| Hotline: 0983.970.780

Tuần tra trên biển [Bài 1]: Đè sóng dữ để gỡ 'thẻ vàng'

Chủ Nhật 18/06/2023 , 09:37 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Những cơn sóng đầu tiên khi trời đổi gió đã chồm lên hung hãn nhè đuôi con xuồng cao tốc mà đập. Anh em phải dùng cả hai tay nắm chặt vào thành xuồng.

Trong mờ sương sớm, chiếc xuồng cao tốc nhẹ khởi động và trườn khỏi khu neo đậu xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) hướng cửa Nhật Lệ để ra biển bắt đầu chuyến hành trình tuần tra trên biển.

Anh Lê Văn Thảo, đội trưởng công tác (thuộc Chi cục Thủy sản Quảng Bình), như ái ngại nói nhỏ với chúng tôi: “Chúng ta đi xuồng thôi bởi con tàu VN- 94429- KN cũ quá rồi, đi tốc độ không bằng tàu giã cào và hao tốn nhiên liệu lắm. Bây giờ đi tuần biển, chúng em chỉ đi xuồng này thôi”.

Có những tàu cá “5 không”

Chúng tôi thực hiện chuyến tuần tra trên biển bằng chiếc xuồng cao tốc có sức chứa  khoảng 10 người. Ngoài 5 người của Thanh tra chuyên ngành thuộc Chi cục Thủy sản Quảng Bình và tổ công tác phối hợp của Đồn Biên phòng Nhật Lệ (thuộc Bộ đội Biên phòng Quảng Bình).

Ngoài đội trưởng Lê Văn Thảo là Phó phòng Hành chính - Thanh tra của Chi cục Thủy sản Quảng Bình là ngạch công chức, còn lại ba thành viên là  Nguyễn Tiến Quang - thuyền trưởng, Nguyễn Văn Duẩn - thuyền phó, Đặng Thanh Thành - máy trưởng và Lê Văn Quốc - cán bộ, đều là viên chức của Chi cục.

Lực lượng tuần tra kiểm soát biển đang kiểm tra hành chính tàu khai thác thủy sản. Ảnh: T. Phùng.

Lực lượng tuần tra kiểm soát biển đang kiểm tra hành chính tàu khai thác thủy sản. Ảnh: T. Phùng.

Vì đi từ sớm nên chúng tôi ăn sáng bằng mì tôm đóng hộp. Anh Duẩn bảo: "Ăn theo con sóng nghe”. Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì thì một con sóng cao ập đến hất mũi xuồng lên, hộp mì tôm trên tay tôi bị xóc bật ra, nước vào ngực áo làm ướt mảng áo lẫn những sợi mì. Hóa ra, khi cầm hộp mì tôm trên tay thì mắt phải quan sát. Khi sóng đang lặng hay đang lượn thấp thì tranh thủ ăn ngay một miếng, khi sóng cao đến thì tay phải giữ ghì hộp mì tôm thật chắc. “Ăn theo con sóng” là vậy.

Gần hai giờ đồng hồ, xuồng chúng tôi ra đến vùng biển lộng cách bờ chừng 10 hải lý. Đội trưởng Lê Văn Thảo giải thích: “Vì đây là xuồng cao tốc, sức chịu sóng gió kém nên đoàn không thể ra khơi xa hơn được. Có lần, chúng tôi mãi đuổi theo tàu cá vi phạm đi quá xa, khi về mới phát hiện thiếu nhiên liệu, cũng may là đã vào được bờ”.

Phát hiện từ xa một thuyền lớn đang đi theo hướng phía bắc, xuồng công tác tăng tốc kèm đến và bật còi báo hiệu. Cập mạn tàu mang số hiệu QB188TS, do anh Hoàng Quý Vịnh ở xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới) làm thuyền trưởng. Đây là tàu hậu cần nghề cá chuyên thu mua hải sản. Anh Vịnh chủ tàu cho hay: Tàu đã ra biển được 3 hôm nay nhưng chưa thu mua được nhiều tôm cá. Mấy bữa nay, các tàu cũng không đánh bắt được nhiều nên chúng tôi thu mua cũng không được như dự tính. Chắc phải thêm hai hôm nữa rồi quay vào bờ thôi.

