| Hotline: 0983.970.780

Khơi nguồn nhân lực chất lượng cao: Niềm cảm hứng từ ghế nhà trường

Thứ Hai 23/05/2022 , 07:44 (GMT+7)

Khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học và tổ chức nhiều ngày hội việc làm cho sinh viên là cách Học viện Nông nghiệp Việt Nam ngày một nâng cao chuẩn đầu ra.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam thăm dây chuyền, nhà máy sản xuất thuốc thú y - thủy sản của Công ty Invet. 

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam thăm dây chuyền, nhà máy sản xuất thuốc thú y - thủy sản của Công ty Invet. 

Cảm hứng từ ghế nhà trường

Một sáng giữa tháng 5/2022, Trung Hiếu dạy sớm hơn thường lệ. Cựu sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nay là nhân viên Công ty CP Tập đoàn Invet - một doanh nghiệp chuyên về thuốc thú y, được giao nhiệm vụ hướng dẫn cho các đại biểu tham quan nhà máy thuốc thú y - thủy sản đạt chuẩn GMP-WHO vừa khánh thành.

Một tay xếp tài liệu, một tay không ngừng rà soát sơ đồ nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị để chuẩn bị cho buổi giới thiệu, Hiếu bảo: "Những kỹ năng này em đều được dạy từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Công việc giờ đòi hỏi cao, không những cần chuyên môn vững về nghiệp vụ, mà còn cần cả giao tiếp và nhiều thứ khác nữa".

Sinh ra và lớn lên tại huyện Tràng Định, Lạng Sơn nhưng chàng sinh viên mới ra trường không chọn hành trình gắn bó với cây đặc hữu của địa phương (thạch đen), mà rẽ sang một con đường hoàn toàn mới. Vốn yêu thích chó, mèo từ nhỏ, Hiếu quyết tâm thi đỗ vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam và chọn học Khoa Thú y để thỏa mãn niềm đam mê.

Từ Lạng Sơn đến Hà Nội không chỉ là 200km đường đi, mà còn là những thay đổi, va chạm về văn hóa, giao tiếp. Là một người hướng nội, Hiếu gặp những khó khăn nhất định trong năm đầu theo học tại Học viện. Dù sáng lên giảng đường, chiều vào phòng thí nghiệm, tối tự học đến khuya, chàng sinh viên thế hệ 9x vẫn có sự ngại ngùng nhất định khi làm việc nhóm trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ sinh học thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ sinh học thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Bước ngoặt đến với Trung Hiếu sau khi tiếp nhận cảm hứng từ GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam qua bài phát biểu khai giảng năm thứ hai. Thời gian đã phủ một lớp bụi mờ lên trí nhớ, nhưng cậu học trò quê Lạng Sơn vẫn không thể nào quên châm ngôn "Nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học".

"Từng lời của cô Lan như thức tỉnh em, giúp em ý thức được sự may mắn khi đang đắm mình trong một môi trường nghiên cứu khoa học với điều kiện cơ sở vật chất hiện đại. Sau hôm ấy, em dặn lòng phải tranh thủ thời gian, tận dụng tất cả mọi cơ hội để nghiên cứu những thứ mình muốn", Hiếu nhớ lại.

Bên cạnh chuyển biến về nhận thức, cựu sinh viên Khoa Thú y tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Từ những buổi thực tế, kết hợp trò chuyện với bà con nông dân, Hiếu đã trau dồi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mới, mở rộng các mối quan hệ và giúp em tự tin hơn hẳn trong giao tiếp.

Hiếu chỉ là một trong hàng nghìn sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam được niềm đam mê khoa học của lãnh đạo nhà trường thôi thúc. Bằng mong muốn, một ngày nào đó sẽ tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao trong thực tiễn như kit chẩn đoán nhanh hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS) hay bệnh tai xanh ở lợn, lớp lớp thế hệ sinh viên thú y tự tin với cơ hội việc làm rộng mở. Họ có thể công tác tại cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ kỹ thuật tại doanh nghiệp, nhân viên tại khu bảo tồn động vật hoang dã, giảng viên tại trường đại học, làm chủ doanh nghiệp, hoặc đơn giản hơn là mở phòng khám thú y và tư vấn chuyên môn tại gia đình.

Ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Invet đánh giá cao nguồn nhân lực chất lượng cao từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Vốn là một cựu sinh viên nhà trường, ông Năm cam kết có những chính sách tuyển dụng ưu đãi với những người tốt nghiệp bằng giỏi, bằng xuất sắc từ Học viện.

