tốc độ cao của tàu đập ầm ầm vào thân tàu, đánh văng nước trùm lên cả boong tàu.

Bây giờ thì đội tuần tra chỉ còn sử dụng chiếc xuồng cao tốc cho những chuyến làm nhiệm vụ. Anh Thảo lý giải, tàu VN- 94429- KN giờ chạy chậm rồi lại cho phí dầu đèn cao hơn nên khó cho mỗi chuyến đi làm nhiệm vụ. Do xuồng cao tốc cũng chỉ bố trí được 7-10 người là chật chội lắm nên sinh hoạt của anh em cũng gò bó. Hơn nữa, do là xuồng nên anh em không thể nấu ăn trên đó và phải bới đồ ăn nguội đi theo cho bữa trưa.

Đội tuần tra bám đuổi theo tàu cá vi phạm. Ảnh: T.Phùng.

Đội tuần tra bám đuổi theo tàu cá vi phạm. Ảnh: T.Phùng.

Việc tuần tra bằng xuồng nên đội công tác chỉ xây dựng kế hoạch tuần tra từ lúc 3-4 giờ sáng và buổi chiều phải quay về chứ không thể qua đêm trên biển được. Điều này cũng đã làm giảm hiệu quả công tác tuần tra.

Dù khó khăn như vậy, nhưng lực lượng thanh tra của Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã vượt lên khó khăn để bám biển tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện đúng Luật Thủy sản, thực hiện chung tay gỡ “thẻ vàng”.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng đã tuần tra, phát hiện lập biên bản xử phạt trên 50 trường hợp tàu cá vi phạm với số tiền xử phạt trên 800 triệu đồng. Trong đó, Chi cục đã ra quyết định xử phạt 29 trường hợp số tiền trên 500 triệu đồng. Những trường hợp còn còn lại đang tiếp tục lập hồ sơ để xử lý.

Mong muốn của lực lượng Thanh tra là có nguồn kinh phí để nâng cấp, sửa chữa con tàu VN- 94429- KN để tiếp tục đè sóng làm tốt nhiệm vụ giữ an ninh trên biển, góp phần gỡ thẻ vàng của IUU.

Kiểm ngư… trên dự án

Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi của lực lượng Thanh tra (Chi cục Thủy sản Quảng Bình), nạn tàu giã cào ngoài tỉnh vi phạm vùng biển bờ Quảng Bình cơ bản được chấm dứt. 

Theo ý kiến của nhiều người quan tâm đến việc gỡ “thẻ vàng” của IUU thì Quảng Bình cần đầu tư nhân lực, phương tiện sớm hơn để có lực lượng đủ mạnh nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chống khai thác bất hợp pháp, giữ gìn an ninh trật tự trên vùng biển. Bởi lẽ, thực thi nhiệm vụ quan trọng này là lực lượng chuyên trách 5 người thì hiệu quả không thể tốt lên được.

Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình, đơn vị đã tham mưu cho Sở NN-PTNT lấp đề án thành lập lực lượng kiểm ngư theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN-PTNT. Qua nhiều lần họp, thảo luận và tỉnh Quảng Bình đã đồng ý chủ trương thành lập Phòng Kiểm ngư (trực thuộc Chi cục Thủy sản Quảng Bình). Tuy nhiên, về con người thì giao cho Sở NN-PTNT Quảng Bình bố trí nhân lực hiện có trong ngành chứ không tuyển dụng thêm người.

Với sự chỉ đạo này thì Sở NN-PTNT Quảng Bình như bị “trói tay”. Theo ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình thì hiện nay biên chế của các đơn vị trực thuộc cũng đang thiếu nhiều nên rất khó rút người từ nơi này chuyển đi nơi khác. Mặt khác, đưa vào lực lượng Kiểm ngư phải có những yêu cầu khác để phù hợp với chức năng nhiệm vụ. Do đó, khó có thể thực hiện được.

Tình trạng tàu đánh bắt giã cào đôi hoạt động trái phép ở vùng biển Quảng Bình đã được ngăn chặn. Ảnh: T. Phùng.

Tình trạng tàu đánh bắt giã cào đôi hoạt động trái phép ở vùng biển Quảng Bình đã được ngăn chặn. Ảnh: T. Phùng.

Chủ trương thành lập kiểm ngư đã có nhưng việc có đủ nhân sự, phương tiện để đi vào hoạt động thì khó như đi lên trời. Trong khi đó, tỉnh Quảng Bình đã có thông báo ngừng tuyển dụng công chức cho đến hết năm 2026. Áp lực gỡ thẻ vàng IUU đang lớn, đòi hỏi tỉnh Quảng Bình cần có những cơ chế phù hợp để cùng cả nước sớm vượt qua. 

Xem thêm
Tương lai nuôi biển bền vững của Việt Nam và Na Uy

Quy hoạch không gian biển, tăng cường năng lực dự báo, cung cấp bảo hiểm biển là các lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác nuôi trồng thủy sản giữa Việt Nam - Na Uy.

Chưa thể làm chợ đấu giá thủy sản khi ngư dân còn phụ thuộc đầu nậu

‘Khi nào giải quyết được việc bà con đi khai thác trên biển chủ động được kinh phí, không phụ thuộc vào nậu vựa thì mới có thể làm chợ đấu giá được’.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.