| Hotline: 0983.970.780

GÓP Ý ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CÔNG NGHỆ NÔNG NGHIỆP

Thay đổi để 'triệt' cơ chế xin cho

Thứ Ba 27/07/2021 , 08:30 (GMT+7)

Đóng góp của các nhà khoa học trong ngành nông nghiệp sau bài viết tâm huyết của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gửi các nhà khoa học làm tôi suy nghĩ rất nhiều.

Lơ là xây dựng nhà khoa học đầu đàn

Vấn đề chúng ta đang đề cập đến “cơ chế xin cho”, thanh quyết toán cuối năm, đầu tư ngân sách khoa học là chuyện ai cũng biết. Nhiều năm rồi vẫn vậy. Đất nước đổi mới nhiều lắm, nhưng cơ chế quản lý tài chánh cho hoạt động khoa học quá cũ. Tiêu cực “phong bì” phát sinh có lẽ cũng do cơ chế này mà ra. Phê bình riết rồi trở thành kiểu than thân, trách phận với nhau cho vui.

GS.TS Bùi Chí Bửu. Ảnh: Lê Minh.

GS.TS Bùi Chí Bửu. Ảnh: Lê Minh.

Mô hình quản lý khoa học của Việt Nam theo kiểu nào là câu hỏi lớn. Chúng ta không thể rập khuôn theo Hoa Kỳ, Nhật Bản, Israel, Trung Quốc hay New Zealand. Khoa học, giáo dục và y tế về cơ bản phải do Chính phủ đầu tư. Doanh nghiệp đầu tư khoa học chỉ đúng, khi nào trình độ phát triển đất nước đạt một chuẩn mực nào đó, mà văn kiện pháp luật sẵn sàng, doanh nghiệp sẵn sàng.

Điều này chúng ta chưa hội đủ. Nhất là bản quyền tác giả và thị trường khoa học công nghệ ở Việt Nam. Cái mình làm được hiện nay là thay đổi thể chế cũ. Sự thay đổi không thể ngay lập tức, mà là một trải nghiệm dài lâu, với nhiều cung bậc ngọt bùi và cay đắng. “Thay đổi chẳng bao giờ dễ, nhưng luôn luôn có thể” (Change is never easy, but always possible - Barack Obama).

Thay đổi để không xảy ra “lãng công”, vì lương tháng vẫn lãnh đủ, mà không có hoạt động nghiên cứu, không có đề tài. Tình trạng này lớn lắm, ở đâu cũng gặp. Chiếc bánh ngân sách quá bé, không chia đủ cho con số viện nghiên cứu quá lớn. Tất yếu sẽ tạo ra cơ chế xin cho và tiêu cực "phong bì". Suy cho cùng, nhà nước phải oằn gánh chịu hậu quả để nuôi bộ máy cồng kềnh. Vùng trọng điểm nông nghiệp hàng hóa ở phía Nam chịu nhiều bất lợi, vì số viện ít hơn.

Thay đổi để không mất thời giờ tập trung “tuyển chọn viện trưởng” qua nhiều tầng nấc và hình thức. Trong khi xây dựng “nhà khoa học đầu đàn” có vẻ lơ là. Ở những nước phát triển, khâu tuyển chọn nhà khoa học đầu đàn trong từng lĩnh vực chuyên môn được sát hạch rất khắt khe.

GS.TS Bùi Chí Bửu cho rằng, khâu tuyển chọn nhà khoa học đầu đàn trong từng lĩnh vực chuyên môn được cần được sát hạch khắt khe. Ảnh: TL.

GS.TS Bùi Chí Bửu cho rằng, khâu tuyển chọn nhà khoa học đầu đàn trong từng lĩnh vực chuyên môn được cần được sát hạch khắt khe. Ảnh: TL.

Chính họ mới làm ra những đột phá. Chính họ mới hình thành đội ngũ chuyên sâu. Viện trưởng đóng vai trò quản lý nhà nước, điều hành mọi người làm đúng thể chế. Ở nước ngoài, tôi không nhớ tên ông hiệu trưởng trường đại học, hoặc viện trưởng mà tôi cộng tác. Tôi chỉ nhớ tên thầy trưởng lab mà mình học, hoặc trưởng bộ môn.

Bởi vì họ là những giáo sư đầu ngành rất giỏi. Nhiều bài báo khoa học của họ và cộng tác viên được đăng hàng năm trên tạp chí ISI, SCIE. Lương và tiền đề tài gắn liền với công trình khoa học phục vụ nông nghiệp. Giáo sư giỏi có nhiều đề tài hơn, người khác trở thành cộng tác viên. Viện trưởng chỉ nên làm một nhiệm kỳ rồi thay cho đỡ tiêu cực. Thay ở đây có nghĩa là luân chuyển sang chỗ khác.

Trống về nghiên cứu cơ khí nông nghiệp

Thay đổi để khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng được đầu tư một cách hợp lý. Thay đổi để khoa học đất, nông học, kinh tế nông nghiệp, khoa học thực phẩm… được xem trọng như chọn giống và công nghệ sinh học.

