Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ |
Trước thực trạng liên kết vùng còn là khâu yếu của nước ta, Thủ tướng đã chủ trì hàng loạt hội nghị nhằm tháo “điểm nghẽn này” như hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam cách đây 1 tháng rưỡi, hội nghị giao ban Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cách đây hơn 4 tháng cũng như các hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, về phát triển du lịch miền Trung-Tây Nguyên, về vấn đề dân di cư tự do tại Tây Nguyên…
Thủ tướng đã nêu rõ quan điểm phát triển vùng là phát triển mang tính hữu cơ, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng thành một hệ thống thống nhất, không được mang tính chủ quan, áp đặt, hay là con số cộng của sự phát triển các tỉnh, thành phố thuộc vùng. Phải có cơ chế điều phối hoạt động của vùng đủ mạnh, không bị ràng buộc, hay chia cắt bởi địa giới hành chính.
Với 7 tỉnh, thành phố, bao gồm Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ chiếm gần 32% GDP của cả nước và thu nhập bình quân đầu người đạt 4.813 USD năm 2018, gấp 1,86 lần so với mức trung bình cả nước, đứng thứ hai sau vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Thời gian qua, vùng kinh tế có dân số hơn 16 triệu người này đã làm được nhiều công trình, dự án quan trọng có tính chất liên vùng, một hướng đi tất yếu nhằm khai thác thế mạnh từng địa phương để tạo điều kiện, nền tảng phát triển nhanh hơn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chưa có cơ chế, chính sách liên kết giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng đối với các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Liên kết giữa các tỉnh trong khu vực vẫn chỉ theo kiểu tận thu những lợi thế sẵn có, ngắn hạn, mang tính thời vụ.
Do đó, bên cạnh giải “bài toán” liên kết vùng, hội nghị hôm nay sẽ thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội của vùng; các vấn đề về môi trường đầu tư, kinh doanh và hạ tầng đô thị, giao thông, phát triển logistics, nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển dịch vụ du lịch… trong vùng.
Hiện nay, chúng ta có 4 vùng kinh tế trọng điểm là vùng KTTĐ Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và vùng KTTĐ Đồng bằng sông Cửu Long, với 24 tỉnh, thành phố, chiếm 27,3% diện tích tự nhiên và 27% dân số cả nước, đóng góp 89% GDP đất nước.