Tàu hậu cần nghề cá không có vi phạm gì nên xuồng tổ công tác lại tiếp tục kéo ga chạy theo hướng về phía nam.

Tàu cá hành nghề giã cào sai tuyến, vi phạm Luật Thủy sản bị phát hiện và xử lý sau đó. Ảnh: T. Phùng.

Tàu cá hành nghề giã cào sai tuyến, vi phạm Luật Thủy sản bị phát hiện và xử lý sau đó. Ảnh: T. Phùng.

Khoảng 30 phút sau, qua ống nhòm, thuyền phó Duẩn phát hiện hai tàu đánh bắt giã cào đang hoạt động trên vùng biển không được phép nên tăng tốc tiếp cận để kiểm tra hành chính. Đây là con tàu có công suất 700 CV, được trang bị lưới giã cào đơn.

Thông thường tàu giã cào đi theo cặp, mỗi tàu kéo một bên lưới đi chừng 3-4 hải lý thì khép lưới thu hồi tôm cá. Tàu giã cào đơn thì đi một chiếc nên ở đuôi tàu được gắn 2 càng lớn bằng gỗ chắc, dài chừng 4-5m choải ra hai bên. Mỗi đầu cánh kéo một bên lưới. Khi lưới được thả xuống biển, tàu kéo lưới chạy chừng hải lý thì khép lưới và tời kéo lưới lên. Toàn bộ hải sản kéo được dồn vào đụt lưới và được tời kéo lên boong tàu xả ra. Tất thảy các loại tôm, cá, cua, ghẹ… và cả những vật trôi lơ lửng ở tầng gần đáy biển đều được thu hết vào lưới. Kiểu đánh bắt này cũng được ví là “đánh bắt tận diệt”, vì khi lưới vây quét qua thì tôm cá từ lớn đến bé đều chui vào đụt lưới và bị kéo lên đổ ra boong tàu.

Ông Nguyễn Nghêu (trú xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch), là chủ tàu kiêm trưởng tàu cá mang số hiệu BV 9568S. Ông Nghêu cho hay tàu mua lại từ tỉnh bạn đưa về nên chưa có giấy tờ hợp pháp và khai thác không đúng nghề được ghi trong giấy phép.

“Tôi thấy tàu mình có nhiều cái sai sót quá. Nhưng vì phải mưu sinh nên làm liều. Chuyến sau, tàu tôi có đầy đủ các loại giấy tờ mới ra khơi”, ông Nghêu hứa. Lực lượng kiểm tra lập biên bản để xử lý những vi phạm theo quy định.

Đoàn công tác tiếp tục kiểm tra tàu cá mang số hiệu QB 1129TS, do ông Hoàng Viết Phong (trú xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới), làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng. Tàu này đang thực hiện hoán đổi và đang làm các thủ tục giấy tờ liên quan đến tàu cá chưa hoàn thành nhưng đã ra khơi. Đoàn công tác đã tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân chấp hành tốt các quy định liên quan đến tàu cá và khai thác đúng nội dung được ghi trong giấy phép.

Tàu đánh bắt giã cào khai thác tận diệt ở vùng biển ven bờ. Ảnh: T. Phùng.

Tàu đánh bắt giã cào khai thác tận diệt ở vùng biển ven bờ. Ảnh: T. Phùng.

Quá trưa, chúng tôi định dùng bữa theo tiêu chuẩn mì tôm thì phát hiện tàu mang số hiệu cá QB 9256TS hành nghề chụp mực do ông Lê Văn Tý (trú xã Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng. Qua quá trình kiểm tra các giấy tờ về tàu cá QB 9256TS đầy đủ. Tổ công tác đã nhắc nhở ngư dân tích cực bám biển, tuyệt đối không vi phạm vượt ranh giới trên biển, luôn duy trì thiết bị giám sát hành trình và tích cực trong phòng chống khai thác IUU.