"Công ty Invet vừa khánh thành nhà máy thuốc thú y - thủy sản tại huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Với mục tiêu đáp ứng và tự chủ được nguồn vacxin trong nước, Invet đang nghiên cứu mở rộng các dự án quy mô lớn và rất cần nguồn nhân lực trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y, thủy sản", ông Năm chia sẻ.

GS.TS Nguyễn Thị Lan (thứ hai từ phải sang) trực tiếp hướng dẫn và thường xuyên gợi mở, truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho sinh viên.

GS.TS Nguyễn Thị Lan (thứ hai từ phải sang) trực tiếp hướng dẫn và thường xuyên gợi mở, truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho sinh viên.

Giới thiệu việc làm qua kênh doanh nghiệp

Mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng sau khi ra trường như Trung Hiếu không phải hiếm tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Một trong những bí quyết của nhà trường là phối hợp chặt chẽ với công ty, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng tổ chức ngày hội việc làm thường niên.

Theo Ban Công tác Chính trị và Công tác Sinh viên của nhà trường, năm 2018, Học viện thu hút 58 doanh nghiệp về tuyển dụng 2.500 chỉ tiêu và 5 doanh nghiệp tuyển dụng không giới hạn. Năm 2019, con số này tăng lên thành 70 doanh nghiệp, với 3.821 chỉ tiêu, và 3 doanh nghiệp tuyển dụng không giới hạn. Năm 2020, 58 doanh nghiệp về tuyển dụng 2.500 chỉ tiêu và 2 doanh nghiệp tuyển không giới hạn.

Năm 2021, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà trường vẫn tổ chức ngày hội việc làm bằng hình thức trực tuyến. TS Giang Trung Khoa, Trưởng Ban Công tác Chính trị và Công tác Sinh viên đánh giá, ngày hội việc làm là dịp để sinh viên kết nối với nhà tuyển dụng tiềm năng, đồng thời tự định hướng học tập và rèn luyện tốt để tìm được việc làm phù hợp sau tốt nghiệp.

"Ngày hội việc làm cũng là dịp để Học viện tiếp nhận các ý kiến góp ý của doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; đồng thời là dịp để Học viện gắn chặt hơn mối quan hệ hợp tác trong và ngoài nước", ông Khoa nói.

Hoạt động nghiên cứu khoa học được sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam quan tâm, yêu thích.

Hoạt động nghiên cứu khoa học được sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam quan tâm, yêu thích.

Giống nhiều đơn vị khác trong ngành nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có truyền thống "sản xuất" tốt. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường và thời buổi hội nhập kinh tế quốc tế, nhà trường phải đảm nhiệm thêm khâu "tiếp thị" và khảo sát thị trường, làm sao để sinh viên ra trường không bị bỡ ngỡ, và có thể bắt tay ngay vào công việc.

GS.TS Nguyễn Thị Lan bày tỏ: "Mỗi khi gặp sinh viên cũ, hoặc nghe tin các em đạt thành tựu trong công việc, sự nghiệp, tôi rất mừng. Đó là lý do tôi luôn cổ vũ sinh viên nghiên cứu khoa học, bởi đó là một cách giúp các em làm quen dần với công việc sau này".

GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, nhà trường có cơ sở vật chất rộng rãi, khang trang, hiện đại nằm trên diện tích khoảng 200ha. Hiện Học viện có 8 khu giảng đường, 167 phòng học lý thuyết được trang bị máy tính, máy chiếu…, 184 phòng thí nghiệm với diện tích hơn 8.000m2. Khu ký túc xá của Học viện đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của khoảng 4.000 sinh viên. Đến nay, Học viện đã ký kết hợp tác với hơn 100 tổ chức, doanh nghiệp, góp phần giúp Học viện đạt tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm ở mức hơn 90%.

Theo ông Cường, nhu cầu về nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp hiện rất lớn. Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam chỉ ra 3 lý do. Một, Việt Nam là một nước nông nghiệp, với khoảng 60% dân số là nông dân. Hai, xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản tăng đều qua các năm, và vừa đạt kỷ lục 48,6 tỷ USD trong năm 2021. Ba, xu hướng phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn ngày càng mở rộng trên phạm vi toàn cầu.

Nhằm giúp các em tiếp cận nhanh hơn nữa với kiến thức, chuyên môn, cũng như nâng cao tay nghề, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã liên kết với nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Nội để tổ chức những buổi hướng nghiệp, phối hợp xây dựng các mô hình đào tạo thực nghiệm cũng như phát huy ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo cho học sinh. Dịp Tết Nhâm Dần 2022, Học viện đã trao 30 suất học bổng cho học sinh THPT.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.