Với mục tiêu cải tạo, nâng cấp các công trình hạ tầng nông thôn đã bị xuống cấp, xây dựng các mô hình, thể chế chính sách về công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng chiến lược, tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi bền vững có sự tham gia của các thành phần kinh tế…, dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn các tỉnh Tây Nguyên đã được triển khai hiệu quả tại Đăk Lăk với nhiều kết quả tích cực giúp thay đổi bộ mặt nông thôn tại khu vực thụ hưởng.
Đảm bảo tưới tiêu ổn định cho hơn 7.000 hecta lúa và cà phê
Sau 5 năm triển khai dự án, tỉnh Đắk Lắk có 5 tiểu dự án được thực hiện trong dự án này gồm: Nâng cấp, kiên cố hệ thống kênh nhánh của kênh chính Đông và kênh chính Tây công trình thủy lợi Ea Súp (huyện Ea Súp);
Sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh chính Ea Kao phục vụ sản xuất cho 3 xã và 2 phường phía Nam TP. Buôn Mê Thuột; sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất khu vực huyện Krông Năng;
Sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất khu vực hồ Buôn Tría, huyện Lăk; Sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất khu vực xã Ea Riêng (huyện M’Drăk).
Dự án hoàn thành đã nâng cấp được 50km đường giao thông liên thôn từ đường đất chuyển sang đường bê tông xi măng, 60 km kênh và 01 trạm bơm áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm đã bảo đảm phục vụ tưới tiêu cho trên 4.800 ha lúa, gần 2.500 ha cà phê.
Thay đổi bộ mặt nông thôn các xã vùng sâu, vùng xa Đăk Lăk
Ea Súp là huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Đăk Lăk, giáp với Campuchia, trong những năm qua đã được Đảng và nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở trong đó có hệ thống giao thông.
Tuy nhiên, so với các vùng khác, hệ thống giao thông của huyện Ea Súp nói chung và các vùng dự án nói riêng còn khá hạn chế.
Ngoài tuyến đường giao thông chính là tỉnh lộ 1 và một số tuyến đường từ trung tâm huyện đi một số xã là đường nhựa, còn lại các tuyến đường liên xã, đường nông thôn chủ yếu là đường cấp phối và đường đất.
Vì vậy, việc giao lưu đi lại, cũng như việc vận chuyển vật tư, sản phẩm nông nghiệp …trong vùng dự án còn khó khăn, nhất vào những tháng mưa lũ. Thu nhập chủ yếu của người dân xã Ea Lê, Ea Rốk, Ea Bung là sản xuất nông nghiệp (trồng lúa, ngô, sắn...) và chăn nuôi gia súc, gia cầm và thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 7,5 triệu đồng/người/năm.
Dự án triển khai nâng cấp đường dọc bờ kênh của tiểu dự án Ea Soup, Đăk Lăk hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tăng diện tích canh tác, năng suất cây trồng, giá trị sản xuất... Từ đó gia tăng thu nhập cho người dân, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.
“Được dự án ADB đầu tư đường, kênh, mương, người dân trong thôn 20 phấn khởi lắm, tình nguyện hiến đất làm đường, làm kênh. Có đường, có kênh mương, đi lại thuận tiện, đặc biệt là vận chuyển nông sản. Từ đó, giá nông sản của bà con được nâng lên. Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp cũng được gia tăng”, ông Nông Việt Hòa - Trưởng thôn 20 xã Ea Đốc, Huyện Ea Sup, Tỉnh Đăk Lăk phấn khởi nói.
* Ông Vũ Đức Côn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tỉnh Đăk Lăk chia sẻ:
Năm 2020, tỉnh Đăk Lăk phải đối phó với những tác động nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan trong đó nghiêm trọng nhất là hạn hán.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn các tỉnh Tây Nguyên thông qua 2 hoạt động chính là nâng cấp các công trình thủy lợi và tập huấn nâng cao năng lực cho người dân về các biện phát sử dụng nước tưới hợp lý thích ứng hạn hán thì 100% các xã tham gia dự án đều đảm bảo đủ lượng nước tưới và đảm bảo năng suất chất lượng cho nông sản.
Vì vậy, đời sống của người dân được ổn định và phấn khởi sản xuất. Năm nay hạn hán nghiêm trọng nhưng người dân vùng hạn bị tác động rất ít.
* Ông Đinh Xuân Đồng - Chủ tịch UBND xã Ea Đốc, huyện Ea Sup, tỉnh Đăk Lăk:
Chúng tôi được hưởng lợi hơn 10 km đường kèm theo đường kênh chính Đông. Từ khi được đầu tư đường trên kênh đã phục vụ người dân đi lại, vận chuyển nông sản thuận tiện. Chi phí sản xuất giảm, giá bán nông sản được nâng lên.