| Hotline: 0983.970.780

'Thay máu' HTX nông nghiệp kiểu cũ: Nơi thì vỡ hết, nơi lồng trong nhau

Thứ Sáu 29/10/2021 , 14:04 (GMT+7)

Trong khuôn viên UBND xã Phú Châu (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) có một phòng gắn biển Chủ nhiệm HTX dù sau chuyển đổi theo luật năm 2012 phải gọi là Giám đốc HTX.

Sau 1 đêm ngủ dậy, từ Chủ nhiệm HTX, ông Nguyễn Văn Nhượng đã thành Giám đốc HTX nhưng ông bảo: “Bà con vẫn thích từ Chủ nhiệm, hơn nữa tiền chẳng có, trưng cái biển Giám đốc cũng ngại”. 

Nơi gắng duy trì, nơi cho vỡ hết

HTX Phú Châu có 1.350 thành viên với 252ha đất. Năm 2016, chuyển đổi, các thành viên không góp vốn mà chuyển từ quỹ cũ có 500 triệu sang, những cán bộ khung của HTX gồm 3 hội đồng quản trị, 2 kiểm soát, 2 kế toán cũng vậy.

“HTX xưa còn dịch vụ điện, khi bàn giao toàn bộ hệ thống lưới điện hoạt động rất khó khăn. Hiện chúng tôi đang làm các dịch vụ thủy lợi nội đồng, bảo vệ đồng ruộng, bảo vệ thực vật, khuyến nông và một chút vật tư. Khâu làm đất, gặt HTX có tổ chức nhưng không có vốn mà chỉ mời các chủ máy đến thành lập tổ dịch vụ, khống chế giá, đảm bảo cho nhu cầu của bà con chứ không thu được một khoản nào.

Mức phí HTX đang thu ở đồng 9,1-15kg/sào/năm, ở bãi 8,9kg thóc/sào/năm. Trên đồng bà con trồng lúa, trên bãi thì trồng màu, tự sản tự tiêu là chính và bỏ hoang ở vụ mùa cũng khoảng 25ha.

Ông Nguyễn Văn Nhượng - Giám đốc HTX xã Phú Châu. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Ông Nguyễn Văn Nhượng - Giám đốc HTX xã Phú Châu. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Độ tuổi trung bình của cán bộ HTX đa số đều trên dưới 60. Hiện quỹ còn hơn 700 triệu nhưng lương Giám đốc từ lâu tôi không điều chỉnh, hai nhiệm kỳ chỉ 1,25 triệu/tháng, còn các anh em khác bằng cỡ 80%. Trước tôi cố gắng tính bằng mức lương tối thiểu nhưng nay đã bị vượt, giờ mà trình lên đại hội để xin tăng vài chục ngàn đến trăm ngàn thì rất ngại.

Tôi dự nhiều lớp tập huấn về HTX, cũng có ý kiến với các thầy rằng luật HTX mới năm 2012 không phù hợp bởi dịch vụ là mang tính kinh doanh, phải làm hợp đồng trong khi thực tế đất đã chia cho nông dân rồi, họ không vào HTX vẫn phải phục vụ vì ruộng ở giữa, tội gì mà đóng phí? Lại còn chuyện dịch vụ của HTX phân chia ra tỷ lệ phục vụ thành viên là chính, còn ở ngoài là phụ thì vô lý quá!”, ông Nhượng bày tỏ.

Anh Nguyễn Văn Quảng - Phó Chủ tịch xã thì bảo thẳng với tôi rằng dù biết mô hình HTX chuyển đổi theo luật là “bình mới, rượu cũ” nhưng vẫn phải duy trì 2 HTX để làm các dịch vụ cơ bản cho dân và đảm ảo an ninh cho địa phương: “Nếu không giữ HTX thì UBND xã phải kham những đầu việc ấy trong khi nhiệm vụ của chúng tôi là làm hành chính, không được làm dịch vụ, nếu buộc phải làm thì lấy đâu kinh phí để nuôi? Hiện một số nơi trong huyện mô hình HTX bị vỡ khiến cho UBND xã phải gánh việc thay rồi”.  

Một trang trại gà ở xã Phú Châu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một trang trại gà ở xã Phú Châu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi sang Đồng Thái, nơi bị vỡ hết HTX để gặp Phùng Quốc Nam - Phó Chủ tịch xã. Anh cho hay trước có 4 HTX thôn, cách đây ngót 10 năm theo chủ trương chung, đã giải thể để thành lập HTX toàn xã nhưng không thành lập được.

Bởi thế, khi có kế hoạch sản xuất, xã lại chỉ đạo xuống cho các thôn để thực hiện. Việc dẫn nước của HTX xưa giờ trưởng thôn chỉ đạo, thuê người làm, còn tất cả các dịch vụ khác đều do dân tự lo. “Sau khi giải thể HTX thôn, việc vận hành sản xuất của dân lẫn chỉ đạo của chính quyền vẫn bình thường, không xáo trộn nhiều nhưng nếu thành lập được HTX toàn xã thì sẽ bớt gánh nặng cho UBND và các thôn”.

Bên cạnh lúa, Đồng Thái còn có giống khoai lang nổi tiếng khắp miền Bắc nhưng sản lượng của cả lúa và khoai đều đang giảm đi, chủ yếu là tự sản tự tiêu và mỗi vụ mùa xã bỏ hoang khoảng trên 20ha.

"Nhiều người hỏi tại sao lương thấp thế mà các ông vẫn làm, tôi chẳng biết phải trả lời sao. Xưa HTX là nơi đào tạo cán bộ cho UBND xã, anh em chúng tôi giờ đây toàn những thành phần dậm chân tại chỗ, không đi được chứ nếu đi được đã “bay” hết". Lời ông Nhượng - Giám đốc HTX Phú Châu.

Xuất bán rau sạch ở HTX Văn Đức, huyện Gia Lâm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xuất bán rau sạch ở HTX Văn Đức, huyện Gia Lâm. Ảnh: Dương Đình Tường.

HTX trong lòng HTX

Cũng là mô hình cũ chuyển đổi sang năm 2016, xuất phát điểm của HTX Sản xuất - Kinh doanh - Dịch vụ Nông nghiệp Văn Đức (Gia Lâm, TP Hà Nội) có đầy đủ những khó khăn tương tự.

Trước đó, dù chính quyền các cấp tuyên truyền rằng HTX giờ không chỉ hoạt động dịch vụ đầu vào mà còn bao tiêu đầu ra nhưng bà con vẫn nghĩ nó chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Bởi thế, HTX cũ có gần 1.100 hộ, khi chuyển đổi chỉ có 145 hộ góp vốn với mức 1 triệu, phần lớn còn lại ngại ngần vì sợ mất tiền đã đành mà còn mất cả hi vọng.

Giám đốc HTX, Nguyễn Văn Minh nhớ lại: “Tài sản để lại chỉ là mấy cái máy bơm hết hạn sử dụng, còn trụ sở phải ở nhờ UBND xã. Nói chung là rất khó khăn nhưng chúng tôi xác định, điều đầu tiên phải thay đổi là tư duy trong Hội đồng quản trị. Phải hoạch toán kinh doanh, phải cung cấp những dịch vụ tốt hơn, giá rẻ hơn bên ngoài để thu hút các thành viên. Trước đại hội, tôi còn xin hứa nếu HTX để mất 1 đồng của thành viên góp vốn sẽ từ chức.

Mỗi thành viên góp 1 triệu nên chỉ được 145 triệu, thiếu rất nhiều so với 1 tỉ vốn điều lệ HTX phải đi vay. Do không có tài sản thế chấp chính Hội đồng quản trị phải bỏ 3 sổ đỏ cá nhân ra thế chấp, trong đó có Giám đốc, Phó Giám đốc, mỗi người vay 500 triệu.

Anh Minh - Giám đốc HTX Văn Đức: 'Để mất 1 đồng của thành viên góp vốn, tôi sẽ từ chức'. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Minh - Giám đốc HTX Văn Đức: "Để mất 1 đồng của thành viên góp vốn, tôi sẽ từ chức". Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo luật HTX, không có kiểu thành viên liên kết tức không góp vốn mà chỉ sử dụng dịch vụ nhưng trước đây họ toàn là xã viên HTX cũ cả, giờ mà bóc tách ra, không gọi là thành viên nữa thì tạo ra một ngăn cách. Nếu họ có nhu cầu sử dụng dịch vụ của HTX thì nên được coi là thành viên liên kết.

HTX quy định thành viên liên kết vẫn có quyền tham dự đại hội đại biểu để bỏ phiếu bầu ra bộ máy lãnh đạo giúp mình cũng như quyền được công khai tất cả thông tin hoạt động. Những thành viên liên kết này được phiên chế trong các tổ 30-50 người, có đại diện để phản ánh những nguyện vọng cũng như những băn khoăn, vướng mắc, chỉ không được hưởng lợi nhuận chia trên vốn góp kinh doanh. Đó là cách làm sáng tạo của Văn Đức”...

HTX Văn Đức làm 4 khâu dịch vụ chính: thủy lợi, bảo vệ đồng ruộng, khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư đầu vào và giải quyết đầu ra cho bà con trong đó dịch vụ đầu vào chỉ lấy thu, bù chi, mang tính phục vụ cộng đồng còn lợi nhuận chính là bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Mỗi năm HTX tiêu thụ 2.000-3.000 tấn rau trong đó xuất khẩu được 300-500 tấn. Lợi nhuận mấy năm đầu cho HTX không có, về sau cũng chỉ vài chục triệu/năm, được phân bổ vào vốn tái sản xuất, vốn dự phòng, sau đó chia trên vốn góp ở mức 15%.

