Trình bày tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính chiều 9/9, GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nêu 16 kiến nghị để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thời gian tới.
Những kiến nghị chính được bà Lan đưa ra, như: đề nghị Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh chủ trương tăng trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục. Trong đó, cho phép sử dụng đất đai, tài sản, cơ sở vật chất khi chưa dùng hết công suất để thực hiện liên doanh, liên kết giúp đa dạng nguồn thu.
Giống nhiều đơn vị sự nghiệp công lập khác, Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện tự chủ về nhiều mặt, trong đó có công tác nhân sự, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và tài chính. Điểm nổi bật là nhà trường đã cân đối thu - chi để đảm bảo thu nhập cho cán bộ, viên chức theo tiến trình cải cách lương, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, trường cũng đảm bảo quỹ học bổng cho sinh viên và phát triển cơ sở vật chất.
Tuy nhiên, trước thực trạng tuyển sinh khó khăn, nhiều lĩnh vực trường đang đào tạo khó xã hội hóa, hoặc nằm trong nhóm ngành, nghề thiết yếu, nên Học viện Nông nghiệp Việt Nam còn trăn trở trên con đường trở thành trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong nước cũng như khu vực.
"Chúng tôi kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành sớm triển khai việc đặt hàng đào tạo và các dịch vụ cho cơ sở giáo dục đại học. Nhiều hội nghị đã bàn về việc này nhưng hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, cũng như có chính sách hỗ trợ dài hạn với các chương trình đào tạo chất lượng cao, giúp xây dựng nguồn nhân lực một cách bền vững", bà Lan nói.
Một vấn đề quan trọng khác được GS.TS. Nguyễn Thị Lan nhắc đến, là việc cho thí điểm mô hình Spin-off tại nhà trường. Ở đó, cán bộ viên chức nhà trường được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp spin-off. Theo lãnh đạo Học viện, đây là cách để sinh viên thấm nhuần hơn phương châm "học đi đôi với hành".
Là một trong bốn trường đại học thành lập sớm nhất trên cả nước, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề cao châm ngôn “Nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học”. Đó cũng là xuất phát điểm cho kiến nghị, về việc thực hiện cơ chế khoán đến sản phẩm nghiên cứu cuối cùng hoặc sản phẩm trung gian từng giai đoạn.
Trong buổi làm việc ngày 9/9, GS.TS. Nguyễn Thị Lan kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xem xét đổi mới cơ chế quản lý tài chính cho nghiên cứu khoa học, nhất là việc thực hiện thanh quyết toán đơn giản, giúp các nhà khoa học bớt "tâm tư".
Với mong muốn vươn tầm, xứng đáng là trường trọng điểm quốc gia, lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất thêm đề án xây dựng học viện theo mô hình trường đại học. Bản dự thảo có thể trình Bộ NN-PTNT vào cuối năm 2022.
Song song với đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam quyết nâng cao hơn nữa hiệu quả từ hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2022-2027. Bên cạnh việc tranh thủ nguồn lực từ hợp tác quốc tế, nhà trường định hướng sẽ tham gia một cách tích cực vào nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, và có những giải pháp cụ thể cho các vùng nông nghiệp trọng điểm.
Lắng nghe những ý kiến của GS.TS. Nguyễn Thị Lan cùng đại diện một số thầy, cô Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, những thay đổi trong tư duy và cách làm của học viện thời gian qua là hết sức chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường, cũng như sự chuyển biến về tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp của toàn ngành.
Cam kết sẽ có những buổi làm việc chuyên sâu, về từng vấn đề cụ thể giữa các Cục, Vụ liên quan của Bộ với Học viện, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý tập thể cán bộ công nhân viên nhà trường nên "Lựa chọn một vài vấn đề trọng điểm, tạo sức bật nhanh chóng".
Thống kê của Vụ Tổ chức cán bộ minh chứng cho quan điểm của Bộ trưởng. Số lượng sinh viên được các trường thuộc Bộ NN-PTNT tuyển hiện nay giảm khoảng 35% so với giai đoạn 2010-2015. Điều này trực tiếp gây khó khăn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của ngành nông nghiệp, cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Nếu không thay đổi sớm, chúng ta sẽ bị tụt lại", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. "Thay vì chờ cơ chế đặt hàng từ Bộ, ban, ngành, địa phương, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có thể nghĩ tới việc chào hàng, đem trình diễn chính những sản phẩm nghiên cứu, sản phẩm từ nguồn nhân lực trước khi bán".
Chia sẻ thêm, người đứng đầu Bộ NN-PTNT lấy ví dụ về mô hình Spin-off, hiện khá thành công tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ông gợi ý, nhà trường có thể chọn một chương trình điểm, triển khai trong diện hẹp ở thực tế, và mời các Bộ, ngành liên quan đánh giá. Từ đó, các bên sẽ cùng xây dựng một cơ chế thống nhất, không chỉ riêng với các trường nông nghiệp mà còn là các trường cao đẳng, đại học trên cả nước.
Lưu ý cuối, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, là Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng các trường khác thuộc Bộ NN-PTNT cần xây dựng kế hoạch, chiến lược mở, giúp tăng nội lực và sức cạnh tranh. Ông cho rằng, cần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh hiện đại, xây dựng các khóa học hấp dẫn, tăng thời gian học thực tế cho sinh viên. Có như vậy, mới tạo ra một diện mạo mới cho các trường thuộc nhóm nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ NN-PTNT hiện có 34 trường, gồm: 1 học viện, 3 trường đại học, 2 trường cán bộ quản lý, 28 trường cao đẳng và 8 viện nghiên cứu khoa học có đào tạo sau đại học.
Theo Thứ trưởng, tỷ lệ thầy cô giáo đạt học hàm, học vị cao của khối trường nông nghiệp lên tới 50%, cao hơn so với mức trung bình là 30%. "Điều này chứng tỏ dư địa để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái của Việt Nam rất rộng mở", Thứ trưởng bày tỏ.