| Hotline: 0983.970.780

'Thay máu' HTX nông nghiệp kiểu cũ: Cuộc sáp nhập rối tinh...

Thứ Năm 28/10/2021 , 06:43 (GMT+7)

Khi HTX giải thể, Chủ tịch xã Kim Đường dần quen với việc dân vào kêu chuyện nước đầy nước vơi, với việc thôn không đóng tiền điện máy bơm, phải khất nợ ngành điện.

Tít mù vòng quay tách, nhập

Bởi Ban chỉ đạo sản xuất do Chủ tịch xã đứng đầu phải gánh vác tất cả phần việc của HTX toàn xã đang tiến hành giải thể, anh Hoàng Văn Thìn - Chủ tịch UBND xã Kim Đường (Ứng Hòa, TP Hà Nội) kể: “Trước năm 2016 xã có 5 HTX của 5 thôn, khi xây dựng nông thôn mới thì làm đại hội điểm, hợp nhất thành 1 HTX toàn xã. 5 HTX thôn thì có 4 là từ trung bình trở lên còn 1 là yếu, phần bởi lúc đó dân còn mặn mà ruộng đồng, phần bởi lãnh đạo HTX còn sâu sát công việc. Qua mấy năm tôi thấy hợp nhất HTX không có gì lợi hơn.  

Ban đầu HTX cũng muốn đưa giống lúa chất lượng cao vào để xây dựng thương hiệu gạo. Nhưng truyền thống dân ở đây là chăn nuôi kết hợp nấu rượu nên muốn cấy lúa lai Trung Quốc (chiếm 60 - 70%) vì năng suất cao và giá bán của nó cũng tương đương lúa chất lượng.

Giờ cánh trẻ đi ra ngoài, chỉ còn người già ở nhà, ngày công có thời điểm lên tới 500.000 đồng nên làm ruộng ngày một khó. Xã có hai nguồn nước, nếu lấy từ sông Đáy còn đỡ chứ lấy từ sông Nhuệ bơm đến đâu thối sực lên đến đấy. Thêm vào đó, nhiều năm liền trong khu vực lúa bị bạc lá, khô vằn và chuột hại chứ không phải riêng mỗi Kim Đường.

Anh Hoàng Văn Thìn - Chủ tịch UBND xã Kim Đường: 'Tôi thấy hợp nhất HTX không có gì lợi hơn'. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Hoàng Văn Thìn - Chủ tịch UBND xã Kim Đường: "Tôi thấy hợp nhất HTX không có gì lợi hơn". Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước đây, nguồn hỗ trợ thủy lợi phí do các HTX nhỏ quản lý và hàng tháng trả tiền điện, nhưng kể từ khi lên HTX lớn rồi giao hệ thống kênh mương cho công ty thủy lợi huyện, hàng tháng phải đối trừ, còn lại bao nhiêu mới hỗ trợ lại. Việc điều tiết nước không kịp với nhu cầu, việc sửa chữa kênh mương, đường nội đồng bị hạn chế.

Hơn thế, máy gặt về nhiều, làm đảo lộn mặt ruộng nhưng HTX lại không tổ chức được việc để ải sau vụ mùa khiến càng thêm lầy lội. Những chỗ nào máy gặt không xuống được là nguy cơ bỏ ruộng và thực tế mỗi vụ mùa bỏ khoảng 30 - 50ha”…

Năm 2016, anh Nguyễn Văn Nam đang là trưởng thôn thì được động viên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX toàn xã. Không một xu vốn vì thành viên không chịu góp, HTX được xã cho 5 triệu mua cái tủ tài liệu, giờ đã mất khóa nên anh không thể tìm được báo cáo giải thể để đưa tôi.

“5 HTX thôn có Tu Lễ diện tích lớn nhất nhưng lại hay nợ, trong hơn 1 tỉ dân nợ thì thôn này đã hơn 800 triệu. Đã thế, ngay cả một số cán bộ HTX cũng nợ rồi khi không có lương (từ vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu nhưng 2 năm cuối không có) thì khấu trừ vào luôn.

Anh Nguyễn Văn Nam bên một cái máy bơm cũ kỹ của HTX. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Văn Nam bên một cái máy bơm cũ kỹ của HTX. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trực tiếp tôi cùng với các đội trưởng, đội phó vào từng nhà trong xã để đòi suốt 2 tháng liền nhưng vẫn còn trên 700 triệu đành phải chịu. Còn HTX lại đang nợ mấy trăm triệu tiền vật liệu, nhân công. Chúng tôi đang xin giải thể HTX toàn xã, xây dựng lại HTX thôn”, anh Nam nói.   