Thu hái rau sạch của HTX Văn Đức. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thu hái rau sạch của HTX Văn Đức. Ảnh: Dương Đình Tường.

Văn Đức hiện có 200ha rau an toàn và 27ha rau VietGAP, có 17 sản phẩm đạt OCOP trong đó 12 đạt 4 sao, 5 đạt 3 sao. Nông dân tự tin đến mức vừa thu hái dưa chuột, cà chua, vừa đưa ngay lên miệng để thưởng thức…

Anh Chử Văn Tuấn - thành viên của HTX hiện đang sản xuất hơn 7 sào rau nói: “Tôi tin tưởng góp vốn vì bộ khung của HTX toàn là người địa phương, trình độ, năng lực của họ ra sao đã biết rõ. Lợi ích của tôi là được tham gia các lớp tập huấn, được mua trả chậm vật tư với giá rẻ hơn và quan trọng là được bao tiêu sản phẩm. Hiện, thu nhập của gia đình mỗi năm vào khoảng 100 triệu”.

Rau an toàn đến mức nông dân tự tin ăn ngay trên đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rau an toàn đến mức nông dân tự tin ăn ngay trên đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Từ 145 thành viên, giờ HTX đã phát triển lên 166 và một điều đặc biệt nữa là trong HTX lại hình thành 1 HTX nữa với 7 thành viên cùng tập trung vào sản xuất và tiêu thụ. Điều ước ao của Giám đốc Minh là có chính sách ưu đãi cho HTX thuê đất để làm trụ sở, nhà xưởng, nhà kho, tránh tình trạng ăn nhờ, ở đậu như hiện tại.

"HTX Văn Đức tham gia nhiều hội chợ cũng như tận dụng các cơ hội truyền thông trên báo đài, zalo, facebook để có thể quảng bá sản phẩm. Hướng sắp tới của chúng tôi là nâng cấp chất lượng hơn nữa sản phẩm nên rất cần Nhà nước hỗ trợ cho người dân phân bón hữu cơ, thuốc vi sinh, chế phẩm sinh học…". Lời anh Minh - Giám đốc HTX Văn Đức.

Lợi ích cho dân rất lớn

Lương cán bộ cũng không cao nhưng ích lợi cho người dân là rất lớn. Theo anh Minh phương thức hoạt động của HTX phải chuyển đổi sang kinh doanh giống doanh nghiệp nhưng lợi ích thuộc về cộng đồng chứ không chỉ là Hội đồng quản trị, Ban giám đốc và các thành viên góp vốn.

Mỗi năm sản lượng rau của địa phương cỡ 35.000 tấn, chủ yếu bán ở các chợ đầu mối, chỉ cỡ 10% cung cấp vào các siêu thị, cửa hàng. Phần này do HTX ký hợp đồng ràng buộc trách nhiệm rồi trực tiếp chỉ đạo sản xuất, sơ chế, đóng gói.

Tập huấn kỹ thuật, nâng cao nhận thức chỉ là một phần còn quan trọng nhất vẫn là ý thức của dân. Văn Đức là vùng thuần nông, thu nhập chính nhờ vào nông nghiệp, không làm tốt, để xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ không bán được hàng, phải đổ đi ngay.

Thứ nữa là phải giám sát chặt. Hơn 1.000 hộ tham gia sản xuất thì hình thành 20 tổ giám sát cộng đồng, các công đoạn như bón phân, dùng thuốc đều phải ghi chép nhật ký. Tổ trưởng hưởng mức thù lao 400.000-500.000 đồng/tháng.

Ban ngày các tổ đi thành nhóm 2-3 người để giám sát chéo, không có chuyện người này nể người kia, hàng tuần lại đảo khu vực một lần. Ban đêm có tổ bảo vệ đồng gồm 12 người, với mức thù lao 1,3 triệu/tháng, chia ca ra tuần tra.

Vân Đình

Xem thêm
Bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên - Huế

THỪA THIÊN - HUẾ Ông Hoàng Đăng Khoa, Phó Tổng Biên tập phụ trách được Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập báo Thừa Thiên - Huế, kể từ ngày 1/11.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cảnh báo mưa lớn tại khu vực Trung Bộ, kéo dài nhiều ngày

Từ ngày 3/11, khu vực Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt mưa lớn, lượng mưa phổ biến 40-100mm cục bộ có nơi trên 200mm.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài cuối] Bán tôm cá 'bán' cả câu chuyện sông Đà

Để đảm bảo tính đa mục tiêu của vùng hồ thủy điện, Hòa Bình tập trung khai thác giá trị thương hiệu cá sông Đà, lấy du lịch làm 'đầu kéo' thủy sản lòng hồ.

Bình luận mới nhất