| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 26/06/2018 , 06:20 (GMT+7)

06:20 - 26/06/2018

'Thành phố không gạt bà con' - Một cam kết mạnh mẽ cho Thủ Thiêm

“Thành phố không gạt bà con” là câu nói của Bí thư Thành ủy TPHCM – Nguyễn Thiện Nhân với người dân còn vướng mắc khiếu kiện tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, được lan truyền rất nhanh chóng trên các phương tiện truyền thông và dư luận xã hội.

Một góc KĐT mới Thủ Thiêm

Ông Nguyễn Thiện Nhân đã đến buổi gặp mặt với tư cách Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri. Thế nhưng, ai cũng mong đợi nhiều hơn như thế, vì ông Nguyễn Thiện Nhân là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.

Hiểu được điều ấy, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định những gia đình đang sống tạm bợ vì ảnh hưởng quy hoạch không nên tiếp tục duy trì hoàn cảnh sống như vậy, mà hãy vào khu tái định cư trong lúc chờ giải quyết thấu đáo: “Bà con chỉ phải trả tiền điện nước, còn lại các loại phí không phải trả. Tôi xin thưa việc này không phải bà con vào đó rồi xí xóa hết cho thành phố. Thành phố không gạt bà con, mà chỉ muốn cuộc sống ngắn hạn của bà con tốt hơn bây giờ”.

Trước thiện chí của Bí thư Thành uỷ TPHCM, hơn 140 người đã đăng ký phát biểu, khiến cuộc tiếp xúc cử tri kéo dài từ đầu giờ chiều đến tận 8 giờ tối 21-6-2018 mới kết thúc. Tuy nhiên, không một ai cảm thấy mệt mỏi và vô bổ. Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "Việc của bà con Thủ Thiêm là việc rất lớn. Lớn vì mỗi một gia đình có mỗi số phận. Lớn vì niềm tin của bà con với Đảng bộ TPHCM. Lớn vì uy tín của Đảng nói chung”.

Đồng thời, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết không phải đợi đến ngày 15/7/2018 có kết luận thanh tra dự án như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mà sẽ lập ngay tổ công tác đặc biệt về Thủ Thiêm để rà soát các hồ sơ của dân và phân loại thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất là các hồ sơ xác nhận hiện trạng sử dụng đất không đúng, từ đó các chính sách về sau cũng không đúng. Nhóm thứ hai là các hồ sơ hiện trạng sử dụng đất là đúng nhưng bà con thấy áp chính sách bồi thường chưa thỏa đáng nên chưa di dời. Nhóm thứ ba là những hộ đã di dời nhưng vẫn thấy chính sách bồi thường chưa hợp lý.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo thành phố ưu tiên giải quyết nhóm thứ nhất và nhóm thứ hai. Còn nhóm thứ ba thì không thể giải quyết nhanh được, mà phải chọn lọc làm từng bước: “Nếu đã di dời, nhưng tiền đền bù không đủ khả năng mua chung cư, hết đời cũng không thể ổn định được chỗ ở thì phải tính. Chưa biết tính như nào nhưng sau khi di dời mà cuộc sống kém hơn trước là không được”.

Chỉ là một phần diện tích của quận Thủ Đức ngày xưa, nhưng khi được tách ra để xây dựng trung tâm hành chính kinh tế hiện đại thì Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng tạo ra muôn ngàn lớp sóng hỉ nộ ái ố. Lần này, sự trang nghiêm “thành phố không gạt bà con” của lãnh đạo cao nhất TPHCM chính là một cam kết mạnh mẽ cho hành trình tìm kiếm vẻ đẹp bình yên và thịnh vượng đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm