Tổng quy mô của tiểu dự án đã làm được là 50 km giao thông liên thôn từ đường đất chuyển sang đường bê tông xi măng và nâng cấp, sửa chữa 20 km kênh, cải tạo 4 cụm đầu mối thủy lợi và bổ sung 1 tràn xả lũ đảm bảo tưới cho 900 hecta lúa nước và cây công nghiệp.
Kon Tum là một tỉnh nghèo nằm ở phía Nam Tây Nguyên. Kinh tế của tỉnh Kon Tum chủ yếu là nông nghiệp. Do điều kiện hạn chế về cơ sở hạ tầng nông thôn nên đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất các tỉnh Tây Nguyên được triển khai tại Kon Tum vào năm 2014 – 2019 đã mang lại những thay đổi tích cực đối với đời sống của người dân và bộ mặt nông thôn mới của tỉnh.
Đến nay đã có 5 tiểu dự án hoàn thành với tổng giá trị hợp đồng xây lắp là: 324 tỷ đồng.
Bao gồm: (i) Sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Đăk Đam và hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất khu vực Kon Vang; (ii) Sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Đăk Snghé và hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất khu vực xã Tân Lập; (iii) Sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Kon Trang Kla, Đăk Trít và hạ tầng nông thôn khu vực xã Đăk La; (iv) Sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Đắk Kít và hạ tầng nông thôn khu vực xã Đắk Môn, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum và (v) Sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Lũng Lau và hạ tầng nông thôn khu vực xã Sa Sơn.
Để đạt được kết quả này, ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, Ban Quản lý dự án tỉnh Kon Tum đều tiến hành tham vấn cộng đồng qua các hình thức: Tổ chức họp tại địa phương, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, phát phiếu nhận xét.... Các cuộc họp cộng đồng đã giúp người dân hiểu thêm về nội dung thiết kế, tiến độ dự án, quy trình đền bù cũng như trách nhiệm của các bên từ người dân đến các nhóm cộng đồng đối với dự án.
Từ việc nâng cao hiểu biết của người dân về dự án, người dân đã tạo điều kiện, ủng hộ, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, tự nguyện tham gia các hoạt động giám sát dự án và vận hành bảo trì công trình. Điều này đã giúp đẩy nhanh tiến độ dự án.
Mặt khác, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng trong dự án đã thể hiện tính dân chủ, công khai và minh bạch trong nhân dân, góp phần triển khai thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào đời sống, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Việc đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp sửa chữa nâng cấp hệ thống thủy lợi và hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất tại tỉnh Kon Tum đã góp phần trực tiếp xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thủy lợi... để tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương, gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
* Ông Tô Văn Bình – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn các tỉnh Tây Nguyên tỉnh Kon Tum:
Dự án đã giúp nâng cao năng suất cây trồng thông qua việc tiếp cận nguồn nước tưới và giảm chi phí sản xuất. Đồng thời cải thiện tiếp cận dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế, khoa học xã hội cho người dân và thay đổi bộ mặt nông thôn.
Do đó, dự án đã góp phần trực tiếp vào việc tăng thu nhập bình quân đầu người từ 16.7 triệu/người/năm 2012 lên 37 triệu/người/năm 2019 và giảm số hộ nghèo thuộc vùng dự án từ 1.220 hộ xuống còn 774 hộ năm 2019.
Dự án cũng góp phần tích cực vào việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, với 10% số xã tham gia dự án đã đạt chuẩn nông thôn mới.
* Ông Phạm Văn Hào – Thôn 3 Tân Lập huyện Kon Rẫy, Tỉnh Kon Tum:
Thôn tôi trước đây có 7 km đường đi rất xấu, vì vậy mà giá cả, công tác vận chuyển nông sản của các hộ dân luôn gặp khó khăn. Khi con đường này được dự án đầu tư cải tạo, người dân vận chuyển nông sản, vật liệu xây dựng thuận lợi, từ đó đã xóa đi sự khác biệt về giá cả nông sản giữa đầu thôn và cuối thôn khiến ai cũng phấn khởi.
Bên cạnh đó, khi mương nước hình thành đã đảm bảo tối đa năng suất của các diện tích lúa. Các công trình được xây dựng đảm bảo tiến độ với chất lượng tốt. Dự án cũng có tác động lớn trong việc hoàn tất các tiêu chí của nông thôn mới đối với thôn Tân Lập.