Cả buổi chiều mưa tầm tã, tôi cùng Chủ tịch xã và Chủ tịch HTX ra đồng xem mấy cái trạm bơm đã hoen rỉ. Anh Nam bảo: “Trong 5 năm hoạt động chúng tôi tự phân loại, đánh giá là trung bình nhưng nhiều HTX trung bình vẫn tự nhận là tốt. Như một HTX giáp đây, lúa còn xấu hơn vẫn thống kê năng suất 2,3 tạ/sào trong khi chúng tôi đánh giá 1,5 tạ/sào đã cảm thấy cao hơn thực tế”.

Không có lương nhưng tất cả đều có lợi

Anh Đinh Quang Lĩnh - Chủ tịch UBND xã Trầm Lộng bảo rằng các HTX quê mình trước sống nhờ bao cấp, thu từ việc cho thuê hồ ao, đất công và thu 1 kg/sào để nuôi cán bộ: “Lúc đầu xã có 10 HTX cấp thôn, trong đó nhỏ nhất là Phú Điền với 40 mẫu đất, lớn nhất là An Cư với 360 mẫu. HTX thôn không thúc đẩy cho kinh tế hộ vì làm đất, gặt hái tự gọi chủ máy, phân bón tự gọi đại lý, thóc bán tự gọi hàng xáo. Chúng tôi đi đầu về dồn điền đổi thửa, 456 hộ làm nông thì mỗi nhà trên dưới 1ha, tính tự chủ rất cao.

Khi sáp nhập tất HTX thôn vào thành HTX toàn xã, được 6 tháng là bỏ bởi không làm được dịch vụ kể cả đầu vào lẫn đầu ra. Đôn đốc nhiều nhưng sau 1 nhiệm kỳ vẫn trì trệ nên chúng tôi phải giải thể HTX bởi như một dòng nước đục phải khơi ra mới trong được. Loa xã thông báo cho bà con rằng giờ địa phương toàn thủy sản, không còn lúa nên HTX nông nghiệp không phù hợp nữa, phải thành lập HTX chuyên ngành thủy sản. Ai có nhu cầu vào thì viết đơn và góp vốn 1 triệu còn không thì nước vẫn được bơm, đường vẫn được đi, điện vẫn được phục vụ…”.

Anh Đinh Quang Lĩnh - Chủ tịch UBND xã Trầm Lộng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Đinh Quang Lĩnh - Chủ tịch UBND xã Trầm Lộng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Quay trở lại với HTX toàn xã, lúc sáp nhập có 520 thành viên, mỗi người góp vốn 100.000 đồng. Khó khăn chưa hết, khi quy hoạch Chủ tịch Hội đồng quản trị người ta gợi ý phải là Đảng ủy viên. “So bó đũa, chọn cột cờ” mãi cuối cùng chọn một Bí thư thôn ra đứng mũi chịu sào dù không mấy tâm huyết.

Khi thấy HTX không tổ chức được các dịch vụ xuống thôn, ông Lê Xuân Hữu liền trả chức thủ quỹ, xin ra. Ông tiếc rẻ, bởi hồi ấy xã vẫn còn trên 300ha lúa nếu HTX cung ứng dịch vụ đầu vào để ổn định một thời gian rồi lo hành lang pháp lý cho bà con chuyển đổi sang thủy sản thì sẽ rất mạnh.    

Sau khi HTX toàn xã tan, ông Hữu đứng ra thành lập HTX Thủy sản Trầm Lộng bởi 468ha đất của xã lúc này đã hơn 90% chuyển sang nuôi thủy sản nhưng toàn tự phát, thiếu kiến thức, không có chủ thể đại diện. Mới đầu HTX có 25 thành viên rồi dần lên 36 với 63ha.

Ông Hữu vui với tấm giấy chứng nhận VietGAP của HTX Thủy sản Trầm Lộng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Hữu vui với tấm giấy chứng nhận VietGAP của HTX Thủy sản Trầm Lộng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vốn góp có hơn 30 triệu, để hoạt động bản thân ông Chủ tịch HTX phải bỏ ra gần 10 tỉ để làm vốn, cung cấp thức ăn thủy sản cho thành viên. “Cây nứa dựa cây tre” cả đôi bên cùng có lợi. Ví dụ, thị trường đang bán 400.000 đồng/bao cám mà thành viên A sử dụng cám của HTX cung ứng, giá bán ban đầu ngang với đại lý nhưng hơn ở chỗ cuối năm được hỗ trợ 5.000 đồng/bao. Còn người bỏ vốn như ông Chủ tịch HTX cũng có lãi 2.000 đồng/bao.

Nhờ đó mà HTX hoạt động nhịp nhàng dù ông Chủ tịch HTX không có lương, còn các cán bộ khác tham gia cho đủ ban bệ chứ quyền lợi cũng giống như các thành viên. Cùng mua chung vật tư đầu vào, cùng quy trình sản xuất, đến cuối tháng 9 vừa qua, 40ha ao của HTX đã được công nhận VietGAP.