Nhất là cơ khí nông nghiệp Việt Nam còn đứng sau rất xa với thế giới do đầu tư nghiên cứu chưa hợp lý. Nước nông nghiệp mà kỹ sư cơ khí không nhiều. Công nghiệp sản xuất ô tô được đầu tư quá lớn so với làm ra chiếc máy kéo “made in Vietnam”.

Xu hướng tập trung đất với quy mô lớn, giảm thấp nhất lao động giản đơn, tăng nhiều nhất khả năng lao động trí tuệ, là mảnh đất tốt cho cơ khí Việt Nam. Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đang đứng ngoài cuộc chăng? Tôi mới thấy chỉ có Tập đoàn Trường Hải, nhưng không rõ ngân sách khoa học.

GS Bùi Chí Bửu giới thiệu giống lúa mới tại Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: Lê Minh.

GS Bùi Chí Bửu giới thiệu giống lúa mới tại Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: Lê Minh.

Lịch sử thế giới cho thấy, chính khoa học mới sáng tạo ra cái mới. Đầu tư khoa học nông nghiệp hôm nay là hình ảnh nông nghiệp Việt Nam ngày mai.

Việc quyết định tài trợ một đề tài phải dựa trên cơ sở ý nghĩa khoa học của đề tài và tính khả thi của nó, đặc biệt phải dựa trên năng lực khoa học của những người thực hiện (thực tế đang diễn biến ngược lại, chỉ dựa vào người viết hay hoặc viết dở).

Tại sao không đánh giá hiệu quả đề tài sau 5 - 10 năm?

Tài trợ nghiên cứu khoa học không phải là trả tiền để "mua” các sản phẩm khoa học dưới dạng các 

công bố, mà là tài trợ thực sự để có nội dung đáp ứng với sự phát triển của đất nước. Thông thường sau khi nghiệm thu xong, đề tài kết thúc, mạnh ai về nhà nấy. Tại sao không tiếp tục đánh giá hiệu quả đề tài sau 5 - 10 năm? 

Đầu tư của nhà nước chỉ tập trung cho công tác đào tạo ở nước ngoài, nhưng không tập trung ngân sách sử dụng họ khi về nước, đã tạo ra một lãng phí vô cùng lớn. Hệ lụy là nạn chảy máu chất xám tiếp tục diễn ra không có phương thức gì cứu chữa. 

GS.TS Bùi Chí Bửu cho rằng, chưa có chính sách hợp lý để sử dụng các nhà khoa học ở nước ngoài khi họ về nước, tạo ra một lãng phí vô cùng lớn. Ảnh: MH.

GS.TS Bùi Chí Bửu cho rằng, chưa có chính sách hợp lý để sử dụng các nhà khoa học ở nước ngoài khi họ về nước, tạo ra một lãng phí vô cùng lớn. Ảnh: MH.

"Trong ba mũi nhọn chiến lược nhân lực, cơ sở hạ tầng và thể chế, tôi nghĩ rằng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nên ưu tiên trước mắt nhiều hơn cho thể chế để làm thay đổi quản lý khoa học.

Dĩ nhiên không thể xem nhẹ tăng cường nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở trang thiết bị của các viện nghiên cứu".

(GS.TS Bùi Chí Bửu)

Không có đề tài nghiên cứu, không có môi trường khoa học hấp dẫn người tài. Họ càng trở nên lãng công, bất mãn và cuối cùng phải ra đi. Vì ở lại nước ngoài, họ có thể có ít nhất một công trình khoa học mỗi năm, được công bố trên những tạp chí khoa học quốc tế uy tín.

Nhân lực đóng vai trò quan trọng bậc nhất đối với sự thành công của bất cứ ngành khoa học nào. Yêu cầu cơ khí hóa nông nghiệp, số hóa nông nghiệp, sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP đang cần được vận hành bởi nông dân trí thức.

Số cán bộ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam chỉ đạt 14 người/1 vạn dân trong năm 2014 so với chỉ tiêu 10 người/1 vạn dân vào năm 2015, thực tế là vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực là nội dung đang được tranh luận.

Hệ lụy là số tổ chức khoa học công nghệ (KH-CN) đạt trình độ khu vực và quốc tế chỉ đạt 20% chỉ tiêu; số doanh nghiệp KH-CN đạt 7% chỉ tiêu; số cơ sở ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao chưa tới 30% chỉ tiêu... Đây là kết quả rất thấp so với Chiến lược phát triển KH-CN Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Chia sẻ cách tiếp cận liên ngành theo chuỗi về an toàn thực phẩm

THỪA THIÊN - HUẾ Các đại biểu đã cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu về an toàn thực phẩm từ Dự án 'Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một Sức Khỏe'.

Tân Lạc thu hoạch trên 1.000 tấn quýt Vân Sơn

HÒA BÌNH Mùa vụ này các nhà nông Mường Bi lại được mùa quýt Vân Sơn, sản lượng cho thu hoạch ước trên 1.000 tấn quả, đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.