Theo ông Tý, tàu cá QB 9256TS chỉ hành nghề vào ban đêm ở khu vực biển khơi. Ban ngày thì tàu chạy vào đây buông neo nghỉ ngơi cho an toàn và cuối chiều lại quay ra ngư trường theo quy định.

Thấy chúng tôi bàn chuyện ăn mì tôm thì ông Tý vui vẻ mời chào đoàn công tác lại ăn cơm trưa với anh em trên tàu. “Mấy khi tàu chúng tôi đón được đoàn lên thăm và dùng cơm đâu. Quanh năm trên biển làm chi có khách mà mời mọc. Nay gặp được anh em cũng quý và mừng lắm”, ông Tý lởi xởi nói thêm.

Thuyền trưởng tàu cá vi phạm khi đang khai thác trên biển được tuyên truyền nhắc nhở để không tái phạm. Ảnh: T. Phùng.

Thuyền trưởng tàu cá vi phạm khi đang khai thác trên biển được tuyên truyền nhắc nhở để không tái phạm. Ảnh: T. Phùng.

Khi mọi người tạm nghỉ trưa để chuẩn bị cơm nước thì mấy anh em chúng tôi mượn câu trên tàu mắc mồi thả xuống biển. Vậy mà, gần nửa giờ đồng hồ trôi qua, cả 5 người với 5 cần câu chỉ câu được một con cá lim to bằng hai ngón tay người lớn. Ai cũng nhìn nhau đầy nghi hoặc. Thuyền phó Duẩn rầu lòng: “Không lẽ nguồn lợi thủy sản cá tôm trên biển cũng đã cạn kiệt mất rồi ?”

Tuần biển phải canh giờ về bến

Gần cuối buổi chiều, đội công tác còn kiểm tra hành chính thêm 3 tàu khai thác thủy sản trong khu vực biển cách bờ khoảng 10 hải lý. Phần lớn các tàu đều có những vi phạm như không trang bị đủ áo phao cho ngư dân trên tàu, “quên” không mang theo chứng chỉ thuyền trưởng hay chỉ mang bản sao chụp đơn giản. Đội công tác đã nhắc nhở thuyền trưởng những tàu này để chuyến khơi lần sau không còn vi phạm.

“Tuy chúng tôi nhắc nhở, nhưng số liệu về con tàu, tọa độ vi phạm là chúng tôi nắm chắc. Nếu tái phạm, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý buộc quay vào bờ và áp dụng xử phạt hành chính theo quy định”, đội trưởng Lê Văn Thảo nói.

Chủ tàu cá vi phạm ký biên bản kiểm tra của Đội công tác Chi cục Thủy sản Quảng Bình. Ảnh: T. Phùng.

Chủ tàu cá vi phạm ký biên bản kiểm tra của Đội công tác Chi cục Thủy sản Quảng Bình. Ảnh: T. Phùng.

Khi mặt trời còn cao và phát hiện tàu đang hoạt động trong khu vực nhưng Đội trưởng Thảo cho xuồng cao tốc quay vào bờ. Đội trưởng Thảo giải thích: “Nếu chúng ta không vào kịp là biển trở gió. Khi đó mới (sóng lừng) lớn rất nguy hiểm cho xuồng ta đi. Việc vào được cửa sông Nhật Lệ là rất nguy hiểm. Có khi phải cập vào bãi biển và cắt cử anh em trực canh”.

Khi xuồng vào đến cửa Nhật Lệ thì đã có những đợt sóng lớn như đang chạy đuổi theo con xuồng. Những cơn sóng đầu tiên khi trời đổi gió đã chồm lên hung hãn cứ nhè đuôi con xuồng cao tốc mà đập. Anh em phải dùng cả hai tay bấu chặt vào thành xuồng để khỏi bị sóng dữ đánh hất xuống biển.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.