Nhưng cái đầu của ông Hữu vẫn còn lo bởi: “Tiêu thụ sản phẩm là vấn đề đến giờ tôi vẫn chưa tìm được lối ra dù đã đi khắp nơi để chào mời. Tôi chỉ mơ làm sao bà con trong đó có mình bán cá tươi được giá một chút chứ chưa dám mơ đến chế biến theo chuỗi như đề án. Mỗi ngày HTX có thể cung cấp đều đặn 5 - 7 tấn cá trắm, chép, trôi, rô phi. Hiện, giá đầu vào leo thang, tăng 25% mà giá đầu ra liên tục bị tư thương ép, giảm 10%, nên đang hòa là chính, ai giỏi thì được lãi vài chục triệu/ha”.

Ông Giám đốc HTX Thủy sản Trầm Lộng. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Ông Giám đốc HTX Thủy sản Trầm Lộng. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Hệ thống kênh mương của HTX Kim Đường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hệ thống kênh mương của HTX Kim Đường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ứng Hòa đề ra mục tiêu năm 2021 sẽ xử lý dứt điểm việc giải thể, chuyển đổi sang loại hình khác đối với các HTX nông nghiệp ngừng hoạt động. Năm 2022-2023 sáp nhập các HTX thôn thành HTX toàn xã hay liên thôn. Năm 2024-2025, duy trì và nâng cao chất lượng của các HTX sau khi sát nhập, xây dựng phương án kinh doanh, thương hiệu, sản xuất theo hướng an toàn cũng như thành lập mới 8 HTX chuyên ngành và hỗ trợ chúng hoạt động.

Le lói ánh sáng

Trong đề án “Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị các nông sản chủ lực trên địa bàn huyện Ứng Hòa giai đoạn 2021 - 2025” có thống kê tổng số HTX là 102. Cụ thể, HTX nông nghiệp truyền thống có 74, được tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012; HTX chuyên ngành thành lập mới có 21; HTX ngừng hoạt động có 7. Năm 2020 tổng số HTX đủ điều kiện để đánh giá phân loại là 87 trong đó tốt 11, khá 41, trung bình 35.

Với 61 HTX quy mô thôn, vốn góp bình quân 174.000 đồng/thành viên, 100% chưa có trụ sở riêng mà hoạt động nhờ vào các nhà văn hóa, đình làng, hầu hết không sử dụng internet. Bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả với dịch vụ cơ bản như làm đất, dẫn nước, bảo vệ đồng, BVTV, khuyến nông, giống, chủ yếu là thu hộ, trả hộ. Doanh thu bình quân 486 triệu đồng/HTX, lợi nhuận 63 triệu đồng/HTX, thu nhập của lao động thường xuyên 0,9 triệu đồng/tháng.

Với 13 HTX quy mô xã, vốn góp bình quân 162.000 đồng/thành viên, hầu hết chưa đầu tư được máy móc, thiết bị, chưa có trụ sở riêng, các dịch vụ tương tự như HTX thôn. Doanh thu bình quân 3.687 triệu đồng/HTX, lợi nhuận 77 triệu đồng/HTX, thu nhập của lao động thường xuyên 1,6 triệu/tháng. Nhìn chung là hoạt động dịch vụ của các HTX nông nghiệp truyền thống tuy có số lượng thành viên đông nhưng phần lớn chưa có nhiều đổi mới.

Với 21 HTX chuyên ngành thành lập mới có quy mô 7-50 thành viên, vốn góp bình quân 83 triệu đồng/người, hoạt động tập trung các dịch vụ đầu vào, một số ít có sơ chế, chế biến. Phần lớn chúng có năng lực hơn các HTX truyền thống nhưng vẫn thiếu vốn, khó tiếp cận được các nguồn vay ưu đãi do không có tài sản thế chấp, khó tích tụ đất, không có mặt bằng để xây dựng trụ sở cũng như sơ chế, chế biến, chưa bao tiêu được sản phẩm đầu ra.

HTX chuyên ngành trồng trọt có doanh thu bình quân 808 triệu đồng, lợi nhuận 250 triệu đồng, thu nhập của lao động thường xuyên 4 triệu/tháng. HTX chuyên ngành chăn nuôi có doanh thu bình quân 3.730 triệu đồng, lợi nhuận 1.305 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên 5 triệu/tháng. HTX chuyên ngành thủy sản có doanh thu bình quân 2.598 triệu đồng, lợi nhuận 105 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên 3,1 triệu/tháng.

Vân Đình

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Australia có thể giúp đỡ Việt Nam trong chương trình 1 triệu ha lúa

Chiều 20/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski và cảm ơn Đại sứ với những đóng góp của ông trong nhiệm kỳ vừa qua.

Nguyên nhân vụ cháy nhà trọ làm 2 người chết

TP.HCM Ngôi nhà 4 tầng, rộng khoảng 60m2, được ngăn thành hơn chục phòng nhỏ cho thuê, tầng trệt để xe máy, thời điểm xảy ra cháy, khu trọ đang có 23 người ở các phòng.