| Hotline: 0983.970.780

Thành quả xây dựng nông thôn mới Ninh Thuận

Thứ Ba 24/09/2019 , 13:05 (GMT+7)

Sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Ninh Thuận đã đạt được nhiều chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Trong đó, nổi bật nhất là kinh tế nông nghiệp, nông dân và nông thôn phát triển, làm thay đổi diện mạo làng quê.

NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Kim Cương, Phó Giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh Ninh Thuận.

15-37-57_ong_dng_kim_cuong
Ông Đặng Kim Cương, Phó Giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT Ninh Thuận.

Ông đánh giá như thế nào về những kết quả của Ninh Thuận sau 10 năm xây dựng NTM?

Ninh Thuận là tỉnh nông nghiệp nằm ở khu vực Nam Trung bộ, khí hậu khô nóng quanh năm. Khu vực nông thôn triển khai xây dựng NTM có 47 xã thuộc 7 huyện, thành phố trong đó có trong đó có 19 xã đặc biệt khó khăn, do vậy xuất phát điểm xây dựng NTM của Ninh Thuận khá thấp với 35 xã thuộc nhóm khó khăn dưới 05 tiêu chí.

Kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, sản xuất nông nghiệp với qui mô nhỏ lẻ, manh mún, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và dân sinh. Chất lượng lao động trong khu vực nông thôn rất thấp, lao động chưa qua đào tạo còn chiếm tới 91,5%; sản xuất và đời sống của người dân nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của biến đổi khí hậu.

Khó khăn là vậy nhưng trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng thành công 20 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 42,55%. Trong đó có 16 xã đạt chuẩn theo bộ tiêu chí cũ và 4 xã đạt chuẩn theo bộ tiêu chí mới, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 25,82 triệu đồng/người/năm, tăng 2,16 lần so với năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đa chiều giảm xuống còn 11,48%. Dự kiến đến cuối năm 2019 có thêm 5 xã và 01 huyện đạt chuẩn NTM. Kết quả này đã hoàn thành chỉ tiêu của giai đoạn này sớm trước một năm so với nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra.

Trong 10 năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã huy động được nhiều nguồn lực để xây dựng NTM với tổng số tiền gần 8.529 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 304,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương 388,7 tỷ đồng, vốn lồng ghép gần 2.241 tỷ đồng, vốn tín dụng trên 5.054 tỷ đồng, vốn huy động doanh nghiệp 303,7 tỷ đồng và vốn huy đồng trong dân gồm tiền mặt, ngày công và hiến đất là 236,9 tỷ đồng.

Hiện nay, bình quân chung toàn tỉnh mỗi xã đạt 14,02 tiêu chí, không còn xã dưới 5 tiêu chí (các xã thấp nhất đạt 7 tiêu chí). So với cả nước dù không cao nhưng đối với Ninh Thuận là cả quá trình nỗ lực, phấn đấu của lãnh đạo tỉnh, cả hệ thống chính trị và người dân. Bởi nhiều địa phương có xuất phát điểm rất thấp nhưng chỉ sau thời gian ngắn đã bứt phá đi lên, rất đáng trân trọng và biểu dương.

Bài học kinh nghiệm qua 10 năm xây dựng NTM của Ninh Thuận là gì, thưa ông?

Sau 10 năm xây dựng NTM chúng tôi đã rút ra nhiều bài học quý báu trong quá trình xây dựng NTM đó là phải có hệ thống chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò của người đứng đầu; sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng phải là giải pháp quan trọng hàng đầu làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình.

Điều quan trọng đó là phải có cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách không máy móc thực hiện theo quy định và hướng dẫn chung...

Ngoài ra cơ chế chính sách cần phải ban hành kịp thời và phù hợp với thực tiễn. Thực tế cho thấy cơ chế chính sách phù hợp sẽ thu hút doanh nghiệp, nhân dân, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất. Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và gắn với các phong trào thi đua, vừa là thước đo kết quả, vừa là động lực cho các tổ chức, cá nhân phấn đấu thực hiện Chương trình.

15-37-57_nho
Nho là cây trồng thế mạnh của Ninh Thuận.

Xây dựng xã NTM là không có điểm dừng, ông cho biết một số định hướng lớn cần triển khai trong thời gian tới?

Căn cứ vào tình hình thực tế tỉnh Ninh Thuận chúng tôi đã đề ra nhiệm vụ cho từng giai đoạn. Cụ thể, đến năm 2020 tỉnh phấn đấu có thêm 01 huyện đạt chuẩn NTM và 60% số xã đạt chuẩn, xây dựng một hoặc hai thôn kiểu mẫu. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có ít nhất 40% đơn vị cấp huyện (3 huyện ) đạt chuẩn NTM. 75% số xã (35 xã) đạt chuẩn NTM, trong đó ít nhất 15% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và khoảng 5% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, không còn xã dưới 10 tiêu chí. Các công trình hạ tầng như giao thông, thủy lợi, điện, nước, trường học, trạm y tế đảm bảo đồng bộ, liên thông và ứng phó biến đổi khí hậu. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Đến giai đoạn 2025-2030 tỉnh Ninh Thuận phấn đấu có ít nhất 5 huyện đạt chuẩn NTM. 95% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó ít nhất 30% số xã (14 xã) đạt chuẩn NTM nâng cao và khoảng 15% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Xin cảm ơn ông!
"Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về xây dựng NTM, trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý các cấp, trong đó chú trọng bộ phận thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM gắn với phân công trách nhiệm cụ thể của từng thành viên BCĐ. Tiếp tục đào tạo, nâng cao kỹ năng, kiến thức của cán bộ trực tiếp làm NTM. Rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách sát hợp từng thời điểm cho phù hợp", ông Đặng Kim Cương.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Có gì ở 'Lễ hội nông sản'?

TP.HCM 60 gian hàng nông sản, sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao của các tỉnh thành trên cả nước quy tụ tại sự kiện 'Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP.HCM'.